Cá chết bất thường tại Thanh Hóa: Kết luận do tảo nở hoa có quá vội?

Gần 50 tấn cá lồng và cá tầng sâu chết bất thường tại Thanh Hóa được kết luận là do tảo nở hoa. Kết luận này dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục đối với người dân lẫn các nhà khoa học...

Gần 50 tấn cá lồng chết bất thường vào ngày 6- 8/9 tại vùng biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa khiến người dân lao đao. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện lác đác tình trạng cá tầng đáy chết, trôi dạt vào bờ. Rất nhanh sau đó, cơ quan chức năng tại đây đã có kết luận: Cá chết do tảo nở hoa. Kết luận “có vẻ quen quen” này, khiến người dân không khỏi hoài nghi về một mùa thu hoạch cá trong tiếng thở dài lo… thiếu đói.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Ngô Quang Toàn, Viện phó Viện Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Công nghệ biển về vấn đề này.

Hiện tượng cá chết bất thường ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, cơ quan chức năng bước đầu kết luận là do tảo nở hoa. Theo TS., hiện tượng tảo nở hoa có thường xuyên diễn ra tại Việt Nam và có thể là khả năng gây cá chết hàng loạt như kể trên?

Qua báo chí, truyền hình mấy ngày qua tôi cũng có nắm được thông tin vụ việc. Nhưng cũng như những người dân khác, tôi không tránh khỏi hồ nghi.

Nguyên nhân gây cá chết có thể có nhiều, không loại trừ hiện tượng tảo nở hoa, tuy nhiên cũng chưa thể khẳng định đó là nguyên nhân chính và là duy nhất. Trên thế giới, tảo nở hoa diễn ra ở nhiều nơi, thường chỉ trong một thời gian ngắn là hết chứ không độc đến mức như vụ việc Formosa xả thải gây chết cả rạn san hô, những loài cá tầng đáy hàng chục cân cũng không sống nổi.

Cá chết ở biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa chủ yếu là cá lồng, cá nhỏ, lại chỉ tập trung ở một khu vực, rất khó có khả năng là do tảo nở hoa. Phạm vi tảo nở hoa phải lớn hơn thế. Theo tôi, khả năng phải do một nguồn độc tố nào rất mạnh mới có thể làm cá chết nhanh như vậy. Phải xem xét xem, xung quanh đó có nguồn xả thải nào hay không chứ chưa thể kết luận vội được.

TS. Ngô Quang Toàn

Tỉnh Thanh Hóa có kết luận là do sự phát triển của tảo hairoi-creratium furca gây ra thủy triều đỏ?

Nhà khoa học nào khẳng định là thủy triều đỏ? Nơi nào lấy mẫu? Nơi phân tích có uy tín hay không?

Tôi còn nhớ câu chuyện giám đốc sở TNMT Hà Tĩnh bảo là anh em hoảng quá nên lấy mẫu không chuẩn khi sự cố cá biển chết hàng loạt trong tháng 4. Liệu, ở Thanh Hóa có cái gọi là “hoảng quá” hay không?

Mình nghe thì biết thế thôi. Cái này liên quan tới nguồn sống lâu dài của người dân chứ không phải một chốc lát nên cần phải có nghiên cứu cẩn trọng và nghiêm túc.

Trong kết luận của tỉnh Thanh Hóa, hiện tượng tảo nở hoa ở đây có nguyên nhân chủ yếu do lượng lớn chất hữu cơ trong đất liền theo nước mưa đổ vào cửa sông, cửa biển. Ông có nhận định gì về điều này?

Tảo nở hoa thường chỉ ảnh hưởng đến cá ở tầng mặt, tại sao ở đây cũng có cá chết ở tầng đáy?

Trong báo cáo của tỉnh Thanh Hóa chỉ ra nguyên nhân là do lượng lớn chất hữu cơ trong đất liền theo nước mưa đổ xuống cửa sông, cửa biển. Thế thì tại sao lại có hiện tượng đó? Đây cũng là một loại ô nhiễm nguồn nước. Không thể nào phủ nhận nguyên nhân đến từ con người, cho dù có thực là tảo nở hoa hay chăng nữa.

Có khả năng nào nguyên nhân gián tiếp là do nước thải sinh hoạt của người dân gây ra hay không?

Tôi cũng chưa tưởng tượng được, nếu là nước thải sinh hoạt của người dân thì phải bao nhiêu dân sinh sống ở đấy, tập trung với mật độ dày đặc cỡ nào thì mới có thể gây ra ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt được.

Theo tôi được biết, ở vùng biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa, dân số không đông, không tập trung quá lớn như ở các đô thị được.

Vì vậy, khả năng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt là nguyên nhân gián tiếp gây ra cá chết nhiều như vậy là không thể.

Gần 50 tấn cá lồng chết khiến người dân Tĩnh Gia, Thanh Hóa lao đao

Nếu không phải là nước thải sinh hoạt của người dân, vậy thì phải có nguyên nhân nào đó gây ra ô nhiễm, theo ông là gì?

Không có cái gì là tự nhiên cả. Nước thải của dân sinh không đủ độ mạnh để cá chết hàng loạt thì cơ quan chức năng phải có chức năng tìm ra nguyên nhân xem có nguồn xả thải nào khác gần đó không.

Trước đó, theo tôi còn nhớ, hiện tượng cá chết trên sông Bưởi thuộc Thanh Hóa cũng có kết luận là do xả thải của nhà máy đường, nhà máy giấy đó thôi.

Chúng ta chờ đợi câu trả lời sau cùng của cơ quan chức năng ở đây.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Huệ (thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ca-chet-bat-thuong-tai-thanh-hoa-ket-luan-do-tao-no-hoa-co-qua-voi-a257905.html