Cà Mau lập đoàn thanh tra quản lý rừng

(PL)- Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau: “Khẩn trương kiểm tra, làm rõ đúng sai và xử lý nghiêm nếu có sai phạm”.

>> Rừng đước Cà Mau chết đứng >> Kinh doanh hay phát canh thu tô rừng đước? Báo Pháp Luật TP.HCM vừa qua đăng loạt bài “Những bất cập trong quản lý rừng Cà Mau”. Ngày 20-10, trong cuộc họp thường kỳ của ba thường trực Tỉnh ủy, UBND, HĐND và các sở, ngành tỉnh Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tuấn Khanh đề cập đến loạt bài đăng trên Báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh về cơ chế bất cập trong quản lý rừng Cà Mau tạo ra đặc quyền. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Xuân Hồng trực tiếp khẩn trương kiểm tra, làm rõ đúng sai và đề xuất biện pháp xử lý. Trước đó, ngày 19-10, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Khanh đã cùng Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Bùi Công Bửu thị sát rừng Cà Mau bằng trực thăng. Qua chuyến thị sát, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá diện tích rừng tràm đã giảm nhiều so với trước đây, nhiều tuyến rừng phòng hộ chỉ còn lại những vệt rừng mỏng. Sáng 21-10, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Cà Mau bắt đầu giám sát tình hình quản lý rừng tại Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển. UBND tỉnh Cà Mau cũng đã thành lập đoàn thanh tra rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 (huyện Năm Căn). Hơn 10 năm trước, thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ, tỉnh Minh Hải cũ đã giao đất, giao rừng cho dân sản xuất. Theo ông Ngô Văn Lanh, nguyên Phó ban Lâm nghiệp xã Tam Giang và là trưởng ban giao đất, giao rừng của xã thời điểm này, mỗi hộ dân được nhận 10 ha, chủ yếu là đất biền bãi. Toàn xã có vài trăm hộ nhận đất, nhận rừng. Nhưng nhiều hộ trong số này hiện đã bị công ty lâm nghiệp cắt mất một phần diện tích. Một thành viên của đoàn thanh tra rừng phòng hộ Tam Giang 1 cho biết bước đầu ghi nhận nhiều khu vực người được giao đất, giao rừng chỉ còn quản lý phần biền bãi bởi phần đất thịt đã lọt vào tay cán bộ công ty lâm nghiệp hoặc biến thành đất giao khoán cho người khác. Hầu hết các hộ nhận giao đất, giao rừng còn lại trung bình 7 ha nhưng sau hơn 10 năm giữ rừng, nhiều hộ đến khi khai thác rừng được ăn chia chỉ trên dưới năm triệu đồng, mỗi năm giữ rừng thu nhập không đến... 60.000 đồng/ha. Mỗi năm giữ rừng tỷ lệ được chia là 6%, với 12 năm giữ rừng, đến khi khai thác được ăn chia đến 72% sản lượng cây rừng. Thế nhưng có hộ chỉ được nhận chưa đến năm triệu đồng thì bình quân mỗi năm 1 ha thu được chưa đến 90.000 đồng, trong đó phần công ty lâm nghiệp được hưởng 28% với khoảng... 30.000 đồng/ha! Đây là con số thấp đến khó hiểu! Vì sao ăn chia thấp? Theo người dân, quá trình tỉa thưa đã bị lợi dụng để đốn sạch cây rừng có giá trị kinh tế, chỉ chừa lại cây cong queo nên đến khi khai thác, người giữ rừng không còn gì để ăn chia. Quyền của công ty lâm nghiệp quá lớn Cơ chế quản lý rừng ở Cà Mau với đặc thù rừng ngập mặn và ngập lợ rõ ràng là không phù hợp, giao quyền cho các công ty lâm nghiệp quá lớn để họ thao túng và tước quyền quản lý nhà nước đối với cấp huyện, cấp xã về quản lý đất đai mà pháp luật quy định. Ngành lâm nghiệp có rừng nhưng không có dân, chính quyền thì có dân nhưng không quản lý đất rừng. Đây là một nghịch lý cần phải điều chỉnh. Chính phủ cũng đã từng có Nghị định 02 (năm 1995) về giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Tuy nhiên, nghị định này Cà Mau hầu như không triển khai thực hiện. Cần phải thay đổi cơ chế quản lý rừng mới mong cứu rừng Cà Mau. Ông Lê Thanh Toàn (nguyên ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=274836