Cả làng rước lợn

(TNTT&GT) Không chỉ là nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh, ngày hội rước các “ông” lợn ở La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, còn là dịp để người dân nơi đây thể hiện lòng hứng khởi, niềm đam mê...

Tôi đến La Phù lúc mặt trời đứng bóng, người đã đông, nhưng không ngờ đến chiều tối tất cả đường làng ngõ xóm đều chật ních, cả dân làng lẫn khách thập phương rồng rắn theo sau hội rước “ông” lợn lên đền Thượng tế thành hoàng làng. Thành kính “rước ông” Đến đầu ngõ Minh Khai, tôi gặp một nhóm người theo sau một “ông” lợn trắng hồng. Người thì cầm hương, kẻ lại bê chậu cháo trắng, hai người đi bên cạnh cầm nia che mặt lợn để “ông” chỉ thấy lối đi về phía trước, bỏ ra, “ông” có thể quay đầu trở lại. Trời nóng, lại nặng gần 300kg nên “ông” di chuyển nặng nề. Có lẽ tê chân nên khoảng mươi bước “ông” dừng lại quỳ hai chân trước xuống đất, ra điều muốn nghỉ ngơi. Những lúc ấy, một người đàn bà có tên là Hảo vừa vỗ vào mông, vừa xuống giọng dỗ dành nựng nịu: “Lạy ông, ông chịu khó đi cho, để chúng con kịp làm lễ lên đền ạ, lạy ông, lạy ông”. Lấy nia che cho "ông" để "ông" đi đúng đường “Ông” lợn dò dẫm từng bước nhưng chẳng ai dám cầm roi mà quất hay túm lấy tai lôi xềnh xệch. Thậm chí, một số phương tiện cơ giới còn tắt máy và tránh sang bên đường để “ông” không hoảng sợ mà vùng chạy. Chính vì thế, khoảng cách từ chuồng nuôi về tới nhà chỉ dài độ 300 mét nhưng đoàn người cần tới 20 phút mới hoàn thành nhiệm vụ đưa “ông” lợn về sân nhà ông Ba Thành – gia đình đăng cai làm lễ tế ở xóm Minh Khai. Thường thì mỗi xóm ở La Phù chung nhau mổ một “ông” lợn làm lễ tế. Xóm nào quá đông, người dân đồng thuận có thể nuôi hai “ông”. Lợn giống mua về nặng tối thiểu một tạ, thân hình cao ráo, da trắng hồng hào, không có vết thâm nám, chân móng không dị tật. Thức ăn, nước uống phục vụ hằng ngày phải sạch sẽ, tuyệt đối không sử dụng loại thức ăn thừa thãi, ôi thiu. Chuồng trại giữ sạch sẽ thoáng mát, định kỳ bơm thuốc tẩy trùng chống muỗi để “ông” không bị loài chích hút máu này quấy quả, làm phiền. Việc hóa kiếp cho “ông” phải khéo léo, tỉ mẩn nhưng gay cấn, hồi hộp: Một chiếc chăn bông dày cộm được trải ra. Một đám trai tráng đúng 15 người trong xóm đẩy “ông” ra rồi xông vào túm cẳng, vật “ông” nằm nghiêng để chọc tiết. “Ông” lợn nặng hơn 3 tạ vùng vằng, giãy giụa, các cụ bô lão hò hét con cháu giữ cho “ông” lợn nằm gọn gàng trong chiếc chăn bông bởi nếu để “ông” lăn ra đất, phần lưng cọ xuống nền xi măng thì xây xước, tụ máu làm "xấu mã". Theo quan sát của tôi, công việc của người giữ chậu tiết là căng thẳng nhất. Anh phải luôn đặt cái chậu sát đầu lợn. Một người khác cầm dao. Một, hai, ba nhát thọc vào cổ, “ông” mới từ từ kiệt sức, quy tiên. Khâu chọc tiết đòi hỏi sự nhanh nhẹn, dứt khoát trong từng động tác bao nhiêu thì việc lấy màng mỡ lá trong bụng “ông” lợn lại cần sự khéo léo, nắn nót bấy nhiêu. Người ta