Ca khúc cách mạng, đoàn thanh niên gây bão mạng

Những ca khúc 'Đường lên phía trước', 'Khát vọng tuổi trẻ', 'Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ'... được nhiều tài khoản mạng xã hội sử dụng làm nhạc nền cho các video diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hoặc một số video có nội dung lịch sử, tái hiện hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ (nhạc sĩ Triều Dâng), Khát vọng tuổi trẻ (nhạc sĩ Vũ Hoàng), Đường lên phía trước(nhạc sĩ Phùng Tiến Minh), Hào khí Việt Nam (nhạc sĩ Vũ Quốc Thắng)… là những giai điệu quen thuộc được chia sẻ trên mạng xã hội TikTok trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) vừa qua.

Những ca khúc này được nhiều tài khoản mạng xã hội sử dụng làm nhạc nền cho các video diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ hoặc một số video có nội dung lịch sử, tái hiện hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Ca khúc Đường lên phía trước là nhạc phim Đường lên Điện Biên.

Ca khúc Đường lên phía trước là nhạc phim Đường lên Điện Biên.

Tài khoản TikTok có tên Thùy Tiên sử dụng ca khúc Khát vọng tuổi trẻ do ca sĩ Tùng Dương thể hiện làm nhạc nền video về lễ diễu binh ở Điện Biên Phủ, thu hút hơn 670.000 lượt yêu thích.

Những câu hát như "Dù lên rừng hay xuống biển/ Vượt bão giông, vượt gian khổ/ Tuổi trẻ kề vai, vững vàng chân bước bạn ơi/ Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…" khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. Bài hát được ca sĩ Tùng Dương thu âm trong giai đoạn COVID-19, nổi tiếng trở lại trên mạng xã hội TikTok sau khi được remix.

Một kênh mạng xã hội dùng ca khúc Đường lên phía trước trong video đăng tải tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ, hút tới hơn một triệu lượt xem. Phần lớn khán giả bình luận khi những ca khúc về lịch sử, cách mạng vang lên, cảm xúc chung của người xem là tự hào, xúc động.

Ca sĩ Tùng Dương gây ấn tượng với ca khúc Khát vọng tuổi trẻ.

Ca sĩ Tùng Dương gây ấn tượng với ca khúc Khát vọng tuổi trẻ.

Khán giả Lê Phương Hiếu bình luận: “Mỗi khi xem video bộ đội ta kéo pháo, mở bài hát Đường lên Điện Biên là nổi da gà, rơi nước mắt. Cái giá của hòa bình, độc lập quá đắt”.

Đồng quan điểm, một người dùng khác cho rằng những ca khúc này nên được phổ biến rộng rãi trong nhà trường, giúp các bài học lịch sử được truyền đạt sinh động và thấm thía hơn.

Ca sĩ Tùng Dương bày tỏ niềm vui xen lẫn bất ngờ khi phiên bản Khát vọng tuổi trẻ do anh thể hiện được chia sẻ rộng rãi trong dịp lễ lớn.

“Còn gì tự hào hơn nếu trend (xu hướng) là những tác phẩm bất hủ về đất nước và nói lên khát vọng tuổi trẻ. Những bản nhạc của cha ông đã được phối khí lại theo tinh thần phù hợp với thời đại mới nhưng không làm mất đi tính nguyên bản”, nam ca sĩ chia sẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội - nhận định truyền thông, các nền tảng số là phương tiện cần thiết để lan tỏa tác phẩm âm nhạc truyền thống, giàu ý nghĩa lịch sử.

“Hiện nay, thông qua phương tiện truyền thông, các chương trình âm nhạc, một số ca khúc cách mạng được làm mới, lan tỏa rộng rãi đến công chúng. Việc làm mới những ca khúc này luôn tồn tại hai mặt. Nếu làm mới mà vẫn giữ được hồn cốt tác phẩm, đó là điều đáng hoan nghênh”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nói với Tiền Phong.

Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ca-khuc-cach-mang-doan-thanh-nien-gay-bao-mang-post1637977.tpo