Brexit: Anh sẽ ở lại Liên minh châu Âu với kết quả sít sao?

Sau nhiều ngày chờ đợi, cuộc trưng cầu ý dân lịch sử tại Anh về việc nước này đi hay ở lại Liên minh châu Âu, vừa kết thúc cách đây ít giờ.

Các phân tích hiện nay đều nghiêng về khả năng nước Anh ở lại trong EU, và dự đoán bên nào chiến thắng cũng sẽ rất sít sao.

Tỷ lệ người dân Anh bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu được dự đoán sẽ cao hơn tỷ lệ ủng hộ việc ra đi dù rất sít sao. Ảnh AP

Nhiều ý kiến dự đoán kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tại Anh về Brexit đã diễn ra theo kịch bản gần giống cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland tách ra khỏi Vương quốc Anh năm ngoái. Đó là bất chấp các dự đoán, lo ngại, cuối cùng người dân Anh sẽ lựa chọn một phương án ít rủi ro hơn.

Việc người Anh từ chối Brexit và chọn ở lại với Liên minh châu Âu được xem là lựa chọn ít rủi ro hơn nhiều so với việc ra khỏi Liên minh bởi lẽ trong khi viễn cảnh về một nước Anh không nằm trong EU phát triển ra sao còn chưa rõ ràng thì những hậu quả của việc Anh rời EU đặc biệt về mặt kinh tế đã được chỉ ra rất rõ.

Rời EU, đồng nghĩa với việc Anh sẽ rời thị trường chiếm đến 40% xuất khẩu của mình, người dân Anh sẽ khó có thể tự do đi lại và lao động trong không gian EU, các định chế ngân hàng tài chính cũng sẽ dần chạy khỏi London… Chưa kể về mặt chính trị và an ninh, rủi ro đứng ngoài EU cũng khiến người dân Anh không dám mạo hiểm.

Đúng như các nhà phân tích nhận định, tuy EU còn nhiều hạn chế nhưng ở lại EU vẫn tốt hơn cho nước Anh, và cho cả EU, hơn là đứng một mình. Người dân Anh rốt cục cũng hiểu điều đó hơn là bị thuyết phục bởi các lập luận mang nặng tính cục bộ và dân tộc chủ nghĩa của phe ủng hộ Brexit, vốn muốn dùng Brexit như một phương tiện để lên nắm quyền lực hơn là vì lợi ích thực chất của nước Anh.

Với dư luận Anh, dù cuộc trưng cầu dân ý đã kết thúc và tất cả đang nín thở chờ đợi kết quả. Nhưng dù thế nào, dư âm của các tranh luận về Brexit sẽ còn tác động lâu dài đến chính trường và đời sống xã hội nước này.

Thực tế là vì Brexit mà nước Anh đã chia rẽ rất sâu sắc, trong đó đỉnh điểm là vụ ám sát nữ Nghị sĩ Jo Cox, một người ủng hộ châu Âu và phản đối Brexit chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Các tranh luận về Brexit đã phơi bày một nước Anh có quá nhiều chia rẽ, khác biệt về thế hệ, khi giới trẻ ủng hộ mạnh mẽ việc ở lại châu Âu trong khi tầng lớp trung niên và người già từ 55 tuổi trở lên lại muốn nước Anh ra khỏi EU vì họ lo ngại không cạnh tranh được với các lao động nước ngoài nhập cư. Nó còn là sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị, giới truyền thông và giới doanh nghiệp.

Các tập đoàn lớn muốn ở lại EU vì lo ngại London đánh mất vị trí trung tâm tài chính hàng đầu thế giới còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn rời EU vì cho rằng bị Brussels chèn ép…

Cuối cùng, Brexit là canh bạc mà Thủ tướng Anh David Cameron phải chịu quá nhiều thiệt hại. Ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được chính ông Cameron đưa ra năm 2013 nhằm thu phục sự bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng như biến thành lá phiếu thu hút cử tri trong cuộc bầu cử năm 2015.

Nhưng ông Cameron có thể bị đứt tay khi chơi “con dao” Brexit, đẩy nước Anh cũng như EU vào một cuộc khủng hoảng khôn lường.

Vì thế, kể cả khi cuộc trưng cầu ý dân đem lại kết quả có lợi cho chính phủ của ông Cameron, thì nước Anh vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hàn gắn sự rạn nứt do Brexit gây ra./.

Thùy Vân/VOV-Paris

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/brexit-anh-se-o-lai-lien-minh-chau-au-voi-ket-qua-sit-sao-523626.vov