cẩn thận gỡ từng mảng để riêng, sao cho tấm mỡ lá to nhất phải nguyên vẹn, lành lặn, đó sẽ là tấm áo choàng phủ lên lưng “ông” trong lễ rước. Ngoài phần mỡ lá, các xóm thi nhau cắt dán giấy màu trang trí để “ông” lợn với tư cách là một lễ vật thêm phần đẹp mắt và đó cũng là tiêu chí để tính điểm trong cuộc thi diễn ra vào buổi đêm. Thấm đẫm tình làng nghĩa xóm Xã La Phù chỉ có duy nhất một thôn, tên gọi trùng với tên xã và thờ chung Thành hoàng làng. Hội rước lợn trở thành sợi dây tình cảm, thắt chặt tinh thần đoàn kết hàng xóm láng giềng. Theo lời ông Nguyễn Thiện Dậu ở xóm Tiền Phong 1, một số gia đình trong làng đôi khi cũng có xích mích, mâu thuẫn, cả năm chạm mặt chẳng muốn chào nhau. Đến ngày hội, họ tề tựu bên nhau, cùng tham gia sửa lễ rồi bắt tay giảng hòa là chuyện không hiếm. Có lẽ đây là nét độc đáo, khác biệt của hội làng La Phù so với nhiều làng quê khác ở nông thôn Việt Nam. "Ông" lợn được trang trí rất đẹp đẽ, công phu Độ khoảng 4 – 5 giờ chiều trở đi, các xóm bắt đầu nghênh rước ông lợn. Thời điểm rước ít khi đụng nhau nhưng cứ đến chập tối, “ông” lợn các xóm đều ngự xung quanh các trục đường dẫn vào đền. Hai bên đường, dòng người nhộn nhịp qua lại chiêm ngưỡng từng “ông”. Giờ các “ông” lợn nhập đền mỗi năm mỗi khác vì còn phụ thuộc theo giờ hoàng đạo. Lễ tế diễn ra từ khoảng 23 giờ đêm và kéo dài cho tới giờ đầu tiên của ngày hôm sau. Khi đó, ban tổ chức sẽ cho điểm các “ông” lợn. Năm nay, “ông” lợn xóm Quyết Tiến và xóm Trần Phú đồng giải đặc biệt. Giải thưởng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, gồm chè, thuốc lá, trầu cau kèm 300.000 đồng. "Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần" nên người dân trong xóm vui mừng hả hê lắm. Theo ông Nguyễn Thế Được, người xóm Thống Nhất, năm nay 81 tuổi, được mệnh danh là pho sử sống của làng La Phù, có một số sinh viên về làng lấy tư liệu của các hộ rước lợn để làm... luận văn thạc sĩ. Bảo vệ thành công, họ quay lại tặng ông bản thảo làm kỷ niệm. Tiếc rằng đã tới giờ ra đền kính lễ nên ông Được hẹn tôi dịp về làng sẽ cho xem. Lễ hội làng La Phù luôn là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của nhiều người làng xa xứ. Dù ở đâu, làm gì họ cũng cố gắng trở về quê dự hội. Ông Nguyễn Quang Mạnh hiện đang có cửa hàng kinh doanh trên đường Chu Văn An, P.1, Q.6, TP.HCM có đến 20 năm tha hương nhưng chưa một lần vắng mặt trong ngày hội này. Mỗi lần trở về là một lần ông Mạnh nhớ về miền ký ức tuổi thơ, tất tả ngược xuôi ngó nghiêng chiêm ngưỡng đoàn người rước tế. Với chị Đỗ Thị Thanh, diễn viên của nhà hát tuồng Việt Nam, người đã hai lần về biểu diễn trong ngày hội làng, màn rước “lợn” của người dân La Phù là độc nhất vô nhị và để lại ấn tượng rất sâu sắc bởi không khí đông vui một cách hoành tráng khi người dân cả làng, cả xã cùng đổ ra đường vui như hội. Bài , ảnh: Phan Hậu

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201010/20100301103058.aspx