Bút lửa Dzũ Kha lưu thơ Hàn Mặc Tử

Du khách tới Quy Nhơn không thể không ghé qua đồi thi nhân, mà đã ghé qua đồi thi nhân thì không thể không tìm đến vườn thơ, dừng chân tại lều tranh của nghệ sĩ Dzũ Kha.

Mối duyên đó từng được một nhà thơ kết luận rằng “Có thể nói Trời đã sinh ra Hàn Mặc Tử cho Dzũ Kha yêu thương và trân trọng. Nhưng cũng có thể nói: Trời đã sinh ra Dzũ Kha là để tôn vinh Hàn Mặc Tử”. Mới đây, Dzũ Kha lặn lội ra Hà Nội giới thiệu cuốn sách tái bản lần thứ 15 “Hành trình đến với Hàn Mặc Tử”. Sách do Công ty Liên Việt liên kết phát hành.

Dzũ Kha tại buổi ra mắt cuốn sách tái bản lần thứ 15

Dzũ Kha tại buổi ra mắt cuốn sách tái bản lần thứ 15

Cơ duyên Dzũ Kha - Hàn Mặc Tử

Dzũ Kha tên thật là Trương Vũ Kha, sinh năm 1960, tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Năm 23 tuổi, tình cờ anh đọc về cuộc đời, sự nghiệp thơ Hàn Mặc Tử, rồi tự nhiên bị cuốn hút vào đó một cách lạ kỳ.

Anh tâm sự: “Khi ấy, trong tôi trào dâng nỗi xót xa về người thi sĩ họ Hàn ra đi ở tuổi 28 xuân xanh. Đồng thời với đó là sự khâm phục tài hoa Hàn Mặc Tử, ông xứng đáng là nhà thơ lớn của Việt Nam”. Hầu như các bài thơ Hàn Mặc Tử viết đều tương đồng với tâm trạng Dzũ Kha.

Hàn Mặc Tử có duyên với 4 chữ Bình: sinh tại Quảng Bình, làm báo Tân Bình, có người yêu ở Bình Thuận và mất tại Bình Định - nơi Dzũ Kha sinh ra. Sợi dây liên kết tâm hồn qua thơ đã là cơ duyên để Dzũ Kha lặn lội đến nhiều nơi để tìm kiếm, gặp nhân chứng sống, sưu tầm những bút tích, giai thoại về Hàn Mặc Tử.

Dzũ Kha như một cuốn từ điển sống về cuộc đời Hàn Mặc Tử. Trước tấm lòng yêu thơ Hàn độc đáo của anh, chính quyền tỉnh Bình Định đã cảm phục, chấp thuận ước mong của anh là xây dựng “Nhà lưu niệm thơ Hàn Mặc Tử - Bút lửa Dzũ Kha” trong khu di tích Ghềnh Ráng.

Bút lửa giữ lửa thơ

Năm 1982, Dzũ Kha tự làm chiếc bút lửa đầu tiên, sử dụng nghệ thuật thư pháp bút lửa để viết thơ Hàn trên các sản phẩm tranh gỗ thông. Thờ phụng Hàn Mặc Tử với Dzũ Kha như một lẽ sống riêng. Anh giữ mộ cho thi nhân; suốt 35 năm qua, cứ đến ngày 22-9, anh đều tổ chức lễ sinh nhật cho Hàn Mặc Tử.

Bởi lẽ đó, Dzũ Kha như một hướng dẫn viên du lịch độc nhất vô nhị của đất Quy Nhơn khi có thể nói chuyện hàng giờ về Hàn Mặc Tử với du khách ghé thăm Ghềnh Ráng. Hầu hết du khách đều bị hút hồn khi được tận mắt chứng kiến nghệ thuật thi pháp bằng bút lửa, ghi lại những bài thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử do nghệ nhân Dzũ Kha thực hiện.

Đam mê thơ Hàn Mặc Tử, Dzũ Kha nung nấu ý tưởng viết cuốn sách “Hành trình đến với thơ Hàn Mặc Tử” từ năm 2005 với bản thảo đầu tiên chỉ vỏn vẹn khoảng 100 trang. Sau nhiều năm tháng anh dày công miệt mài chỉnh sửa thật tròn trịa, bổ sung nhiều tư liệu và thông tin độc đáo, năm 2017, bản in lần thứ 15 của cuốn “Hành trình đến với thơ Hàn Mặc Tử” – Dzũ Kha sưu tầm và biên soạn được công ty sách Liên Việt phát hành.

Cuốn sách dày 223 trang, giới thiệu nhiều tác phẩm, bút tích đặc sắc mà rất ít người biết của Hàn Mặc Tử, những đoạn hồi ký của Nguyễn Bá Tín (em trai Hàn Mặc Tử) về người anh trai thời nhỏ nhiều ham mê…

Bên cạnh đó, phần cuối sách còn có những bản nhạc phẩm được phổ từ thơ Hàn Mặc Tử, những bức ảnh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ như ảnh người ông yêu: Mộng Cầm, Mai Đình, Trần Thương Thương; ảnh khung cảnh ga Quy Nhơn lúc ông vào Sài Gòn làm báo (năm 1934), ảnh mộ Hàn Mặc Tử cải táng từ Quy Hòa về Ghềnh Ráng (năm 1959)…

Không chỉ còn lại thơ và ký ức…

Đọc cuốn “Hành trình đến với thơ Hàn Mặc Tử”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Hàn Mặc Tử như người bị Trời đày xuống, đến khi việc văn chương xong Trời gọi về”. Cả cuộc đời thơ, các tác phẩm thơ của Hàn Mặc Tử đã quyến rũ rất nhiều người. Ai cũng thương cho số phận tài hoa bạc mệnh của ông, nhưng cũng mừng cho ông khi có một người yêu thơ dốc nhiệt huyết truyền lửa đời thơ đó như Dzũ Kha.

Mới đây khu di tích Ghềnh Ráng được chủ đầu tư tư nhân quy hoạch lại. Vườn tược, lều tranh nơi Dzũ Kha làm việc trên đồi thi nhân bị giải tỏa không còn nữa. Dzũ Kha hiện rơi vào tình trạng… thất nghiệp. Anh không biết khi nào họ mới phục dựng Nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử để anh tiếp tục đam mê. Ra Hà Nội, mái tóc dài lãng tử phiêu diêu, áo sơ mi, quần Tây đơn giản, nhưng trong lòng Dzũ Kha ngổn ngang cảm xúc. Vốn đặt bao nhiêu là hy vọng, ngọn lửa, dòng thơ này còn lưu truyền tới rất nhiều thế hệ mai sau. “Trong tương lai tôi hy vọng mình có thể tổ chức được những cuộc thi, buổi triển lãm về Hàn Mặc Tử”, Dzũ Kha nói về niềm khát khao cháy bỏng của mình.

Nguyễn Ngọc Trâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/but-lua-dzu-kha-luu-tho-han-mac-tu/724003.antd