Bước chuyển của SpaceX khiến Nga mướt mồ hôi

Sau cú phóng lịch sử hồi cuối tháng 3, Tập đoàn SpaceX chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ quân sự đầu tiên khi đưa kiện hàng ký hiệu NROL-76 lên quỹ đạo.

Bước ngoặt mới

Theo Sputnik, đây là kiện hàng của của Văn phòng Tình báo Quốc gia Mỹ (NRO) và được mang kí hiệu là NROL-76. Tên lửa Falcon 9 mang theo kiện hàng bí mật sẵn sàng cất cánh vào sáng 30/4 (theo giờ Mỹ) từ mũi Canaveral, bang Florida.

Mặc dù vậy, NRO đã không tiết lộ bất cứ thông tin chi tiết gì về kích cỡ, nơi nó sẽ được chuyển đến và sẽ làm gì nhưng cớ quan này cho biết thiết bị mới chuyển lên sẽ đóng vai trò là mắt và tai của Lầu Năm Góc.

Trước khi sẵn sàng phóng với kiện hàng quân sự đầu tiên, hồi cuối tháng 3/2017, Tập đoàn SapceX đã tạo nên bước ngoặt lịch sử khi phóng Falcon 9 lên không gian bằng tên lửa đã sử dụng.

Vụ phóng được thực hiện tại bãi phóng thuộc căn cứ Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ). Tên lửa Falcon 9 đưa một vệ tinh liên lạc của công ty SES (trụ sở tại Luxembourg) lên quỹ đạo địa tĩnh ở khoảng cách 35.000 km so với Trái Đất.

Falcon 9 sẵn sàng phóng hôm 30/4.

Lần đầu tiên trong lịch sử, SpaceX tận dụng lại tầng đầu gồm 9 động cơ (còn gọi là bộ phận đẩy) từng được sử dụng trong vụ phóng tàu vũ trụ không người lái Dragon hồi năm 2016, và sau đó đã hạ an toàn xuống một bệ di động trên biển.

Trong những năm gần đây, SpaceX đã đạt trình độ vượt bậc trong việc cải tiến kỹ thuật, điều khiển các động cơ đẩy tiếp đất, hoặc trên mặt nước, theo phương thẳng đứng sau mỗi lần hoàn thành sứ mệnh không gian.

Cho đến nay đã có 8 tên lửa đẩy của SpaceX trở về Trái Đất và hạ cánh thành công. Theo tiết lộ của SpaceX, tập đoàn này quyết định đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2018 bằng tên lửa đẩy Falcon 9.

Kế hoạch đưa con người lên Mặt trăng được trang The Guardian dẫn tuyên bố của tỉ phú Elon Musk, Tổng giám đốc tập đoàn SpaceX cho biết. Hiện đã có hai hành khách trả tiền để thực hiện chuyến du hành mang tính lịch sử này.

Việc SpaceX ấn định thời điểm năm 2018 đưa con người lên Mặt trăng bằng tên lửa đẩy Falcon 9 khiến nhiều người bất ngờ bởi tính đến thời điểm hiện tại, mới có 8 lần hạ cánh thành công trong tổng số 14 lần phóng Falcon 9.

Nga phấn đấu

Trước thành công của Mỹ, hãng thông tấn Sputnik cho rằng, Nga hoàn toàn đủ năng lực để tạo ra sản phẩm tương tự tên lửa tái sử dụng Falcon 9 của Tập đoàn SpaceX, Mỹ. Tuyên bố trên được thông tấn Nga dẫn lời nhà khoa học nổi tiếng Boris Katorgin, cựu Tổng giám đốc NPO Energomash giai đoạn 1991-2005.

"Nếu bây giờ ở Nga đặt mục tiêu chế tạo hệ thống tái sử dụng thì chắc chắn sẽ làm được. Thời hạn thực hiện phụ thuộc vào số lượng các chuyên gia tham gia và tài trợ. Nếu những yếu tố này được đáp ứng, việc chế tạo sẽ mất khoảng 3-4 năm", ông Katorgin nói.

Theo vị cựu giám đốc này, ngành công nghiệp vũ trụ Nga đã có những kinh nghiệm chế tạo thiết bị vũ trụ tương tự. "Thời Xô Viết, công nghệ này đã được trù định để thực hiện trên tên lửa đẩy Energia mà đáng tiếc mới có hai lần phóng", ông nói thêm.

Không chỉ dừng lại ở tuyên bố, theo một nguồn tin quân sự của Nga, hiện các kỹ sư của Trung tâm Tên lửa Quốc gia mang tên Makeyev đã xác định kế hoạch phát triển tên lửa đẩy một kỳ sử dụng nhiều lần mang tên Korona.

"Đã tiến hành nghiên cứu các luận chứng kỹ thuật-kinh tế khả thi và hoạch định lịch trình hiệu quả để sáng chế tên lửa đẩy một kỳ sử dụng nhiều lần. Đã nghiên cứu những điều kiện cần thiết cho công trình này, phân tích triển vọng và kết quả của sáng chế cũng như vận hành các phương tiện mang", thông tấn Nga cho biết.

Đặc biệt, các vật liệu xây dựng cơ bản của Korona sẽ là sợi carbon tổng hợp. Tên lửa sử dụng hydro và oxy làm nhiên liệu, có thể mang trọng tải từ 7 tấn đến 12 tấn, khi thực hiện "sơ đồ đặc biệt trong quỹ đạo thấp gần Trái đất". Thời gian để chuẩn bị tên lửa mới cho cuộc phóng đã được rút ngắn đến 1 ngày đêm nhờ sử dụng thiết bị phóng đơn giản hóa.

Theo quan điểm của Makeyev, "Korona" cũng có thể được sử dụng phục vụ lợi ích của các chuyến bay vũ trụ có người lái, xây dựng các Trạm mô-đun không gian và dành để đưa hàng cho trạm ISS. Điều khá đặc biệt là chương Công trình sáng chế "Korona" được Trung tâm Tên lửa Quốc gia tiến hành từ năm 1992-2012, nhưng phải đình chỉ do thiếu kinh phí.

Dù Korona được Nga tiến hành gần như cùng thời điểm với chương trình Falcon 9 của Mỹ tuy nhiên, SpaceX nhà sản xuất của Falcon 9 đã chứng minh được sức mạnh trước chương trình đang còn trong giai đoạn nghiên cứu của Nga.

Cụ thể, trong khi tên lửa Korona có thể mang theo tải trọng 7 - 12 tấn hàng hóa thì Falcon 9 gây ấn tượng hơn nhiều bởi trọng lượng hàng hóa nó mang theo có thể lên tới 25 tấn.

Ngoài lợi thế về tải trọng, Mỹ còn chiếm lợi thế khi đã thử nghiệm thành công tới hàng chục lần, đặc biệt sau cú phóng được coi là bước ngoặt lịch sử của Falcon 9 (đã qua sử dụng) hôm 31/3 khi đưa một vệ tinh liên lạc của công ty SES (trụ sở tại Luxembourg) lên quỹ đạo địa tĩnh ở khoảng cách 35.000 km so với Trái Đất.

Trong khi hiên nay, Korona mới được nhà sản xuất Nga tái khởi động và hiện vẫn chưa có thời điểm chương trình này tiến hành thử nghiệm đầu tiên.

Clip Falcon 9 sẵn sàng phóng hôm 30/4

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/buoc-chuyen-cua-spacex-khien-nga-muot-mo-hoi-3334460/