Bước ngoặt cho thị trường tín dụng

Thông tin về việc sẽ có thông tư cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay tín dụng trung và dài hạn sắp được Ngân hàng nhà nước ban hành được coi là một bước ngoặt đối với thị trường tín dụng trong năm 2010. Tuy nhiên, bên cạnh cái được, các chuyên gia và DN cũng đang nhìn nhận những điểm hạn chế nếu cơ chế này được áp dụng. DĐDN có cuộc trao đổi cùng chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đại Lai xung quanh vấn đề này.

Ông Lai cho rằng, trước hết về mặt tư duy, việc áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay tín dụng trung và dài hạn là phù hợp với đòi hỏi khách quan của thị trường vốn tín dụng hiện nay, vì giới hạn trần lãi suất mang nặng tính hành chính, làm cho đường cong lãi suất bị kéo căng mỗi khi thị trường tín dụng bị sức ép gia tăng nhu cầu vốn và bị cơ chế hành chính làm biến dạng tính quy luật của thị trường. Thông tư này nếu được ra đời sẽ làm cho các DN rộng đường tìm các ngân hàng giá rẻ nhất, rộng đường cho các điều kiện của các DN có nhu cầu vốn dễ tiếp cận được các ngân hàng, tạo sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường trên thị trường vốn tín dụng. - Điều đó có nghĩa sẽ nâng sự cạnh tranh giữa các NHTM, thưa ông ? Phá trần lãi suất có thể trong ngắn hạn gây bức xúc do nhu cầu vốn của DN về nguồn vốn trung và dài hạn quá nhiều, do tỷ lệ khống chế giữa vốn trung và dài hạn đã co lại. Tuy nhiên, công cụ này dần dần sẽ giải quyết mâu thuẫn đó, ở chỗ ngân hàng bán cao có thể sẵn sàng mua cao cho tiền gửi huy động, cho ngân hàng có điều kiện mua cao bán cao. Thay vì trước đây các TCTD được phép sử dung tới 40% số dư tiền gửi ngắn hạn chuyển sang cho vay trung và dài hạn, thì nay con số này chỉ còn 30%, nghĩa là nguồn để cho vay trung và dài hạn nhỏ đi. Thông tư tới đây sẽ góp phần giải tỏa những mâu thuẫn đó. - Thưa ông, vậy việc ra đời thông tư này có thể là bước đệm để dỡ bỏ lãi suất cơ bản đang áp dụng hiện nay ? Có thể nói, nếu ra đời thông tư mang nội dung này thì đây là một bước đi tiên phong cho việc thỏa thuận hóa hoàn toàn lãi suất trên TTTD và cũng là điều kiện để dỡ bỏ lãi suất cơ bản. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ trước năm 2009 đến nay, TTTD bị phi thị trường, trong lúc các thị trường khác của thị trường tài chính như TTCK, thị trường ngoại hối, thị trường vàng, hay một thị trường tuy không phải là thị trường tài chính nhưng rất gần gũi với thị trường này như thị trường bất động sản tha hồ hoành hành, trong khi đó TTTD lại bị đóng cứng bởi hòn đá tảng rất lớn, đó là 150% lãi suất cơ bản và lãi suất cơ bản lại được hạ ở mức rất thấp trong suốt thời gian 10 tháng từ 1/2 đến 1/12/2009 để đáp ứng chủ trương kích cầu của Chính phủ. Vì vậy, gần suốt năm 2009, TTTD bị các thị trường khác trong thị trường tài chính chèn ép. Việc sẽ có thông tư cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay tín dụng trung và dài hạn sắp được coi là một bước ngoặt đối với thị trường tín dụng trong năm 2010 Áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay tín dụng trung và dài hạn này ra đời sẽ góp phần giải tỏa cho TTTC ngày càng thị trường hơn, các thị