Brexit và Nga phủ bóng Hội nghị NATO

Mối quan hệ căng thẳng với Nga ở phía đông, mối đe dọa lớn từ IS ở phía nam và vấn đề Brexit (Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu - EU) ở bên trong Châu Âu chỉ là một trong số nhiều thách thức mà NATO phải đối diện tại hội nghị thượng đỉnh thường niên, sẽ bắt đầu tại thủ đô Warsaw của Ba Lan vào hôm nay (8-7).

An ninh được thắt chặt bên ngoài Sân vận động quốc gia Ba Lan,
nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO. Ảnh: AP

Tại hội nghị được đánh giá là “quan trọng nhất của NATO trong một thế hệ”, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên sẽ quyết định về việc “trang bị lại các công cụ” thời Chiến tranh Lạnh cho liên minh quân sự này, trong bối cảnh đang đối mặt với loạt khó khăn, từ mối quan hệ căng thẳng với Nga, khủng bố IS, khủng hoảng di cư và cả vấn đề Brexit.

Họ sẽ gặp nhau tại thủ đô Warsaw của Ba Lan trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày (8 và 9-7). “Chúng ta đang sống trong một thế giới nguy hiểm hơn, với chủ nghĩa khủng bố, với tình trạng hỗn loạn, đặc biệt là ở phía nam liên minh với Iraq, Syria và Bắc Phi”, AP dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố. “Và còn có một nước Nga quyết đoán hơn, một nước Nga đã tăng 3 lần chi tiêu quốc phòng kể từ năm 2000...”, ông Stoltenberg nói thêm nhấn mạnh mối lo ngại của NATO về sự ảnh hưởng gia tăng của Moscow trên trường thế giới.

Quan hệ giữa NATO và Nga bùng nổ căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga hồi tháng 3-2014. NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, nhưng Moscow luôn bác bỏ. Điện Kremlin cho rằng, việc NATO “bành trướng” về phía Đông, ngay trước cửa nhà Moscow, là đe dọa an ninh Nga đồng thời cảnh báo sẽ có những hành động đáp trả thích đáng.

Mối quan hệ hai bên càng rơi vào ngõ cụt khi NATO mới đây tuyên bố triển khai 4 tiểu đoàn đến Ba Lan và 3 nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania. Theo tuyên bố đưa hôm 7-7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho biết, ban chỉ huy 4 tiểu đoàn này sẽ đóng tại thành phố Elblag, miền bắc Ba Lan – nơi chỉ cách tỉnh Kaliningrad của Nga khoảng 100km, động thái chắc chắn sẽ khiến Moscow “không thể ngồi yên”. Thậm chí, ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 7-7 cho rằng, NATO sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược kép vừa răn đe vừa đối thoại với Nga.

Ngoài mối lo đến từ Nga, NATO lại gánh thêm thách thức khi cử tri Anh quyết định rời khỏi EU. Ban đầu, nhiều chuyên gia cho rằng, liên minh quân sự này sẽ mạnh hơn một khi Anh rời EU. Theo đó, NATO có thể hưởng lợi là được Anh “toàn tâm toàn ý” hỗ trợ về mặt nguồn lực và nhân lực liên minh này khi không còn phải tiêu tốn thời gian và tiền bạc hỗ trợ các hoạt động quân sự của EU.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, khó khăn đặt ra là việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU đánh dấu lần đầu tiên một bên liên quan hàng đầu trong các dự án của Châu Âu quyết định tách ra, đặt lợi ích quốc gia riêng trên sự gắn kết và ổn định Châu Âu. Hơn thế nữa, Brexit sẽ khiến kinh tế Anh sụt giảm mạnh và hệ quả là họ sẽ không có nhiều tiền dành cho NATO. Nhưng dù không ảnh hưởng nhiều vì Brexit, NATO vẫn cần phải xem xét lại tổ chức hoạt động trước nguy cơ khủng bố từ nhóm cực đoan IS – tổ chức thực hiện loạt tấn công tại các nước Châu Âu trong suốt thời gian qua, trong đó có vụ tấn công vào thủ đô Brussels của Bỉ - nơi đặt trụ sở NATO.

Vì vậy, liên minh này sẽ bàn đến việc hỗ trợ liên quân do Mỹ dẫn đầu chống lại nhóm IS ở Syria và Iraq tại hội nghị bước ngoặt này. Và chắc chắn, các nhà lãnh đạo NATO cũng dự kiến sẽ đề ra kế hoạch nâng cao năng lực hoạt động của binh sĩ ở Iraq và cam kết mở rộng sự ủng hộ cho Afghanistan đối phó với quân nổi dậy Taliban.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_151186_brexit-va-nga-phu-bo-ng-ho-i-nghi-nato.aspx