Bóng đá VN tại ASEAN Cup 2024: Hãy quên quá khứ vừa qua để hướng tới tương lai

Từ AFF Cup 2018 đến 2022, đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) luôn là ứng cử viên nặng ký chức vô địch, nhưng tại ASEAN Cup 2024 (tên gọi mới của AFF Cup), dưới thời tân HLV Kim Sang-sik, VFF chỉ đưa ra chỉ tiêu: ĐTVN vào bán kết.

HLV Kim Sang-sik được hy vọng sẽ vực dậy bóng đá Việt Nam

HLV Kim Sang-sik được hy vọng sẽ vực dậy bóng đá Việt Nam

Thế nhưng trước sức ép của người hâm mộ cũng như truyền thông, VFF đã phải thay đổi chỉ tiêu: ĐTVN vào chung kết ASEAN Cup 2024.

Trân trọng quá khứ, nhưng không nên sống cùng quá khứ

Dưới thời ông Park Hang-seo, ĐTVN chỉ thua 2 trận ở AFF Cup trước Thái Lan: bán kết lượt đi AFF Cup 2020, chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưới thời ông Park, ĐTVN đã lập nên cột mốc: đội bóng đầu tiên vào chung kết không bị thủng lưới bàn nào (AFF Cup 2022); đội bóng duy nhất trong lịch sử giải vừa bất bại vừa sạch lưới 12 trận liên tiếp ở vòng bảng (AFF Cup 2018, 2020, 2022).

Đến với ASEAN Cup 2024, ĐTVN là đương kim á quân.

Với những số liệu thống kê trên, dễ hiểu vì sao nhiều người không hài lòng với chỉ tiêu ban đầu của VFF: ĐTVN vào bán kết ASEAN Cup 2024.

Quá khứ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Quá khứ giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân. Việc trân trọng quá khứ là điều cần thiết để ta có thể tiến xa hơn trong tương lai.

Thế nhưng, việc luôn lấy quá khứ để tự gây áp lực lên chính mình trong cuộc sống hiện tại và tương lai thì nên từ bỏ, đúng hơn là buông bỏ. Tại sao?

Vì rằng, sống với quá khứ sẽ là trở ngại lớn trong quá trình phát triển của chính mình. Sẽ chẳng có tín hiệu tích cực nào nếu cứ bám víu vào quá khứ rồi so sánh với hiện tại. Nếu muốn thay đổi tương lai, nếu muốn có một phiên bản tốt hơn hiện tại, tốt nhất nên buông bỏ sống cùng quá khứ.

Tiếc thay, ĐTVN nói riêng và BĐVN nói chung, suốt hơn một năm qua, kể từ khi ông Park Hang-seo kết thúc hợp đồng với VFF vào cuối tháng 1.2023, gần như rất nhiều người của mọi giới đều sống với hành trình lột xác - thuộc về quá khứ - của các ĐTVN từ U22, U23, Olympic cho đến đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo (10.2017 - 1.2023).

Cuộc sống cùng với quá khứ lại càng sâu đậm hơn sau thất bại của các ĐTVN dưới thời HLV Phiilippe Troussier, để rồi từ đây lại tiếp tục gây áp lực lên thời tân HLV Kim Sang-sik.

Bài học Troussier

Từ vị trí 95, BĐVN rơi xuống vị trí 115 trên bảng xếp hạng FIFA chỉ sau một năm dưới thời HLV Troussier.

Có quá nhiều bài học cay đắng cho BĐVN thời HLV trưởng Troussier.

Cho đến thời điểm này, ít ra ông Kim Sang-sik đã tạo được thiện cảm với truyền thông cùng người hâm mộ, khác rất nhiều so với cách đối đầu với người hâm mộ của ông Troussier.

Ông Kim Sang-sik cũng dùng quãng thời gian này để xem tối đa các trận đấu đã và đang diễn ra trong tháng 5 ở V-League mùa 2023-2024 để tìm kiếm thêm nhân tố mới, đồng thời kiểm chứng lại những tài năng mà ông có được qua danh sách giới thiệu từ VFF, từ HLV các đội bóng, cũng như của riêng bản thân ông.

Tất cả mới chỉ là bắt đầu, thậm chí chúng ta cũng chưa biết ĐTVN dưới thời HLV Kim Sang-sik sẽ là tập hợp những tài năng tốt nhất của BĐVN mà không phân biệt tuổi tác, hay lại như ông Troussier: ưu tiên trẻ và gần như loại bỏ rất nhiều những công thần của quá khứ cho dù họ chưa quá lớn tuổi. Nhưng với những gì ông Kim Sang-sik đang hoạt động bóng đá ở Việt Nam, ông đã ít nhiều tạo được thiện cảm trong lòng người hâm mộ.

Với riêng VFF và VPF cũng đã rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, điều hành V-League sao cho khoa học hơn và phù hợp với với sự phát triển chung của bóng đá thế giới.

V-League 2023-2024 bị ngưng đến 4 lần với quãng nghỉ lên đến 122 ngày, trong khi thời gian các đội thi đấu chỉ có 74 ngày. Có nghĩa là tỷ lệ nghỉ lên đến 62% so với thi đấu là 38%.

Do đó khi giải trở lại, các cầu thủ phải thi đấu với mật độ dày đặc với trung bình 4,9 ngày thi đấu một trận.