trường bộ phận trong TTTC có điều kiện thông nhau hơn, hình thành quy luật bình thông nhau trong TTTC có điều kiện vận động tốt hơn. Và tất cả các thị trường này đều có cơ hội phát triển, và người mua vốn của nền kinh tế được hưởng lợi. - Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, việc áp dụng lãi suất thỏa thuận sẽ là cơ hội để các NHTM đồng loạt nâng lãi suất, gây khó khăn cho các DN trong việc tiếp cận vốn vốn chẳng mấy khi được dễ dàng, thưa ông ? Đương nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Trong cơ chế này, chúng ta rất cần cẩn trọng với những hạn chế nhất định. Ví dụ như đề phòng tình trạng một số ngân hàng có thể liên kết độc quyền, nâng giá lên làm cho người mua bị thiệt hoặc dùng vốn trung và dài hạn biến tướng ra thành đầu cơ tài chính, hay chuyển sang các thị trường phi sản xuất vật chất mà lẽ ra chỉ là ngắn hạn sẽ trở thành dài hạn, dẫn đến việc kiểm soát rủi ro tín dụng trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, sức cầu hay chính năng lực hấp thụ vốn của DN và người dân mới là lực lượng quyết định cuối cùng về giá vốn tín dụng trên thị trường, nếu cơ chế tín dụng tôn trọng quy luật thị trường. - Với những điểm tích cực và hạn chế như ông vừa phân tích, thì đáng lẽ việc áp dụng lãi suất thỏa thuận phải được ban hành sớm hơn, thưa ông ? Nói sớm hay muộn thì đều không đúng mà cần phải nhìn vào tình hình thực tế. Chúng ta thừa nhận nền kinh tế thị trường từ cách đây đã rất lâu, tuy nhiên, có nhiều lý do làm cho TTTD bị phi thị trường hóa, kể cả thị trường tỷ giá. Và chúng ta cần dần dần làm thế nào đó để thị trường không bị USD hóa, các đồng ngoại tệ không được thay thế đồng nội tệ làm đủ các chức năng của đồng nội tệ mà ngoại tệ chỉ làm chức năng thanh toán, tích trữ chứ không làm chức năng trao đổi trên thị trường hàng hóa, dịch vụ phi tài chính trong lãnh thổ VN. Tránh tình trạng một thị trường có hai tỷ giá cho cùng một ngoại tệ... mà ngày càng phải nhất thể hóa tỷ giá, chỉ có 1 thị trường tự do mua bán ngoại tệ, hoán đổi, dần dần làm cho hoạt động kinh doanh các nghiệp vụ phái sinh phát triển, kèm theo đó rất cần đến vai trò quản lý nhà nước trong kiểm soát việc sử dụng đồng ngoại tệ, hạn chế các loại hoạt động tín dụng bằng ngoại tệ trên lãnh thổ, hạn chế tín dụng ngoại tệ cả ngắn và trung hạn bằng ngoại tệ, thậm chí hạn chế cả việc huy động ngoại tệ, ngoại trừ việc phát hành thường xuyên các trái phiếu bằng ngoại tệ trong nước. - Vẫn quay lại lo lắng muôn thuở của các DN trong việc tiếp cận vốn, bởi dù quan hệ NHTM – DN luôn là quan hệ tương hỗ, qua lại nhưng dường như NHTM vẫn luôn trong thế “cầm đằng chuôi” ? Trở lại câu chuyện này, khi cơ chế này trở thành chính sách rõ ràng của Nhà nước, thì như tôi nói bất cứ cuộc cạnh tranh nào về giá cũng dẫn đến việc có lợi cho DN, cho nên DN không lo, mặc dù trước mắt, trong ngắn hạn có thể tăng lãi suất do thỏa thuận. Còn về trung và dài hạn các DN không thể vay được nếu lãi suất quá cao. Và chính cơ chế lãi suất thỏa thuận này sẽ giúp các DN hết sức cân nhắc trước việc đầu tư của mình, tính toán đến hiệu quả trả nợ với ngân hàng như thế nào. Và DN sẽ dễ dàng tính được các chi phí lãi suất cộng với