Cả nước vui Tết Độc lập

Hôm qua 2-9, đường phố ở TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác tràn ngập sắc màu cờ hoa. Tại các bến xe, rất đông người dân tập trung mua vé đi chơi nhân dịp lễ Quốc khánh.

Hà Nội: Tràn ngập sắc màu cờ hoa Từ sáng sớm ngày 2-9, nắng vàng đã rực rỡ, các tuyến đường của thành phố đều tràn ngập trong sắc màu cờ hoa. Tại khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình đông kín người, ai cũng hân hoan cầm trên tay lá cờ Tổ quốc. Từ phía Bảo tàng Hồ Chí Minh, phố Ngọc Hà, hàng đoàn người xếp hàng ngay ngắn, trật tự nhích từng đoạn một vào Lăng viếng Bác. Trong những đoàn người vào Lăng viếng Bác, không chỉ có người dân Hà Nội mà còn rất nhiều người dân từ các tỉnh, thành phố khác tới, tất cả đều chung một tâm trạng bồi hồi, xúc động khi được vào viếng Bác đúng vào dịp kỷ niệm 65 ngày Tết Độc lập. Bác Nguyễn Thanh Minh, 69 tuổi, ở thị xã Sông Công, Thái Nguyên, tâm sự: “Được vào thăm Lăng Bác vào đúng dịp này khiến tôi và mọi người cảm thấy cuộc sống hòa bình, đất nước độc lập ngày hôm nay có ý nghĩa to lớn biết chừng nào. Hơn nữa, đây là dịp để con cháu và các thế hệ sau này hiểu rõ công lao to lớn và học tập, làm theo tấm gương ngời sáng của Người”. Năm nay, với Hà Nội, dịp Tết Độc lập cận kề với ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên rất nhiều người dân đã tranh thủ những ngày nghỉ lễ thăm lại những địa danh lịch sử thủ đô như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và đặc biệt là khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ rất đông người tới dâng hương. Dịp Quốc Khánh 2-9 năm nay do được được nghỉ dài ngày nên các khu vui chơi giải trí của Hà Nội như: Công viên nước Hồ Tây, Vườn thú Thủ Lệ, Công viên Lênin, Thiên đường Bảo Sơn và Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã quá tải ngay từ sáng sớm. Cùng với đó, tại một số trung tâm mua sắm lớn như Vincom, Parkson, siêu thị Big C… cũng rơi vào tình trạng đông nghịt khách do đang vào tháng khuyến mại. Một điều cũng rất đáng ghi nhận trong ngày Tết Độc lập ở thủ đô đã không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội thành. Nhiều tuyến đường trọng điểm, thường xuyên ùn tắc như Ô Chợ Dừa, Láng - Hòa Lạc, Cầu Giấy… đều khá thông thoáng. Thậm chí vào thời điểm sáng sớm và trưa, nhiều đường phố Hà Nội vắng bóng xe cộ, khiến nhiều người có cảm giác như ngày mồng 1 Tết Nguyên đán. Ngọn lửa thiêng lấy từ đền thờ vua Đinh ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình đã được hàng ngàn vận động viên tiếp rước về chân Tượng đài vua Lý Thái Tổ - Hà Nội vào sáng 2-9 theo hành trình “Rước đuốc về Thăng Long lịch sử”. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội tổ chức nhằm chào mừng Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi và để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử văn hóa 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống của thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình. Trước đó, cuộc hành trình được bắt đầu vào sáng ngày Quốc khánh với nghi lễ dâng hương, xin lửa thiêng tại đền Vua Đinh. TPHCM: Hàng ngàn người vui lễ Lãnh đạo TPHCM dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Bến Nhà Rồng Sáng 2-9, các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM; Dương Quan Hà, Chủ tịch UB MTTQ VN TPHCM cùng các đồng chí lãnh đạo TP, cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đồng bào, chiến sĩ 24 quận, huyện đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Bến Nhà Rồng (Bảo tàng TPHCM, chi nhánh TPHCM). Đến rạng sáng 2-9, trên quốc lộ 13, quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, đại lộ Bình Dương, nhiều công nhân ở các KCX-KCN sau khi tan ca đã xách hành lý ra đón xe từ trong Bến xe miền Đông ra về quê hoặc đi chơi lễ. Xe liên tục dừng dưới chân cầu vượt Sóng Thần, cổng KCX Linh Trung I, cổng Khu du lịch Suối Tiên đón khách khiến cho giao thông những nơi này rất lộn xộn. Nhân cơ hội này, xe dù - bến cóc tái xuất hiện, tập trung nhất ở địa bàn có nhiều KCN như Linh Xuân, Thủ Đức (TPHCM), Dĩ An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai). Dọc theo quốc lộ 1A, đoạn giáp ranh giữa TPHCM và Bình Dương, nhiều công nhân đội nắng, đội mưa chờ cả tiếng đồng hồ vẫn không đón được xe. Trong khi đó, nhiều người chọn vui chơi, mua sắm ở một số điểm vui chơi, giải trí, hệ thống siêu thị tại TPHCM, khiến các tuyến xe buýt, bến phà ở TPHCM quá tải. Ở một số tuyến xe buýt: Suối Tiên - Bến Thành, Suối Tiên - An Sương, Tân