Cả nhà cùng 'phây'

Ngày nọ, vừa bắt máy chưa kịp trả lời cho cuộc gọi qua Viber, tôi đã nghe giọng mẹ tôi từ đầu dây kia sang sảng: “Sao tao gọi sáng giờ trên Facebook messenger mà không thấy trả lời?”. Tôi ngớ người ra, hỏi lại mẹ tôi xài facebook từ bao giờ, nick name là gì. Hóa ra, sáng nay tôi thấy có cuộc gọi nhỡ trên facebook mesenger từ một nick khá nữ tính nhưng nghĩ của... người lạ gọi nhầm nên không bắt máy. Vả lại, mẹ con tôi thường gọi nhau bằng các phần mềm như Facetime, Tango hay Viber chứ chưa sử dụng Facebook mesenger để gọi bao giờ, nên tôi không nghĩ mẹ tôi (tức... bà ngoại của sắp nhỏ) cũng biết xài Facebook.

Sử dụng có ý thức, Facebook là phương tiện kết nối thú vị các thành viên gia đình. Ảnh minh họa (nguồn internet)

Thì ra, mẹ tôi được tụi nhỏ tạo cho một tài khoản facebook. Nhờ vậy, bà tìm lại được vô số bạn bè, người quen cũ và bắt đầu thấy vui với phần mềm thú vị này. Nếu như trước kia, phần lớn thời gian rảnh bà để đi dạo, tập thể dục vòng quanh nhà hoặc chăm sóc mấy khóm hoa trong vườn thì giờ đây, bà lên mạng hí hoáy chát với mấy người bạn già, thậm chí với mấy bà sui gia và đọc tin tức. Bà bảo từ khi tập tành chơi facebook, bà thấy vui hơn trước nhiều. Chúng tôi cũng vui lây, trong lúc nhiều người ở tuổi thất thập như bà mà đầu óc đã bắt đầu mụ mẫm, chậm chạp, nhớ trước quên sau, còn mẹ tôi vẫn nhanh nhạy trong việc tiếp thu “công nghệ”, trí não được kích thích hoạt động càng tốt chứ sao!

Mới đây, khi được hỏi sao lâu nay không thấy xuất hiện trên “giang hồ facebook”, Q., một anh bạn, giải thích, mặt quạu đeo. Số là, khi biết anh cũng có tài khoản facebook, vợ anh lập tức kết bạn và cài đặt chế độ “thành viên gia đình”. Từ đó, mọi status, hình ảnh gì của anh đưa lên chị đều là người đầu tiên “lai, còm” như một cách xác định chủ quyền để “dằn mặt” friendlist của anh. Chưa hết, cứ anh bình luận hay trao đổi trên bất cứ dòng trạng thái hoặc tin tức của ai khác là chị cũng vào “lai” phần bình luận của anh khiến anh luôn có cảm giác bị chị theo dõi trên từng... cú click chuột. Ngược lại, anh cũng có “nhiệm vụ” được mặc định là phải “lai, còm” tất tần tật những gì chị đưa lên facebook. Hôm nào chị đưa status hay hình ảnh gì đó lên mà anh vì bận rộn hay có khi chỉ là vô tình lướt qua luôn là tối đó y rằng chị nặng nhẹ, giận hờn này nọ. Chị so bì, sao “nhà” người ta, anh lượn lờ còm, lai, chém gió kinh thế trong khi “nhà” vợ mình chẳng thấy anh léo hánh vào. Cứ nghĩ lên facebook là được tự do, ai ngờ bị quản thúc, canh me còn gắt gao hơn ngoài đời thực nên anh bực, đóng tài khoản luôn cho lành!
Khi tôi mới tập tành chơi facebook, chồng tôi sau vài lần liếc vào màn hình đã phán một câu mà tôi tin rằng bây giờ nếu có nhớ lại, chắc anh cũng thấy mình hồi đó sao nóng vội: “Ba cái đồ tào lao chỉ dành cho mấy người rảnh rỗi!”. Từ khi cậu con trai tạo tài khoản trên facebook, cu cậu chuyển qua liên lạc với bố mẹ qua facebook, thay vì những phương tiện truyền thống như nhắn tin hay gọi điện qua Mobifone. Thế là, chỉ vì để chuyển hướng liên lạc với con, anh cũng “sắm” cho mình một ngôi nhà ảo trên facebook để rồi từ đó, anh còn phát hiện ra nhiều tiện ích thú vị. Tối tối, cả nhà nằm cạnh nhau, mỗi người một Ipad hay điện thoại, con chỉ bố các thao tác trên facebook, bố thích thú khi thấy tấm ảnh gia đình mà con trai vừa chỉ cách post lên được hơn chục “lai”, kể cả “lai” từ cô giáo của con. Ai đó nói thế giới mạng đang chia rẽ các thành viên gia đình khi họ thực ra đang rất gần nhau về khoảng cách địa lý nhưng khoảng cách trong tâm tưởng lại rất xa. Tôi thì thấy ngược lại, ít ra là kết luận có phần cực đoan ấy không đúng với gia đình của mình nên không mấy khó chịu khi có người bảo “thì có cái gì mà nhà em không trưng hết lên facebook”!

Trong khi nhiều người lên án gay gắt, xem facebook như một kẻ tội đồ tạo ra sự cô đơn trên thế giới ảo cũng như làm lung lay các mối quan hệ xã hội ngoài đời thực thì với gia đình mình, tôi thấy facebook như một công cụ thú vị. Nếu không quá khắt khe, facebook vẫn là một kênh thông tin, giải trí rất phong phú, còn lành mạnh hay không, tốt hay xấu có lẽ do người chơi có biết chọn lọc hay không bởi cái gì chẳng có hai mặt của nó.

Đỗ Thu Vân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/binh-luan/ca-nha-cung-phay-621488.bld