phí lách cơ chế hay có thể gọi nôm na là chi phí “tiêu cực” mà DN phải gánh bấy lâu sẽ ra con số mà lãi suất thỏa thuận đủ rẻ hơn cho các DN do không phải chi ngoài sổ sách, chứng từ những khoản phí được coi là tiêu cực trước đây. Tôi cũng phải nói thêm rằng, thị trường tự nói lên ngôn ngữ của nó. Có thể ngôn ngữ đó “khó chịu”, ví dụ tới đây không cẩn thận sẽ lạm phát rất cao, nhưng là sự phản ánh thực tiễn. Bằng nhãn quan chính trị và tư duy chính sách, các nhà lập chính sách sẽ nhờ tín hiệu đích thực của thị trường để phản ứng kịp thời bằng chính sách thích hợp trong việc tăng hay giảm cầu để làm dịu tình hình thực tiễn đó. Đây chính là “công lao” của quy luật thị trường và sự tác động bởi bàn tay hữu hình của Nhà nước. Có thể nói thêm rằng mọi chính sách thực ra cũng chỉ là sự quan sát các quy luật thị trường, để hợp thức hóa, tạo bà đỡ cho quy luật thị trường đã hình thành trong cuộc sống theo nguyên tắc: Từ thực tiễn khách quan Nhà nước dẫn dắt thị trường, thị trường dẫn dắt DN và người tham gia thị trường, DN và người dân tạo hàng hóa cho thị trường...tạo thành vòng luân hồi khép kín... Thông tư đang bàn do đó là tư tưởng hợp logic với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước mà VN đang chọn. - Xin cảm ơn ông ! Ông Nguyễn Mạnh Quân - TGĐ Cty CP TM-DV Hạ Long : Từ trước đến nay, lãi suất ngân hàng tại VN chưa bao giờ bằng, nếu không nói là luôn cao hơn so với các nước trong khu vực. Ngay trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, Nhà nước phải thực hiện hỗ trợ lãi suất, thì vẫn có nhiều loại "phí" chính thức, không chính thức được các ngân hàng áp dụng với người vay vốn. Lãi suất cho vay, do vậy, hiếm khi đúng với quy định, cũng như công bố của các ngân hàng. Nếu không nói là luôn cao hơn trần lãi suất cho vay công bố. Dĩ nhiên, để có nguồn cho vay, ngân hàng phải vay và phải chịu lãi suất cho vay từ nhiều nguồn khác. Và tâm lý người cho vay thì bao giờ cũng muốn đạt mức lãi cao nhất. Do vậy, nếu biện pháp giám sát, kiểm soát các loại phí mà người cho vay áp đặt không tốt, thì áp dụng quy định thỏa thuận lãi suất cho vay hoàn toàn có thể dẫn tới kết quả xác lập mặt bằng lãi suất cho vay thực mới, cao hơn trần lãi suất cho vay hiện tại. Ông Trần Văn Thắng - TGĐ Cty CP KCN Nam Đình Vũ : Yêu cầu hiện nay với thị trường tài chính VN là tính minh bạch. Các giải pháp quản lý ban hành nhằm mục đích ấy và từ đó tăng hiệu quả của thị trường tài chính trong phát triển kinh tế. Về bản chất, các ngân hàng cũng là người đi vay để cho vay lại và hưởng lãi. Do vậy, mục tiêu lợi nhuận là điều các ngân hàng hướng tới. Mặt khác, nếu lãi suất đầu vào cao thì đương nhiên lãi suất đầu ra phải cao. Như vậy, nếu việc cho phép thỏa thuận lãi suất là nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng, nâng được hiệu quả cho vay, hiệu quả sử dụng vốn vay. Và phần nào tăng tính minh bạch trong các hoạt động cho vay, thì yêu cầu đặt ra là cần nâng cao và có thêm nhiều hơn nữa các công cụ quản lý để giám sát việc áp dụng thực tế của giải pháp này. Phương Thảo thực hiện

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20100225094820216cat130/buoc-ngoat-cho-thi-truong-tin-dung.htm