Bước trưởng thành của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam

ND - Thành lập ngày 15-5-2001, với số cán bộ, kỹ sư ban đầu chỉ vỏn vẹn 20 người, sau chín năm xây dựng, Công ty dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC-MC), đơn vị thành viên của Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, đã trở thành một công ty có đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên lên đến 2.500 người. Từ chỗ chỉ là một xưởng cơ khí sửa chữa, thì nay, Công ty dịch vụ cơ khí hàng hải đã vươn lên nắm vững kỹ thuật chuyên ngành cơ khí hàng hải và cơ khí dịch vụ khai thác dầu khí. Từ một đơn vị chỉ gia công, sửa chữa nhỏ, đến nay Công ty dịch vụ cơ khí hàng hải đã vươn lên có thể chế tạo tàu, giàn khoan lớn cho ngành dầu khí.

Công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp Chân đế giàn khoan là một công trình hạ tầng kỹ thuật nằm sâu dưới biển, có kết cấu phức tạp, từ trước đến nay, hoàn toàn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nằm trong dự án phát triển mỏ Chim Sáo và Dừa của Công ty Premier Oil tại Block 12W trong vùng lòng chảo nam Côn Sơn, ngoài khơi biển Vũng Tàu, dự án chân đế giàn khai thác mỏ Chim Sáo là một cấu kiện siêu trường, siêu trọng. Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Nguyễn Hùng Dũng, cho biết: "Chân đế giàn khoan mỏ Chim Sáo là chân đế lớn nhất được chế tạo tại Việt Nam với tổng khối lượng gần 4.000 tấn, được ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật hiện đại nhất. Do đó Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty PTSC đặt tên công trình là Công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp". Đây cũng là công trình đầu tiên Công ty dịch vụ cơ khí hàng hải trúng thầu cạnh tranh quốc tế với tổng giá trị công trình lên đến 240 triệu USD, cũng là dự án EPCI (bao gồm thiết kế, chế tạo, mua sắm, lắp đặt, đấu nối và chạy thử) lớn nhất từ trước đến nay. Theo Giám đốc Công ty dịch vụ cơ khí hàng hải Phan Thanh Tùng: "Đảm nhận một công trình lớn, đòi hỏi cả về kỹ thuật và tiến độ, cán bộ, công nhân viên Công ty dịch vụ cơ khí hàng hải đã phát huy nội lực, thực hiện dự án đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, chất lượng theo các yêu cầu của khách hàng và hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế". Nhìn khối kết cấu nặng gần bốn nghìn tấn, cao như một tòa nhà 40 tầng, không chỉ cán bộ công nhân viên trong Tổng Công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí tự hào, mà bạn bè quốc tế cũng bày tỏ lòng thán phục. Từ thành công của công trình chân đế giàn khoan mỏ Chim Sáo, những người thợ cơ khí hàng hải thuộc Tổng Công ty PTSC có thể đảm nhận thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình cơ khí khai thác dầu khí. Vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật và công nghệ Bên cạnh việc hoàn thành và hạ thủy chân đế giàn khai thác Chim Sáo, PTSC cũng đã hoàn thành xuất sắc việc chế tạo trên bờ khối thượng tầng giàn khai thác Sư Tử Đen Đông Bắc của khách hàng Cửu Long JOC, với tổng khối lượng 2.200 tấn, bao gồm việc lắp đặt, kiểm tra chạy thử toàn bộ các thiết bị và hệ thống công nghệ kèm theo. Tổng giá trị hợp đồng lên đến gần 190 triệu USD. Đây là một trong những dự án EPCI lớn mà PTSC đã thực hiện trong năm 2009 vừa qua. Dự án Sư Tử Đen Đông Bắc do PTSC thực hiện được bắt đầu từ tháng 2-2008. Trước đó, chân đế, tuyến cáp ngầm và các tuyến ống nội mỏ đã được PTSC lắp đặt an toàn tại lô 15.1 vào cuối năm 2009. Giàn thượng tầng được hoàn thiện và hạ thủy theo đúng tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư vào ngày 19-3-2010. Trước đó vào cuối năm 2009, Tổng Công ty PTSC đã đóng và hạ thủy thành công sà-lan 5.000 tấn, để phục vụ việc chuyên chở các khối cấu kiện lớn như chân đế giàn khoan các khối thượng tầng giàn khai thác. Việc hoàn thành chế tạo và hạ thủy chân đế giàn khai thác Chim Sáo và khối thượng tầng Giàn khai thác Sư Tử Đen Đông Bắc đã khẳng định uy tín, năng lực của Tổng Công ty PTSC. Trong vai trò tiên phong của lực lượng dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, PTSC đã không ngừng phấn đấu, phát huy nội lực, năng động sáng tạo làm chủ các công nghệ mới, thực hiện các hợp đồng tổng thầu EPC/EPCI cho công trình dầu khí có quy mô ngày càng lớn hơn và yêu cầu về công nghệ ngày càng cao hơn. Đánh giá về PTSC, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Phùng Đình Thực cho biết: "Thành công của PTSC cũng khẳng định chủ trương định hướng đúng đắn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong chiến lược đẩy mạnh phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí, tập