Bùng nổ nguồn cung khách sạn 5, 6 sao tại Hà Nội

Theo quy hoạch phát triển du lịch của Hà Nội, trong năm 2017, các doanh nghiếp sẽ đầu tư xây dựng trên dưới 15 khách sạn tiêu chuẩn từ 5-6 sao trên địa bàn thành phố.

Đây là thông tin được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ tại lễ động thổ dự án khách sạn 6 sao Four Seasons Hà Nội bên hồ Hoàn Kiếm của Công ty CP Intimex (thành viên của Tập đoàn BRG) vừa qua.

Chủ đầu tư cho biết dự án khách sạn Four Seasons sẽ cung cấp thêm 100 phòng khách sạn hạng sang, phù hợp với chủ trương của TP Hà Nội nhằm phát triển thêm các khách sạn phân khúc cao cấp để thu hút các doanh nhân, du khách cũng như phục vụ nhu cầu hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, năm 2016 vừa qua, TP đạt lượng du khách kỷ lục với 21,8 triệu lượt khách trong đó có 4,1 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên số lượng phòng, khách sạn đủ tiêu chuẩn quốc tế còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nhất là đối với những du khách có nhu cầu phòng hạng sang.

Trong báo cáo tổng quanthị trườngbất động sản Hà Nội quý 4/2016, Savills Việt Nam cho biết nguồn cungkhách sạntại Hà Nội trong quý 4 đã tăng 1% theo quý với sự trở lại của 1 khách sạn 3 sao và 1 khách sạn 3 sao khác tạm ngừng hoạt động để nâng cấp.

Mặc dù nguồn cung khách sạn đã tăng nhẹ theo quý nhưng tính chung cả năm 2016, tổng nguồn cung khách sạn tại Hà Nội vẫn giảm 3% so với năm 2015.

Nguyên nhân chính của việc sụt giảm nguồn cung khách sạn theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, là do trong năm 2016, có khá nhiều khách sạn tại Hà Nội bị thu hồi hạng sao trong khi số khách sạn mới đưa hoạt động lại không nhiều. Một số khách sạn chỉ đổi tên còn lượng phòng không đổi. Chẳng hạn, Sofitel Plaza Hà Nội đã chính thức đổi thương hiệu thành Pan Pacific Hà Nội.

Tuy nguồn cung giảm, nhưng hoạt động của thị trường khách sạn Hà Nội vẫn có một số khởi sắc hơn năm 2015, thể hiện qua việc cả giá thuê lẫn doanh thu phòng đều tăng.

Cụ thể, theo ghi nhận của Savills Việt Nam, công suất thuê khách sạn trung bình đã tăng 8 điểm % theo quý do tác động của mùa cao điểm, nhưng ổn định theo năm.

Giá thuê trung bình tăng 12% theo quý và 9% theo năm. Doanh thu phòng trung bình tăng 27% theo quý và 9% theo năm.

Theo Savills, diễn biến tích cực của thị trường khách sạn Hà Nội một phần là do lượng khách du lịch đến Hà Nội ngày càng tăng. Năm 2016, lần đầu tiên Hà Nội đạt mốc 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23% so với năm 2015 và tương đương 40% tổng số khách quốc tế tới Việt Nam năm 2016.

Năm 2016, cả nước có 36 khách sạn bị "rút" sao, trong đó có nhiều khách sạn tại Hà Nội. Chỉ riêng trong tháng 8/2016, Tổng cục Du lịch đã thu hồi quyết định công nhận hạng 3 sao với 9 khách sạn tại Hà Nội.

Bao gồm: Khách sạn Heritage Hà Nội (số 625 đường La Thành, quận Ba Đình), khách sạn Quốc tế ASEAN (số 8 Chùa Bộc, quận Đống Đa); khách sạn Vườn Thủ đô (4 Hoàng Ngọc Phách, quận Đống Đa), khách sạn Sài Gòn (số 80 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm); khách sạn Thương Mại (số 25 Ngọc Khánh, quận Ba Đình); khách sạn Đại Dương (số 48 đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng); khách sạn Kim Liên (khu 4) (số 5-7 Đào Duy Anh, quận Đống Đa); khách sạn Bảo Khánh (số 22 Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm); khách sạn Chìa Khóa Vàng (số 65 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm).

Theo bộ phận nghiên cứu của JLL, năm 2016, Việt Nam đã chào đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, sự phát triển của ngành du lịch đã thúc đẩy sự phát triển của các dự án khách sạn. Điển hình như khu nghỉ dưỡng tích hợp Nam Hội An đang được triển khai, dự kiến giai đoạn đầu sẽ hoàn thiện vào năm 2019. Trong khi đó, vịnh Hạ Long đã chào đón dự án khách sạn 5 sao đầu tiên dưới thương hiệu Wyndham Legend Halong vào tháng 6 năm ngoái.

Theo ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, năm 2016 Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn FDI nhờ vào sự cải thiện của nền kinh tế, chính trị ổn định và chi phí nhân công tương đối thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.

“Các điểm đến du lịch nổi tiếng đang thu hút rất nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư trong 2 năm gần đây như là Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc”, ông Wyatt nói thêm.

Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc trở về nước của người Việt ở nước ngoài hay còn được biết đến như Việt kiều. Đây sẽ là nhóm đóng vai trò quan cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp ở TP.HCM và Hà Nội.

Theo chỉ số tăng trưởng mới nhất của JLL, nền kinh tế vững mạnh và dân số tăng là những yếu tố giúp cho cả 2 TP này nằm trong top 10. Cụ thể, TP.HCM đứng ở vị trí thứ 2 và Hà Nội ở vị trí thứ 8. Tuy nhiên, 2 thành phố này cần phải nỗ lực hơn để giữ vững vị trí của mình trong dài hạn.

“Sự chuyển đổi theo chiều hướng các hoạt động có giá trị cao dựa trên nền tảng công nghệ vẫn đang trong giai đoạn đầu. Tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm vẫn là trở ngại đáng kế đến chất lượng cuộc sống và tăng năng suất lao động”, ông Jeremy Kelly - Giám đốc Nghiên cứu toàn cầu JLL nhận định.

Tạ Chi (Tổng hợp)

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/bung-no-nguon-cung-khach-san-5-6-sao-tai-ha-noi_n18862.html