Căng hơn nữa khi càng về cuối giải, lịch thi đấu càng bị dồn toa. Cụ thể từ vòng 16 đến 22 diễn ra từ ngày 3 - 30.5, các đội phải đá 7 trận trong 27 ngày. Nhưng đâu chỉ đá mà các đội còn phải di chuyển do các trận đá trên nhà cũng như là trên sân khách. Tổng cộng vừa di chuyển, vừa đá là 3,85 ngày/trận.

Rồi từ vòng 23 đến 26 diễn ra từ ngày 15 - 30.6, các đội cũng phải vừa di chuyển vừa đá 4 trận trong 15 ngày, tính trung bình là 3,75 ngày/trận.

Thế nhưng đâu chỉ có cầu thủ bị ảnh hưởng, HLV cũng đau đầu vì phải làm lại từ đầu công tác thể lực và quản lý do các quãng nghỉ quá dài, cầu thủ đá dồn bị quá tải, liên tục chấn thương.

Hậu quả là không ít cầu thủ bị chấn thương, hoặc không đảm bảo sức khỏe để có được phong độ tốt nhất khi được gọi tập trung lên đội tuyển quốc gia. Đó cũng là một phần lý do khiến thành tích ĐTVN tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á không tốt.

Nhắc lại đầy đủ và chi tiết như thế để chúng ta hiểu và cảm thông hơn cho HLV Kim Sang-sik, vì ĐTVN khi tập trung vào tháng 6 tới chuẩn bị cho 2 trận còn lại ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026, cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều do các cầu thủ bị vắt kiệt sức khi phải thi đấu và di chuyển đến 7 trận trong 27 ngày của tháng 5.

Chính vì vậy, sẽ không có bất kỳ ai đòi hỏi cao HLV Kim Sang-sik ở 2 trận còn lại tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026.

Riêng VFF và VPF đã thống nhất với các câu lạc bộ ở V-League và Hạng nhất trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của BĐVN: từ mùa bóng 2024-2025, V-League và Hạng nhất sẽ chỉ dừng trong những đợt FIFA Days và ASEAN Cup.

Chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ

Đó là phát biểu nhiều lần và nhấn mạnh của HLV Kim Sang-sik khi trả lời truyền thông sau khi có kết quả bốc thăm ASEAN Cup 2024.

ĐTVN là hạt giống số 1 bảng B cùng với các đội Indonesia, Philippines, Myanmar và Lào. Như đã phân tích, nếu là trước đây, với những đối thủ như thế này, ai cũng nghĩ ĐTVN đương nhiên vào bán kết, vấn đề là nhất hay nhì bảng cho dù tỷ lệ nhất bảng cao hơn nhì bảng.

Tuy nhiên thời thế đã thay đổi!

Ba trận đấu gần nhất với Indonesia, ĐTVN thua 0-3 và 0-1 tại vòng loại 2 của World Cup 2026; 0-1 ở vòng bảng Asian Cup 2023. Cả ba trận thua này đều diễn ra dưới thời HLV Troussier.

Sức mạnh của đội tuyển Indonesia là sự hòa quyện giữa những tài năng nội địa sinh năm 2001-2004 với lực lượng nhập tịch đa phần cũng trẻ trung và chiếm ít nhất 2/3 đội hình xuất phát. Sắp tới, LĐBĐ Indonesia tiếp tục nhập tịch thêm cầu thủ với khát khao chinh phục ASEAN Cup để xóa bỏ tên “Vua về nhì” (chưa một lần vô địch, thất bại cả 6 lần vào chung kết Tiger Cup (tên gọi đầu tiên của giải và sau này là AFF Cup).

Sau Indonesia phải kể đến Philippines khi chính phủ đã đồng ý với chiến lược nhập tịch nhanh cầu thủ của LĐBĐ Philippines nhằm hướng đến chinh phục ASEAN Cup 2024.

Trong khi đó, Myanmar và Lào đang ngày càng tiến bộ.

Đó cũng là lý do HLV Kim Sang-sik cho biết trận đấu ngày 6.6 tại vòng loại 2 của World Cup 2026 là cơ hội để đánh giá sức mạnh của Philippines. Ngoài ra tuy nhấn mạnh không có đối thủ nào là dễ dàng đối với ĐTVN, nhưng mục tiêu của HLV Kim Sang-sik là muốn cùng ĐTVN đoạt Cúp vô địch ASEAN 2024.

AFF Cup 2024 diễn ra từ ngày 23.11.2024 đến 21.2.2025. Ngoài đợt tập trung vào tháng 6 tới, sẽ còn 3 đợt FIFA Days: tháng 9 (10 ngày), tháng 10 (16 ngày) và tháng 11 (16 ngày).

Như vậy, sau khi “xé nháp” ở dợt FIFA Days tháng 6, HLV Kim Sang-sik có 42 ngày chuẩn bị trực tiếp cho ĐTVN hướng đến chỉ tiêu vào chung kết ASEAN Cup 2024 với mong muốn nâng cao chiếc cúp vô địch.

Cùng chờ đón và ủng hộ ĐTVN thời kỳ mới với HLV Kim Sang-sik.

Lịch sử giải vô địch Đông Nam Á

Giải ra đời từ năm 1996 tại Singapore, tính đến nay, ASEAN Cup 2024 là lần thứ 15 giải bóng đá vô địch Đông Nam Á được tổ chức.

Có 4 đội tuyển từng vô địch gồm: Thái Lan (1996, 2000, 2002, 2014, 2016, 2020, 2022); Singapore (1998, 2004, 2007, 2012); Việt Nam (2008, 2018); Malaysia (2010).

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bong-da-vn-tai-asean-cup-2024-hay-quen-qua-khu-vua-qua-de-huong-toi-tuong-lai-217517.html