Bức tranh xử lý nợ xấu: Sự phân hóa giữa các ngân hàng

Việc tăng, giảm trái chiều của tỷ lệ nợ xấu phản ánh bức tranh phân hóa trong tiến trình xử lý nợ xấu cũng như khả năng quản trị chất lượng tài sản giữa các ngân hàng trong hệ thống.

Trong năm 2016, VCB đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC để tự mình xử lý (cuối năm 2015, VCB có số dư trái phiếu VAMC hơn 3.500 tỉ đồng). Ảnh: MAI LƯƠNG

Hệ thống vẫn “nặng gánh” với nợ xấu

Tính đến cuối năm 2016, tổng số nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng ước tính khoảng 135.000 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,46%. Trong khi đó, tổng số nợ trái phiếu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) của toàn hệ thống khoảng 228.000 tỉ đồng. Như vậy, nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC thì tổng nợ xấu của toàn hệ thống vào thời điểm cuối năm ngoái là khoảng 363.000 tỉ đồng, tương đương với tỷ lệ 6,6% trên tổng dư nợ tín dụng.

Trong năm 2016, tổng dư nợ gốc các tổ chức tín dụng bán cho VAMC đã giảm mạnh (53%) xuống còn 43.000 tỉ đồng so với mức 91.000 tỉ đồng đã bán trong năm 2015. Nợ bán cho VAMC giảm không phải là dấu hiệu cho thấy chất lượng tài sản toàn hệ thống được cải thiện mà là do tính hiệu quả, trong giải quyết, xử lý nợ xấu của VAMC cho đến nay vẫn chưa được chứng minh. Do đó, các ngân hàng vẫn ưu tiên tự giải quyết nợ xấu và chỉ sử dụng phương pháp bán nợ cho VAMC như là giải pháp cuối cùng.

Điển hình nhất là trường hợp của Vietcombank (VCB). Trong năm 2016, VCB đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC để tự mình xử lý (cuối năm 2015, VCB có số dư trái phiếu VAMC hơn 3.500 tỉ đồng). Một vài ngân hàng khác cũng có dư nợ trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối năm 2016 thấp hơn so với cuối năm 2015 là ACB, CTG, MBB... tuy nhiên chênh lệch ở mức không quá lớn.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, khoảng 70% số nợ xấu hiện nay nằm ở nhóm các ngân hàng chưa niêm yết. Nhóm ngân hàng này cũng mới chỉ trích lập dự phòng ở mức rất thấp. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (dự phòng rủi ro tín dụng/tổng nợ xấu) của toàn hệ thống tại thời điểm 30-9-2016 vẫn còn khá thấp (57%). Tuy nhiên, tỷ lệ này ở nhóm các ngân hàng niêm yết cao hơn khá nhiều (89%), cho thấy nhóm ngân hàng này đã khá chủ động trong trích lập dự phòng thời gian qua, phần nào giảm bớt rủi ro phải trích lập nhiều khiến lợi nhuận bị bào mòn trong các năm sắp tới.

Tỷ lệ nợ xấu tăng, giảm trái chiều giữa các ngân hàng

Việc tăng, giảm trái chiều trong tỷ lệ nợ xấu phản ánh bức tranh phân hóa trong tiến trình xử lý nợ xấu cũng như khả năng quản trị chất lượng tài sản giữa các ngân hàng trong hệ thống. Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp mức trần tăng trưởng tín dụng trong năm cho từng ngân hàng.

Thống kê từ 10 ngân hàng, bao gồm VCB, CTG, BIDV, MBB, VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank tính đến hết quí 1-2017, cho thấy tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của nhóm ngân hàng này là 50.695 tỉ đồng, tăng nhẹ 6% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt là 13% và 18%, lên mức 15.749 tỉ đồng và 7.941 tỉ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu (53%), với 27.005 tỉ đồng.

Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay. Tuy giảm so với mức 5,35% vào cuối năm ngoái nhưng tỷ lệ nợ xấu của Sacombank cuối quí 1-2017 vẫn ở mức cao “chót vót”, với 4,89%, tương đương là 10.045 tỉ đồng. Điểm tích cực là nợ có khả năng mất vốn của Sacombank giảm khoảng 6,6%, còn 6.578 tỉ đồng.

Đứng thứ hai về tỷ lệ nợ xấu là Eximbank, với khoảng 3%, tương đương con số tuyệt đối là 2.589 tỉ đồng (trong đó nợ có khả năng mất vốn là 1.262 tỉ đồng, tăng 11%).

BIDV là “ông lớn” duy nhất nằm trong tốp 3 có tỷ lệ nợ xấu cao, với 2,14%, đồng thời cũng tăng so với con số 1,99% vào cuối năm 2016. Tổng nợ xấu của ngân hàng này trong ba tháng đầu năm 2017 đã tăng thêm 13%, lên mức 16.250 tỉ đồng. Đây cũng là mức nợ xấu cao nhất trong hệ thống xét theo giá trị tuyệt đối.

Ngoài Sacombank, còn có ba ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu giảm trong quí 1-2017 là VCB, VIB và Kienlongbank. VCB vẫn đang cho thấy là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống khi tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quí 1-2017 chỉ ở mức 1,48%, giảm so với con số 1,51% vào cuối năm ngoái. VIB cũng đạt được những kết quả tích cực khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,58% xuống còn 2,18%, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm gần 13%, còn khoảng 1.167 tỉ đồng. Kienlongbank và BacABank là hai ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%, lần lượt là 0,96% và 0,82%. Bên cạnh đó, tổng nợ xấu cũng như nợ có khả năng mất vốn trong kỳ thay đổi không đáng kể. Kienlongbank có khoảng 145 tỉ đồng đồng nợ có khả năng mất vốn, trong khi con số này của BacABank là 384 tỉ đồng.

Ở chiều ngược lại, Techcombank có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên 1,89%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng gần 16%, lên 2.601 tỉ đồng; nợ có khả năng mất vốn là 1.506 tỉ đồng, tăng 9,5% so với thời điểm cuối năm 2016. Một ngân hàng đáng chú ý khác là MBB, tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 31-3-2017 là 1,33%, tăng nhẹ so với mức 1,31% vào cuối năm 2016. Cơ cấu nợ xấu cho thấy nợ nhóm 5 của MBB tăng vọt gần 40%, lên 854 tỉ đồng. CTG cũng có tổng nợ xấu tăng khá nhanh (17%), lên 7.917 tỉ đồng, mặc dù vậy tỷ lệ nợ xấu của CTG chỉ nhích nhẹ từ 1,02% lên mức 1,13%, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm 9%, còn 3.487 tỉ đồng.

Việc tăng, giảm trái chiều trong tỷ lệ nợ xấu phản ánh bức tranh phân hóa trong tiến trình xử lý nợ xấu cũng như khả năng quản trị chất lượng tài sản giữa các ngân hàng trong hệ thống. Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp mức trần tăng trưởng tín dụng trong năm cho từng ngân hàng. Vì trên hết, không thể đánh đổi sự an toàn của hệ thống để chạy theo tăng trưởng tín dụng “nóng”, nhất là trong bối cảnh không ít ngân hàng vẫn còn nặng gánh nợ xấu như hiện nay.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160182/buc-tranh-xu-ly-no-xau-su-phan-hoa-giua-cac-ngan-hang.html/