Bức tranh về an toàn vệ sinh lao động nhiều mầu xám

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2016 trên phạm vi toàn quốc xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó 799 vụ có người chết với 862 người thiệt mạng. Mặc dù số vụ TNLĐ giảm so với năm trước, nhưng tổng thể bức tranh về an toàn vệ sinh lao động vẫn ở mức báo động, bởi diễn biến các vụ việc xảy ra ngày càng phức tạp.

Thực tế, số liệu báo cáo của năm 2016 không thể phản ánh hết tình hình TNLĐ ở Việt Nam; tại nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, có những tai nạn chết người hoặc hậu quả nghiêm trọng khác chưa được ghi nhận. Qua điều tra từ các cơ sở y tế và bệnh viện, riêng tại Hà Nội, số người chết được ghi nhận cao gấp hai lần, hoặc hơn hai lần so với con số thống kê được.

Các báo cáo cũng cho thấy, xét theo loại hình doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn có tỷ lệ xảy ra TNLĐ cao nhất, chiếm 37,1% số vụ tai nạn chết người và 37% số người chết. Kế tiếp là loại hình công ty cổ phần, chiếm 34,2% số vụ tai nạn chết người và 34,3% số người chết. Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 20,8% số vụ tai nạn chết người; doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 3,5% số vụ tai nạn.

Những lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người là xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, dịch vụ... Đáng chú ý là, các vụ TNLĐ chết người có nguyên nhân từ người sử dụng lao động chiếm tới 42,1%. Lý do, người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn lao động, người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động; không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân…

Theo thống kê, năm 2016 mới chỉ có 26.419 trong tổng số 277.314 doanh nghiệp (hơn 9,5%) báo cáo về tình hình TNLĐ; năm 2015 là 18.375 trong tổng số 265.009 doanh nghiệp (hơn 6,9%). Số doanh nghiệp báo cáo tình hình TNLĐ còn quá thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến việc tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn và không đầy đủ.

Liên quan tính xác thực của số liệu các vụ TNLĐ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính khẳng định, những con số nêu trên chưa thống kê hết được số người gặp rủi ro trong quá trình lao động. Bởi nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với gia đình nạn nhân, nhằm ém thông tin, tránh đưa ra pháp luật. Hơn nữa, chế tài của chúng ta về thống kê báo cáo số vụ TNLĐ chưa có tính răn đe. Theo ông Chính, sắp tới cần đề xuất sửa đổi Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính, nâng mức độ xử phạt đối với những hành vi không báo cáo.

Có thể thấy, công tác báo cáo được xem là nhân tố quan trọng, giúp ngành chức năng phân tích, từ đó có những giải pháp hạn chế số vụ TNLĐ. Song thực tế, nhiều địa phương không có báo cáo TNLĐ theo loại hình doanh nghiệp, nghề nghiệp hoặc số liệu báo cáo không đầy đủ, không đúng biểu mẫu quy định. Tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương đã cải thiện so với những năm trước tuy nhiên còn thấp…

Trước thực trạng TNLĐ có chiều hướng ngày càng gia tăng, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2017 lần đầu được tổ chức với chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; điều tra TNLĐ đối với người lao động không có hợp đồng lao động. Về phía doanh nghiệp, phải chủ động kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm tại môi trường kinh doanh, sản xuất, tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động…

Nhật Anh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32975802-buc-tranh-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-nhieu-mau-xam.html