trung đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển nguồn lực trong nước đủ sức đảm đương các công trình lớn và đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành dầu khí nói riêng và đất nước nói chung trong thời gian tới". Bên cạnh đó, nằm trong chương trình tiếp tục mở rộng, phát triển lĩnh vực cơ khí, đóng mới các phương tiện nổi, ngày 19-3-2010, tại Công trường thi công thuộc Cảng hạ lưu PTSC tại Vũng Tàu, PTSC cũng đã tiến hành lễ đặt ky đóng mới tàu dịch vụ PTSC-03. Dự án đầu tư đóng mới và kinh doanh Tàu dịch vụ Dầu khí PTSC-03 nằm trong dự án "Đầu tư đóng mới và kinh doanh tàu dịch vụ 3.500 HP (PTSC-02) và 4.750 HP (PTSC-03) phục vụ hoạt động Nhà máy lọc dầu Dung Quất- Quảng Ngãi", với tổng vốn đầu tư 22 triệu USD. Tàu dịch vụ dầu khí PTSC-03 có tổng công suất 4.750 mã lực và lực kéo 64 tấn. Sau khi hoàn thành, tàu dịch vụ dầu khí PTSC-03 sẽ được đưa vào sử dụng, phục vụ cho công tác trực phao, lai dắt tàu, nhập dầu tại phao rót dầu không bến SPM và các cảng xuất sản phẩm, trực standby và ứng cứu sự cố dầu tràn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi. Niềm tự hào của ngành kỹ thuật dầu khí Việt Nam Ngày 1-4 tới đây, sà-lan trọng tải 5.000 tấn do Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí đóng sẽ vận chuyển chân đế giàn khoan ra biển, phục vụ việc khai thác dầu tại thềm lục địa của Việt Nam, đánh dấu một mốc quan trọng trong bước đường xây dựng và trưởng thành của ngành cơ khí và dịch vụ hàng hải. Vượt qua những khó khăn thách thức, nhất là những khó khăn do khủng hoảng tài chính tiền tệ, Tổng Công ty PTSC đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình chân đế giàn khoan như Tổng Giám đốc Công ty Premier Oil Phi-líp Mac Lô-rin đã thán phục khi phát biểu ý kiến: "Các bạn đã viết nên một chương mới cho truyền thống phát triển một giếng dầu lớn trước những mục tiêu đặt ra đầy thách thức và khó khăn. Với mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò của Việt Nam trong dự án phát triển mỏ Chim Sáo của Premier Oil, PTSC đã đề xuất để không chỉ tham gia chế tạo chân đế của giàn khai thác mà còn đảm nhiệm vai trò nhà thầu chính để thực hiện công trình dự án chân đế giàn khai thác lớn nhất được thi công lần đầu tại Việt Nam. Các bạn đã cho chúng tôi thấy sự nghiêm túc trong quá trình thực hiện dự án, bảo đảm về mặt chất lượng và tiến độ cũng như quản lý có hiệu quả nguồn nhân lực của mình. Thành quả của các bạn là một dự án an toàn với 1.700.000 giờ lao động không có tai nạn thương tật trong dự án. Đó là những kỷ lục đáng nể mà tôi biết chúng ta có thể mất chỉ trong một giây phút sơ suất nào đó. Chúng tôi đã chứng kiến sự tập trung cao độ của các bạn về tính an toàn trong công tác thi công. Thật sự, thành quả này không phải do may mắn mang lại mà do chính khả năng quản lý tuyệt vời của các bạn. Là một công ty có bề dày truyền thống 75 năm trong ngành khai thác dầu, Premier cảm thấy tự hào về điều này". Lễ đưa xuống nước sà lan 5000 tấn Là đơn vị đứng đầu trong nước về cung cấp dịch vụ tàu lai kéo và tàu dịch vụ cho khách hàng trong và ngoài nước, PTSC đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần cung cấp tàu cho các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, sở hữu một đội tàu chuyên dụng và định hướng phát triển đội tàu lên 100 chiếc vào năm 2025, trong đó, giai đoạn 2009 - 2010 đầu tư thêm khoảng 10 tàu lai kéo và tàu dịch vụ bằng hình thức mua và đóng mới. Hiện tại, đội tàu dịch vụ dầu khí của PTSC chưa có đủ tàu để đáp ứng công tác dịch vụ cho các nhà thầu dầu khí hiện đang tìm kiếm thăm dò và khai thác tại thềm lục địa Việt Nam. Tổng Giám đốc Nguyễn Hùng Dũng cho biết: "Hiện nay, đội tàu của PTSC vẫn còn khiêm tốn với các công ty tàu trong khu vực và hoàn toàn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn này. Với mục tiêu nâng cao tỷ trọng tàu dịch vụ dầu khí, tiến tới chiếm lĩnh hoàn toàn thị phần dịch vụ dầu khí trong nước, PTSC một mặt mở rộng loại hình dịch vụ, mặt khác đầu tư chiều sâu để nâng cao khả năng dịch vụ để có thể tham gia đấu thầu cung cấp tàu dịch vụ dầu khí cho thị trường thăm dò khai thác dầu khí của các nước trong khu vực và trên thế giới". Tập trung phát triển loại hình dịch vụ chủ chốt của mình là dịch vụ tàu chuyên ngành dầu khí, việc đầu tư đóng mới tàu dịch vụ là bước ngoặt lớn của PTSC nói riêng và ngành đóng tàu Việt Nam nói chung, mở ra cơ hội lớn cho PTSC trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trong nước giảm chi phí thuê, mua tàu từ nước ngoài, tận thu ngoại tệ cho Nhà nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=170983&sub=131&top=38