Bước chuyển đổi tất yếu

(HNM) - Cuba vừa thông báo nước này sẽ chấm dứt việc áp dụng hệ thống "tiền tệ kép" kéo dài 19 năm qua theo hướng thay đồng peso và đồng peso chuyển đổi (CUC) bằng một loại tiền hợp nhất. Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ của Chính phủ Cuba nhằm cải thiện tình hình kinh tế của quốc đảo vùng Caribe này.

Xóa bỏ hệ thống tiền tệ kép sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế của Cuba.

Tờ Granma của Đảng Cộng sản Cuba cho biết, Hội đồng Bộ trưởng Cuba đã thông qua lịch trình thực thi "các biện pháp hợp nhất hóa trao đổi tiền tệ" nhằm định giá loại tiền hợp nhất mới và đưa loại tiền này thành công cụ chính trong các hoạt động thanh toán và tiết kiệm. Tiến trình chuyển đổi và hợp nhất tiền tệ này sẽ được áp dụng trước tiên với các công ty đang hoạt động tại Cuba và sau đó sẽ mở rộng sang các công ty tư nhân. Động thái này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cải cách kinh tế, đồng thời khuyến khích các xí nghiệp xuất khẩu cũng như các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng trong nước đẩy mạnh hoạt động. Giới chuyên gia cho rằng, việc sử dụng chung một đồng nội tệ sẽ mang nhiều lợi ích cho kinh tế Cuba, trong đó có việc minh bạch các chỉ số kinh tế của nước này.

Cuba là quốc gia duy nhất hiện nay trên thế giới lưu hành song song hai đồng tiền quốc gia. Chủ tịch Cuba Raul Castro đã thừa nhận hệ thống tiền tệ này đang làm suy yếu nền kinh tế của Cuba và cần phải có sự thay đổi. Do đó, Cuba đã nỗ lực để thống nhất hệ thống tiền tệ kép của nước này thành một đồng nội tệ duy nhất. Thực tế là hệ thống thanh toán song song hai đồng nội tệ đã gây rất nhiều khó khăn cho quốc đảo Caribe này. Kể từ khi hệ thống trên được thiết lập vào năm 1994, phần lớn người dân Cuba thanh toán các dịch vụ cơ bản bằng đồng peso có giá trị 24 peso đổi 1 USD, trong khi khách du lịch và một bộ phận người Cuba khác có thể dùng đồng peso chuyển đổi có giá trị 1 peso chuyển đổi bằng 1 USD. Điều này dẫn đến một nghịch lý là nhiều kỹ sư, bác sĩ hưởng mức thu nhập thấp hơn nhiều so với những người lao động phổ thông thường xuyên phục vụ khách du lịch. Giáo sư Alejandro Pavel Vidal - chuyên gia kinh tế Cuba cho rằng, nước này cần phá giá cả hai đồng tiền để có thể loại bỏ hệ thống đồng tiền kép và khắc phục những mất cân đối trong hệ thống tài chính.

Lẽ ra vào cuối năm 2009, Cuba đã có ý định thực hiện cải cách đồng nội tệ do nền kinh tế nước này gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy vậy, vì một số lý do, Ngân hàng trung ương Cuba vẫn tiếp tục chính sách cũ, đồng thời ban hành một văn bản khẳng định giá trị của đồng peso chuyển đổi trong nhập khẩu cũng như chi trả các khoản nợ đối với đối tác nước ngoài. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, Cuba nhận thấy việc trì hoãn thêm nữa sẽ không có lợi. Hệ thống doanh nghiệp và ngân hàng nước này sẽ khó hội nhập nền kinh tế thế giới nếu như Cuba không có một đồng tiền có giá trị trao đổi thực sự. Vì vậy, Chủ tịch Raul Castro đã bày tỏ quyết tâm coi việc thống nhất hệ thống tiền tệ kép là một nhiệm vụ trọng yếu. Tuy nhiên, người đứng đầu Cuba cũng quan ngại việc cải tổ hệ thống tiền tệ kép hiện nay có nguy cơ làm leo thang lạm phát tại Cuba. Ngoài ra, quốc đảo vùng Caribe cũng buộc phải thay đổi những điều luật mà sẽ loại bỏ khoản trợ cấp dành cho các doanh nghiệp quốc doanh trong bối cảnh tiền mặt đang rất khan hiếm.

Dẫu việc phá giá cả hai đồng tiền sẽ đem lại nhiều thách thức cho nền kinh tế Cuba như việc ngân hàng và doanh nghiệp sẽ khó đạt được thỏa thuận nhưng cái lợi của việc làm này là giá trị trao đổi. Cuba sẽ có một tỷ giá làm cho nền kinh tế trở nên minh bạch hơn, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, củng cố thị trường nội địa và giúp ích cho việc xóa bỏ hệ thống đồng tiền kép. Do vậy, bước chuyển đổi tất yếu trên thực sự sẽ tạo nên nhiều thuận lợi cho nền kinh tế của đảo quốc Caribe trong tương lai.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/635848/buoc-chuyen-doi-tat-yeu