Vạn - Chợ Lớn, Thủ Đức - Chợ Lớn, Bến Thành - Đầm Sen, Bến Thành - Nhà Bè…, hành khách nêm chật xe. Một số tuyến xe buýt liên tỉnh như: Biên Hòa - TPHCM, Thủ Dầu Một - Suối Tiên, Bến xe miền Đông - Thủ Dầu Một… cũng quá tải. Tình hình diễn ra tương tự tại Khu du lịch Đầm Sen, khi xung quanh các tuyến đường dẫn vào đây có hàng ngàn người đứng đợi xe buýt, nhưng rất ít người may mắn bắt được xe. Do vậy việc tăng cường 500 chuyến xe buýt trên 20 tuyến đến các khu vui chơi dự kiến có lượng hành khách tăng cao, vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu người đi chơi lễ. Sáng cùng ngày, người và xe nối đuôi nhau gần 2km trên đường Huỳnh Tấn Phát để chờ phà sang Cần Giờ. Tại bến phà Cát Lái (phía quận 2, TPHCM), từ 8 giờ sáng 2-9, hàng ngàn phương tiện đã “rồng rắn” hàng trăm mét chờ qua phà. Để giải tỏa tình hình ùn tắc bên trong nhà chờ bến phà và người dân khỏi chờ đợi lâu, Ban Quản lý Bến phà Cát Lái đã cử gần 10 nhân viên trực tiếp ra đường bán vé cho khách. Bên cạnh đó, bến phà còn phối hợp với lực lượng bảo vệ tổ dân phố địa phương để điều tiết giao thông ở khu vực đường vào bến phà. Tối 2-9, tại khu A, công viên 23-9, TPHCM đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “65 năm - Tổ quốc tôi” chào mừng 65 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Chương trình đã thu hút hàng ngàn khán giả. Các nghệ sĩ đã cống hiến cho khán giả những bài hát ca ngợi một thời quá khứ hào hùng của dân tộc từ những năm tháng Bác đi tìm đường cứu nước, cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ… ĐBSCL: Tấp nập miệt vườn Nhiều khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn ở ĐBSCL trở nên quá tải với số lượng cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, khu du lịch Phù Sa nằm trên Cồn Ấu (dưới dạ cầu Cần Thơ) dịp này thu hút rất đông du khách. Bà Nguyễn Thị Phượng Trân, phụ trách tiếp thị Khu du lịch Phù Sa, cho biết, lượng khách ngày 2-9 tăng 4 lần so với bình thường. Khách đến đây rất thích phong cảnh thiên nhiên mát mẻ của Cồn Âu nằm giữa dòng sông Hậu, ngắm cầu Cần Thơ, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức hơn 20 món ăn đặc sản Nam bộ… Chiều 2-9, ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc Vườn du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thông tin, nơi đây thu hút gần 4.000 lượt khách, tăng 6 lần so với bình thường. Toàn bộ 30 phòng nghỉ dưỡng trong vườn du lịch được đặt kín từ nhiều ngày trước. Đa số khách đến đây từ khu vực ĐBSCL, TPHCM, miền Đông Nam bộ. Ngày 2-9, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã khai hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Tham gia có 30 thuyền đua cả nam và nữ. Đoạt giải nhất nam và nữ thuộc về làng An Xá, xã Lộc Thủy (quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Đây là giải đua có truyền thống hơn 450 năm. Tại Thừa Thiên - Huế, chiều 2-9, thống kê chưa đầy đủ từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, ngày lễ Quốc khánh, đơn vị mở cửa miễn phí các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế nên đã thu hút khoảng 10.000 khách tham quan. Hiện tại, các nhà nghỉ, khách sạn từ 2 - 3 sao trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đều đạt hơn 80% công suất phòng và sẽ tiếp tục tăng vào các ngày cuối tuần Người A rem hát Quốc ca Ngày 2-9, tại trụ sở UBND xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), hàng trăm người A rem đã hát Quốc ca, chào cờ mừng ngày Quốc khánh. Đây là lần đầu tiên người A rem có cuộc sinh hoạt tập thể sau hơn 3 tuần tập hát bài Quốc ca. Xã Tân Trạch là xã có nhiều người A rem sinh sống với hơn 400 nhân khẩu. Người A rem từ ngày rời hang đá đến nay đã 50 năm, chưa biết trồng trọt, chăn nuôi chuyên nghiệp nhưng trong họ luôn tự hào tình yêu quê hương bản quán. Hơn 600 người Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa) cũng đã có buổi lễ mừng Quốc khánh, mùa gặt thứ tư tự tay họ làm với sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng Đồn 585. Trong khi đó với hơn 300 nhân khẩu người Mã Liềng ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) cũng là tộc người ở hang đá được đưa ra định canh định cư, đã có cách mừng lễ Quốc khánh rất riêng. Cả cộng đồng cùng ra suối bắt cá, lên rừng lấy sản vật dâng lên bàn thờ Bác Hồ và hát những ca khúc biết hơn Bác Hồ, biết ơn Nhà nước chăm lo cuộc sống, thoát cảnh tối tăm. Một số hoạt động mừng ngày 2-9 tại TPHCM Video: MINH SĨ NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xahoi/2010/9/236127/