Bún nhiễm hóa chất tinopal: Công bố cảm tính, lợi chưa rõ, hại đã nhãn tiền!

Thông tin về hóa chất tinopal được phát hiện trong bún, bánh canh, phở, bánh cuốn... ở TPHCM, do Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng công bố khảo sát đã gây sốc cho người tiêu dùng và cho cả nhà quản lý.

Người tiêu dùng quay lưng với bún khi thông tin bún nhiễm tinopal.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết quả công bố trên vẫn đang gây tranh cãi, DN nào “vi phạm” vẫn chưa thấy nêu tên. Hậu quả là bún ế ẩm, công nhân mất việc, người dân quay lưng với loại thực phẩm truyền thống này...

Doanh nghiệp lao đao

Sau công bố trên, cơ quan quản lý ở TPHCM như Sở Công Thương, Sở Y tế, các nhà sản xuất, nhà phân phối (siêu thị Co.opmart, BigC, Maximark) đều không công nhận kết quả trên và đã đưa một bằng chứng khác vừa được lấy mẫu kiểm nghiệm khẳng định bún không thấy chứa tinopal. Thực hư các loại bún tươi và các sản phẩm bánh từ gạo có chứa tinopal hay không đang được cơ quan chức năng kiểm nghiệm và sẽ công bố kết quả trước ngày 10.8.

Nhiều ý kiến cho rằng, công bố của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng sẽ là “bằng chứng thép” với độ tin cậy cao nếu đưa ra những số liệu dẫn chứng cụ thể như: Mẫu lấy ở đâu, phương pháp kiểm nghiệm, cơ quan kiểm nghiệm và kết quả phân tích.

Ở đây, trung tâm không đưa ra được bằng chứng thuyết phục và công bố một cách chung chung, mẫu bún lấy ở đâu bị nhiễm tinopal tới thời điểm này vẫn là ẩn số. Với cách công bố vội vã như trên nhưng không đưa ra được dẫn chứng chứng minh rõ ràng sẽ giống như một tin đồn rất dễ mang hậu quả nặng nề cho những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Ghi nhận của phóng viên báo Lao Động tại các quầy bán bún và sản phẩm bánh từ gạo ở chợ Thị Nghè, Phạm Văn Hai, Lê Văn Sĩ, Tân Định... việc kinh doanh bún ế ẩm từ khi có thông tin bún nhiễm tinopal. Mãi lực kinh doanh chỉ bằng 1/3 so với trước. Chị Lan - tiểu thương ở chợ Bà Chiểu - cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi bán từ 100 - 150kg bún. Mấy ngày gần đây, tôi chỉ bán được 30-40kg”.

Nhiều cơ sở sản xuất ở Tân Phú tại cuộc họp tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm mới đây đã cho biết: Công suất sản xuất giảm hơn một nửa, thậm chí có chỗ phải sản xuất cầm chừng. Nhiều nơi phải cho công nhân nghỉ làm vì bún sản xuất ra bán không được.

Giám sát phải theo luật!

Chiều 2.8, thay vì đưa ra những chứng cứ khoa học, địa chỉ rõ ràng để củng cố thêm công bố của mình là có giá trị thì Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN lại có một thư ngỏ do bà Lê Thị Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch hội - ký, gửi đến cơ quan báo chí với nội dung thanh minh: “...tạo ra “diễn đàn” giúp cho mọi người hiểu đúng hơn về việc khảo sát, nhằm cung cấp thông tin để cảnh báo cho người tiêu dùng của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN.

Hội chúng tôi nhận thấy rằng mục đích của đợt khảo sát này đã đạt như mong muốn: Người tiêu dùng đã tiếp nhận cảnh báo với thái độ ủng hộ và tin tưởng vào việc làm của chúng tôi... Mong rằng các biện pháp này sẽ được triển khai một cách thường xuyên và mang tính hệ thống để người tiêu dùng luôn yên tâm về sự an toàn, vệ sinh của các loại thực phẩm nói chung và sản phẩm bún nói riêng.

Khi quyết định việc thông tin kết quả khảo sát để cảnh báo cho người tiêu dùng về vấn đề này, chúng tôi cũng tính đến những rủi ro có thể có đối với những nhà sản xuất, kinh doanh nghiêm túc vì người tiêu dùng. Song những rủi ro đó, nếu có cũng chỉ là tạm thời còn những rủi ro, thiệt hại của người tiêu dùng khi tiếp tục phải ăn các sản phẩm bún có chứa chất độc hại chưa ai tính được...”.

Trong khi đó, GS Chu Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM - khẳng định: “Để xác nghiệm chất tinopal trong bún là rất khó, với kỹ thuật phức tạp và máy móc hiện đại mới định danh đúng được. Chúng tôi cũng đã phát hiện tinopal có trong bún nhưng hàm lượng không nhiều”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hóa học, nếu chỉ dùng đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366nm mà đã định danh có tinopal trong bún là không đúng.

Theo luật sư Võ Vương Quân - Đoàn luật sư TPHCM - thông tư 14/2011/TT-BYT ngày 1.4.2011 của Bộ Y tế thì việc lấy mẫu, kiểm tra, phân tích về lĩnh vực ATVSTP phải tuân theo đúng quy định của pháp luật. Nếu đúng theo quy trình trên thì DN nếu vi phạm sẽ không thể chối cãi được. Dù trung tâm dùng hai từ “khảo sát” thì cũng phải tuân theo quy trình lấy mẫu.

Nếu không tuân theo quy trình mà đã công bố kết quả, không có kết luận của phòng thí nghiệm đạt chuẩn thì đã vi phạm vào những hành vi bị cấm của Điều 5 Luật An toàn thực phẩm. Nếu hành vi công bố để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng thì cũng phải đúng theo luật. Người vi phạm sẽ “tâm phục khẩu phục” chứ không phản ứng được. Nếu trung tâm nào cũng công bố thông tin về ATVSTP dựa trên kết quả cảm tính, chắc chắn nhiều DN làm ăn chân chính sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, người tiêu dùng hoang mang và hậu quả xã hội phải gánh chịu sẽ rất lớn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/bun-nhiem-hoa-chat-tinopal-cong-bo-cam-tinh-loi-chua-ro-hai-da-nhan-tien/130891.bld