BOT và hành lang pháp lý

Do hành lang pháp lý chưa đủ nên BOT đã và đang gây ra những hiệu ứng không tốt cho cả nhà nước và người dân, vốn là hai chủ thể chính trong BOT với nhà đầu tư là bên thứ ba.

Quốc hội vào cuộc và Đoàn giám sát của Quốc hội đã có báo cáo về thực trạng BOT trong phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội mới đây. Với BOT Cai Lậy, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt cho Bộ GTVT giải quyết vấn đề. Nhưng xem ra, vẫn cần phải mổ xẻ nhiều góc cạnh khác nhau.

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.

Chính sách... mù mờ

Nhiều ý kiến tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 15-8 đều đồng ý rằng: BOT đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa đủ nên BOT đã và đang gây ra những hiệu ứng không tốt cho cả nhà nước và người dân, vốn là hai chủ thể chính trong BOT với nhà đầu tư là bên thứ ba. Vậy vấn đề nằm ở đâu khi BOT đang trở thành tâm điểm phản đối của dư luận?

Bản chất của BOT là Xây dựng -Vận hành - Chuyển giao. Với BOT, Chính phủ có thể kêu gọi các công ty bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước. Quy trình của BOT cơ bản là như vậy, rất rõ ràng và minh bạch.

Nếu xem xét lại những cơ sở pháp lý của BOT tại Việt Nam, không thể nói rằng hành lang pháp lý là… thiếu thốn tới nỗi không thể quản lý được BOT. Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 108 về đầu tư theo hình thức BO. Năm 2010, Thủ tướng ban hành Quyết định 71 về thí điểm các dự án PPP (hình thức đối tác công - tư), mà BOT là một phần của PPP.

Chưa hết, tháng 2/2015 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 15 về PPP. Tháng 4/2015, Chính phủ lại ban hành Nghị định 30 về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, nếu xét bản chất BOT như trên, thì Luật Đấu thầu là khung pháp lý rất chắc cho vấn đề này. Nhưng, như nhiều báo cáo về BOT của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Bộ KHĐT đã chỉ ra: hầu hết các dự án BOT là… chỉ định thầu. Luật Đấu thầu, cũng như Nghị định 15 về PPP, dù còn nhiều lỏng lẻo, đã bị vượt qua.

Chính sự lỏng lẻo này đã làm cho nhiều dự án BOT rất dễ được phê duyệt mặc dù ai cũng biết, bất kể một dự án BOT nào đều có rất nhiều công đoạn và cơ quan liên quan. Đương nhiên để một dự án BOT được phê duyệt, không phải một mình Bộ GTVT quyết là xong. Nó còn liên quan đến các cơ quan về tài chính, đầu tư, ngân hàng, thậm chí là cả các địa phương mà dự án BOT này được chỉ định đóng ở đó.

Khiến BOT biến tướng

Ai cũng hiểu, BOT ở các nước không phải là miếng bánh ngon và không phải quốc gia nào cũng thu hút thành công BOT. Bởi lẽ, như bản chất, BOT chính là việc các nhà đầu tư phải bỏ vốn ra để xây dựng những công trình cơ sở hạ tầng lẽ ra thuộc trách nhiệm của nhà nước. Điều ấy cũng có nghĩa rằng, phải là những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh mới có đủ năng lực thực hiện các dự án BOT. Tuy vậy, như nhiều người đã chỉ ra: BOT tại Việt Nam có khi là “tay không bắt giặc”.

Đơn cử như BOT Cai Lậy. Trong khi nguồn vốn được dự toán lên tới hàng nghìn tỷ, thì số vốn của nhà đầu tư chỉ chiếm vài ba trăm tỷ. Còn lại là vốn vay ngân hàng. Có chuyên gia đã chỉ rõ những “thủ đoạn” của BOT tại Việt Nam gồm: chỉ định thầu; gian dối số tiền đầu tư; gian dối về lưu lượng xe; cải tạo đường cũ nhưng thu phí như đường mới; làm đường ở chỗ vắng nhưng đặt trạm thu phí ở chỗ đông người.

Những “thủ đoạn” ấy, nếu có một cơ chế công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ những quy định của Chính phủ như đã có thì hẳn nhiên BOT tại Việt Nam không thể thu hút tới hơn 200.000 tỷ đầu tư như thời gian qua. Bởi lẽ, trong số hơn 200.000 tỷ ấy, sòng phẳng mà nói, tỉ lệ vốn do nhà đầu tư bỏ ra chiếm tỉ lệ không cao.

Nếu áp dụng cơ chế công khai, minh bạch, thì chắc chắn cũng không thể xảy ra tình trạng một trạm BOT thu được 1,97 tỷ/ngày mà lại báo cáo chỉ thu được 1,2 tỷ/ngày. Nếu áp dụng cơ chế công khai, minh bạch, thì chắc chắn Kiểm toán nhà nước cũng không thể phát hiện và rút ngắn thời gian thu phí BOT trên cả nước tới 100 năm. Hai ví dụ này cho thấy: nếu những hành lang pháp lý có sẵn được nhà nước áp dụng và nhà đầu tư tuân thủ nghiêm minh thì BOT đã không gây ra quá nhiều hệ lụy như thời gian qua.

BOT là cần thiết trong bối cảnh quy mô nền kinh tế Việt Nam còn rất nhỏ. Nhưng sự cần thiết ấy chỉ có thể phát huy tác dụng khi nó được đặt trên nền tảng minh bạch. Bởi nguyên lý vô cùng đơn giản là: chỉ có minh bạch mới quét sạch được những khuất tất, bất minh.

Theo Đại Dương/Diễn đàn DN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/bot-va-hanh-lang-phap-ly-218187/