Bức thư gửi thầy Mike

SGTT.VN - “Con đại diện cho các bạn sinh viên điếc tại Việt Nam chia sẻ một vài suy nghĩ của chúng con tới thầy. Năm 2000, khi thầy lần đầu tới Việt Nam, chúng con thật sự ngạc nhiên được biết rằng thầy là người điếc và có bằng tiến sĩ. Trong suốt tám năm liền, thầy dành thời gian rảnh để ngược xuôi giữa Mỹ – Việt Nam tới 25 lần. Thầy dạy chúng con kiến thức, sự tự tin và giúp chúng con phát triển văn hóa người điếc Việt Nam.

Khi chúng con lần đầu thi đại học, thầy thưởng quà cho những ai thi đỗ.

Khi chúng con có vấn đề gì thầy trò chuyện cùng, thầy còn hòa mình vào cuộc sống sinh viên của tụi con như đi picnic, chia sẻ từng bữa ăn. Thầy thật sự quan tâm đến chúng con. Chúng con biết ơn thầy nhiều lắm, người đã dạy dỗ chúng con thật kiên trì. Nhờ có thầy giờ đây chúng con có thể bắt đầu sự nghiệp dạy học ngôn ngữ ký hiệu của mình.

Thu Hương” (dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt)

Các bạn trẻ giao lưu với nhau bằng ngôn ngữ không lời tại Silent party.

Đây là bức thư gửi thầy Mike được viết trôi chảy bằng tiếng Anh bởi Thu Hương, một bạn gái điếc 29 tuổi đang là sinh viên năm cuối của trường đại học Đồng Nai.

Chúng tôi quen nhau trong những lần gặp gỡ với câu lạc bộ Văn hóa người điếc TP.HCM, chúng tôi hẹn gặp, mời các bạn tới dự và tham gia chương trình Tiệc vô ngôn tổ chức tại TP.HCM. Ngày thường, Thu Hương và các bạn học ở Đồng Nai, chỉ thứ bảy, chủ nhật mới có mặt ở TP.HCM, với sự giúp đỡ của chị Phượng – phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, chúng tôi trò chuyện cùng nhau và khi câu chuyện kết thúc cũng là lúc trời chiều ngả chạng vạng. Mỗi lần gặp gỡ ấy không dưới bốn tiếng đồng hồ trò chuyện bằng lời nói kết hợp với điệu bộ, ánh mắt, cử chỉ, bằng tất cả những gì có thể!

Đây là con số theo kết quả điều tra dân số Việt Nam năm 2009 (và có chiều hướng gia tăng). Con số ấy thực sự khiến tôi choáng váng. Lần đầu tiên gặp gỡ các bạn, tôi tự hỏi trời ơi, tại sao mình đã từng gặp rất nhiều người làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, già có, trẻ có, thành công có, kém may mắn có... mình cũng từng gặp người tàn tật thiếu chân tay, mù nhưng chưa từng làm việc cùng người điếc.

Có lẽ chính vì người khiếm thính thoạt trông không có vẻ gì tàn tật, tay chân đầy đủ khỏe mạnh nên ít ai nhận ra họ là một trong số những người khuyết tật thiệt thòi nhất, đặc biệt là khi giáo trình, tài liệu học tập còn rất hạn chế. Nữ văn sĩ mù – điếc Hellen Keller từng có tâm sự nổi tiếng “Mù lòa ngăn cách bạn với sự vật, nhưng bị điếc ngăn cách bạn với con người”. Tại Việt Nam, người điếc và khiếm thính có trình độ học vấn, cơ hội tiếp xúc, giao lưu như Thu Hương chiếm chưa đầy 1%.

Chúng tôi có thêm động lực để chuẩn bị tổ chức Silent Party 2 hay còn gọi là Tiệc vô ngôn. Mô hình tiệc không lời này nhằm đem lại trải nghiệm thực sự cho người “nghe” để hiểu hơn cuộc sống sẽ ra sao khi thiếu đi lời nói. Những người tham gia không sử dụng lời nói trong 60 phút, làm sao để người đối diện hiểu mình, điều mà hầu hết các bạn khiếm thính và điếc phải đối mặt trong suốt cuộc đời. Chỉ 60 phút không dùng lời nói, mọi người như hiểu nhau hơn, hiểu mình đang có gì (tiếng nói) cũng như hiểu mình đang thiếu gì (sự sinh động và linh hoạt trong cách thể hiện xúc cảm trên mặt, bằng tay, điều mà tôi rất ấn tượng với các bạn).

