Bước đột phá chất lượng dạy, học ngoại ngữ

GD&TĐ - Sau thời gian hơn 8 năm triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, kết quả đạt được rất khả quan.

Đề án đã góp phần đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống các trường phổ thông. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc…

Mở rộng quy mô

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (giai đoạn 2008 - 2020) trong những năm qua đã đạt được những thành quả nhất định, đặc biệt là rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên cũng như thực trạng dạy học ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục các cấp. Đề án cũng đã có những tác động tích cực trong việc dạy và học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học, bậc học.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến nay đã đạt được những kết quả khả quan. Số trường dạy học Tiếng Anh theo chương trình mới ngày càng mở rộng, lượng giáo viên đạt yêu cầu theo Khung chuẩn châu Âu tăng lên. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết: Đến cuối học kỳ I, năm học 2016 - 2017, cấp tiểu học tổng số học sinh được học Tiếng Anh là 69.818/96.266, tỷ lệ 72,52% (so với năm học trước tăng 896 học sinh).

Trong đó, có 31.735 học sinh được học chương trình Tiếng Anh thí điểm 4 tiết/tuần (tỷ lệ 45,45%); học theo chương trình Tiếng Anh tăng cường có 6.751 học sinh (tỷ lệ 9,66%), còn lại học theo chương trình tự chọn. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, ngành Giáo dục thành phố tổ chức rà soát trình độ, lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy Tiếng Anh để đạt trình độ B1 đáp ứng yêu cầu giảng dạy (tổng số giáo viên dạy Tiếng Anh trên địa bàn 294, trong đó số giáo viên đạt trình độ B1 là 157, 91 đạt B2, 5 đạt C1 và 2 đạt C2).

Ở bậc trung học, TP Cần Thơ vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình Tiếng Anh thí điểm theo Đề án Ngoại ngữ 2020 tại 31 trường THCS và 16 trường THPT. Đã tổ chức Hội nghị triển khai dạy học Toán bằng tiếng Anh cho giáo viên cấp THCS và THPT trên toàn thành phố. Tiến hành dạy học thí điểm Toán bằng tiếng Anh ở một số trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Triển khai kế hoạch bồi dưỡng về ngôn ngữ và phương pháp cho các giáo viên Toán để có thể thực hiện việc giảng dạy Toán bằng tiếng Anh…

Công tác bồi dưỡng giáo viên được tỉnh Sóc Trăng chú trọng thực hiện. Khi vừa triển khai đề án, năm 2012 có 279 giáo viên được bồi dưỡng trong nước các trình độ A1, A2, B1, B2 và C1 (trong đó đã tuyển chọn 15 giáo viên bồi dưỡng ngoài nước). Năm 2013 có 700 giáo viên từ tiểu học đến trung cấp, cao đẳng được bồi dưỡng trong nước (trong đó tuyển chọn 18 giáo viên bồi dưỡng ngoài nước).

Tỉnh cũng đã được đầu tư về cơ sở vật chất, phần mềm học liệu và các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học ngoại ngữ, trị giá trên 13 tỷ đồng. Năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Sóc Trăng tiếp tục mở rộng thêm một số trường THCS dạy học Tiếng Anh lớp 6 theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Theo đó, các trường THCS thực hiện tuyển sinh đối tượng học sinh đã tham gia học chương trình thí điểm 4 tiết/tuần ở tiểu học, để tiếp tục tham gia học chương trình học Tiếng Anh lớp 6 cấp THCS mới theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Sở yêu cầu giáo viên tham gia phải đạt trình độ theo yêu cầu tối thiểu tương đương bậc 4 (B2) Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Học sinh tham gia phải có trình độ tối thiểu tương đương bậc 1 (A1) theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Sớm tháo gỡ khó khăn

Thực tế, để dạy học ngoại ngữ cần có đội ngũ giáo viên, nhưng hiện nay, định mức biên chế tiểu học vẫn chỉ là 1,5 giáo viên/lớp như trước đây, cho nên không thể tuyển tăng định mức giáo viên ngoại ngữ. Như tỉnh Bến Tre vẫn còn thiếu hơn 100 giáo viên ngoại ngữ tiểu học. Còn tại quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) chỉ có 24 giáo viên Tiếng Anh/23 trường tiểu học. Nguyên nhân thiếu giáo viên được lãnh đạo Phòng GD&ĐT xác định là suốt 2 năm qua không tăng biên chế giáo viên tiểu học trên địa bàn.

Tại huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) cũng đang gặp khó vì thiếu giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học, nguyên nhân do không có bố trí biên chế. “Do thiếu giáo viên nên cấp tiểu học chỉ triển khai học Tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5. Còn cấp THCS hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị và phòng học Tiếng Anh” - ông Nguyễn Văn Liếng - Phó Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh - cho biết.

Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn còn khó khăn do thiếu giáo viên đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc và điều kiện về môi trường ứng dụng ngoại ngữ hạn chế… Do đó, nhiều mục tiêu trong đề án không đạt được, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên vẫn chưa đạt yêu cầu. Như tỉnh Sóc Trăng gặp khó vì trình độ của đa số giáo viên Tiếng Anh đạt theo chuẩn Khung năng lực ngoại ngữ quy định còn ít (qua các đợt bồi dưỡng, đến nay con số đạt chuẩn chỉ khoảng 35%)…

Là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Đề án Ngoại ngữ 2020, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - chia sẻ kinh nghiệm: Một trong những nội dung quan trọng là chọn lựa đối tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên có năng lực, uy tín, chất lượng. Sử dụng các chứng chỉ quốc tế để đánh giá chuẩn năng lực giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng bồi dưỡng nâng chuẩn; khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, sớm đáp ứng chuẩn năng lực giáo viên theo yêu cầu của lộ trình Đề án Ngoại ngữ 2020 đề ra… “Giáo viên, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ không thể nâng chuẩn trong thời gian ngắn.

Vì vậy nên cần thiết phải kết hợp 2 hình thức bồi dưỡng: Tăng cường tự học dưới hình thức online, sau đó có thời gian tập trung trong dịp hè… Để gỡ khó vấn đề thiếu giáo viên, cần xây dựng thông tư về định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường phổ thông công lập (thay thế Thông tư liên tịch số 35 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ). Trong đó nâng tỷ lệ giáo viên/lớp ở tiểu học mới có thể định mức cho giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học ở cấp tiểu học...” - ông Huấn kiến nghị.

Trong quá trình triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (giai đoạn 2008 - 2020), một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là trình độ đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ cho dạy - học ngoại ngữ. Khó khăn thứ hai là tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh do không tuyển được giáo viên vì không có biên chế…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/buoc-dot-pha-chat-luong-day-hoc-ngoai-ngu-2900762-b.html