Bosch tăng cường đầu tư giải pháp công nghệ

Tại hội nghị do Bosch tổ chức ngày 27-6 ở TPHCM, Tập đoàn Bosch khẳng định sẽ tăng cường đầu tư nhà máy ở Việt Nam, tăng nguồn lực để phát triển các giải pháp công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things), xây dựng nền tảng di động (mobility)…

Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam (bên phải) cùng ông Mallikarjuna Guru, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu-phát triển công nghệ và phần mềm Bosch tham gia trả lời báo chí. Ảnh: Chí Thịnh

Trong phần họp báo tại hội nghị về Internet vạn vật trên, ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty Bosch Việt Nam cho biết, Bosch sẽ luôn đồng hành với các cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác, doanh nghiệp… đang phát triển các giải pháp, ứng dụng công nghệ cho thành phố thông minh (smart city).

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và ở nhiều địa phương trên cả nước đang hướng đến một nền kinh tế thông minh. Những xu hướng này chính là cơ hội thích hợp để Bosch đa dạng hóa các sản phẩm của mình, đặc biệt ở trong lĩnh vực giải pháp kết nối cho thành phố thông minh và công nghiệp 4.0.

Sáng nay, Bosch Việt Nam cũng tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub - SIHUB) trước sự chứng kiến của ông Andreas Siegel, Tổng lãnh sự Đức tại TPHCM (đứng bên phải) và ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM (bên trái).

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa đại diện Bosch Việt Nam và SIHUB. Ảnh: Chí Thịnh

Ông Huệ cũng chia sẻ rằng Bosch sẽ tiếp tục đầu tư thêm 47 triệu đô la Mỹ cho nhà máy Bosch Gasoline Systems ở Đồng Nai trong năm nay, đồng thời tăng cường lực lượng và năng lực của đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) của Bosch tại Việt Nam.

Hội nghị Internet vạn vật (IoT) lần đầu tiên do Bosch tổ chức tại TPHCM đã giới thiệu các giải pháp kết nối của Bosch đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp trong lĩnh vực thành phố thông minh và công nghiệp 4.0. Kết nối qua nền tảng IoT là một trong những lĩnh vực chiến lược của Bosch trên toàn cầu cũng như tại khu vực châu Á.

Tập đoàn Bosch kỳ vọng doanh số toàn cầu năm 2017 sẽ tăng trưởng trong phạm vi từ 3-5%. Dù vẫn còn cần phải đầu tư lớn để đảm bảo tương lai phát triển của tập đoàn, Bosch tin tưởng sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan. Trọng tâm của bước chuyển đổi này là thay đổi về công nghệ di động (mobility) và kết nối Internet vạn vật).

Dự kiến đến năm 2020, tất cả sản phẩm điện tử mới của Bosch sẽ có khả năng kết nối Internet và chìa khóa để làm được điều này là trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). Trong vòng 5 năm tới, Bosch sẽ đầu tư thêm 300 triệu euro vào trung tâm phát triển trí thông minh nhân tạo.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu của Bosch tăng 8,3% trong năm 2016, đạt 20,8 triệu euro (theo tỷ giá được điều chỉnh +12%). Hiện tại, thị trường châu Á - Thái Bình Dương đang đóng góp 28% doanh thu cho Bosch, tăng nhẹ so với mức 27% của năm trước đó.

Trong năm tài chính 2016, Bosch Việt Nam tiếp tục có mức tăng trưởng hai con số, với doanh thu bán hàng nội địa (hợp nhất) đạt gần 100 triệu đô la Mỹ ( khoảng 86 triệu euro), tăng hơn 40% so với năm trước. Tổng doanh thu bán hàng nội địa và xuất khẩu (doanh thu ròng, bao gồm doanh thu từ các công ty con chưa hạch toán hợp nhất và các đơn hàng nội bộ với các công ty liên kết) đạt 322 triệu đô la Mỹ (khoảng 280 triệu euro).

Hội nghị Internet vạn vật còn có hoạt động triển lãm trưng bày những công nghệ, giải pháp mới nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau của Bosch. Các giải pháp, công nghệ này bao gồm:

Giao thông: Bosch có các giải pháp chủ chốt như quản lý bãi đỗ xe thông minh (Intelligent Parking Management), quản lý giao thông thông minh (Intelligent Traffic Management), thiết bị hỗ trợ Retrofit e-Call (giúp phát hiện, xử lý sự cố )… giúp đỗ xe dễ dàng hơn, tối ưu hóa hiệu suất các bãi đỗ xe và đảm bảo an toàn giao thông cho cả cơ quan điều phối giao thông cũng như người điều khiển phương tiện giao thông.

Cảng và sân bay: Các công nghệ giúp tối ưu hóa năng suất, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn và tổn thất nhờ cải tiến trong giám sát trực quan, có thể theo dõi dòng lưu chuyển và đám đông của người và phương tiện. Trong số các công nghệ này có giải pháp cảm biến Transport Data Logger có thể theo dõi quá trình bốc dỡ và vận chuyển các mặt hàng dễ hư hỏng.

Khu thương mại: Các giải pháp thông minh cho các khu vực thương mại như hệ thống phân tích bán lẻ, hệ thống giám sát tải không xâm nhập (Non-Intrusive Load Monitoring System) giúp tăng cường an ninh về người và tài sản, cũng như tối ưu hóa mức độ tiêu thụ năng lượng.

Khu dân cư: Kết nối các thiết bị gia dụng để giới thiệu cho người dùng khái niệm “nhà ở thông minh” trong tương lai. Các giải pháp như báo cháy, đồng hồ nước thông minh chạy bằng nước (Water-powered Smart Water Meter) và hệ thống theo dõi vi khí hậu (Micro Climate Monitoring System) giúp tăng cường an ninh và an toàn cho cư dân, tối đa hóa hiệu quả tiêu thụ nước và cảnh báo người dùng về mức độ ô nhiễm không khí xung quanh.

Công nghiệp 4.0: Kết nối quá trình sản xuất để tinh gọn quy trình, đồng thời nâng cao năng suất. Trong đó, có các thiết bị kết nối trong công nghiệp, máy móc được trang bị cảm biến của Bosch và hệ thống huấn luyện cơ điện tử dạng module (chia thành nhiều phần) mMS4.0 phù hợp với các trường đại học, cao đẳng khối kỹ thuật hay các trung tâm đào tạo nghề.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161848/bosch-tang-cuong-dau-tu-giai-phap-cong-nghe.html/