Buổi tối hôm ấy đứng gió, trời nóng và đông đúc, song chúng tôi thực sự vui mừng thấy những người tham gia ở lại đến phút cuối đầy hồ hởi, thấy các bạn khiếm thính rạng rỡ vô cùng. Bạn Vũ Như Lan đến từ câu lạc bộ Văn hóa người điếc, chia sẻ: “Hôm nay chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tối nay, tất cả mọi người có mặt ở đây đã dùng tay, điệu bộ, cử chỉ để cố gắng trò chuyện với nhau, chúng tôi đã gặp gỡ thêm rất nhiều bạn. Có thêm nhiều bạn đăng ký học ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi mong đợi nhiều hơn những dịp giao lưu cộng đồng thế này”.

Một Silent Party nhỏ xíu giữa TP.HCM. Chúng tôi biết những gì mình đang cố gắng làm còn quá ít ỏi, song sự hưởng ứng của bạn bè tham gia và các bạn khiếm thính đã khiến chúng tôi thấy mình có thêm năng lượng để làm và... làm tốt hơn.

• Trên thế giới có 278 triệu người khiếm thính. 80% sống tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
(Theo WHO, 2009)
• Viêm não, sởi, quai bị, viêm tai mãn tính có thể dẫn tới khiếm thính.
• Phân nửa các trường hợp điếc hoặc khiếm thính có thể phòng tránh, phát hiện sớm và điều trị được.
• Hiện các sản phẩm hỗ trợ thính lực đáp ứng chưa đầy 10% nhu cầu. Tại các quốc gia đang phát triển, cứ 40 người cần thuốc hay máy trợ thính thì có chưa đầy một người nhận được sự trợ giúp này.
• Việt Nam có hơn 2,5 triệu người khiếm thính, và người điếc; con số này có chiều hướng gia tăng hàng năm.
• Người khiếm thính (hard-of-hearing) và người điếc (the Deaf) là hai danh từ được sử dụng rộng rãi nhất để chỉ những người gặp khó khăn hoặc mất hoàn toàn thính lực. Trong đó, người điếc có xu hướng tập trung sử dụng ngôn ngữ ký hiệu là phương tiện chính để giao tiếp, còn người khiếm thính có xu hướng kết hợp nhiều kỹ năng: ngôn ngữ ký hiệu, đọc môi, nói và viết.

• Trên thế giới có 278 triệu người khiếm thính. 80% sống tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
(Theo WHO, 2009)
• Viêm não, sởi, quai bị, viêm tai mãn tính có thể dẫn tới khiếm thính.
• Phân nửa các trường hợp điếc hoặc khiếm thính có thể phòng tránh, phát hiện sớm và điều trị được.
• Hiện các sản phẩm hỗ trợ thính lực đáp ứng chưa đầy 10% nhu cầu. Tại các quốc gia đang phát triển, cứ 40 người cần thuốc hay máy trợ thính thì có chưa đầy một người nhận được sự trợ giúp này.
• Việt Nam có hơn 2,5 triệu người khiếm thính, và người điếc; con số này có chiều hướng gia tăng hàng năm.
• Người khiếm thính (hard-of-hearing) và người điếc (the Deaf) là hai danh từ được sử dụng rộng rãi nhất để chỉ những người gặp khó khăn hoặc mất hoàn toàn thính lực. Trong đó, người điếc có xu hướng tập trung sử dụng ngôn ngữ ký hiệu là phương tiện chính để giao tiếp, còn người khiếm thính có xu hướng kết hợp nhiều kỹ năng: ngôn ngữ ký hiệu, đọc môi, nói và viết.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/nguyet-san/tinh-yeu/154977/buc-thu-gui-thay-mike.html