Ca phẫu thuật xuyên đêm cứu bé gái bị tai nạn giao thông nguy kịch

Sau 5 ngày được mổ cấp cứu, ngày 12-8, bé gái H.T.K.T. (14 tuổi, ngụ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã hoàn toàn thoát nguy kịch.

Trước đó vào đêm ngày 7-8-2017, bé được người nhà đưa tới Bệnh Viện Đa Khoa Xuyên Á (BVXA) trong tình trạng chấn thương vùng đầu nguy kịch do TNGT. Tính mạng em đã được bảo toàn sau ca phẫu thuật khẩn cấp ngay trong đêm: mở sọ, giải áp do máu tụ dưới màng cứng.

Các bác sĩ cho biết, em T. được sơ cứu tại BV địa phương, sau đó được chuyển ngay tới BVXA. Ghi nhận, cơ thể bệnh nhân có xây sát vùng đầu mặt, nhưng lơ mơ, chóng mặt, đi đứng loạng choạng. Ê kíp trực tại khoa Cấp Cứu thăm khám kỹ lưỡng và nhanh chóng hội chẩn cùng các bác sĩ Khoa Ngoại Thần Kinh.

Sau khi có các kết quả cận lâm sàng và chụp CT Scanner 160 lát, các bác sĩ thống nhất kết luận bệnh nhân bị máu tụ ngoài màng cứng hố thái dương phải, chèn ép mô não. Tình trạng em cần được phẫu thuật cấp cứu, được xếp vào một trong những bệnh cảnh nguy hiểm trong chấn thương sọ não. Nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể dẫn đến chèn ép não, hôn mê, thậm chí tử vong.

Hình ảnh vùng sọ não bị tổn thương qua chụp CT- Scan.

Bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ ngay lập tức, ê kíp các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên khoa Ngoại Thần Kinh trực tiếp thực hiện phẫu thuật. Dưới sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, các bác sĩ tiến hành mở sọ giải áp lấy máu tụ, sau đó đặt lại nắp sọ đồng thời đặt ống dẫn lưu.

Bệnh nhân đã hoàn toàn thoát nguy kịch sau 5 ngày được phẫu thuật.

Qua kiểm tra sức khỏe vào sáng ngày 12-8, các bác sĩ cho biết, tình trạng bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, điểm kiểm tra glasrow đạt 15 điểm, không có tình trạng yếu liệt.

Các bác sĩ cũng cho biết, tình trạng máu tụ dưới màng cứng sau TNGT thường dễ bỏ sót nếu không được theo dõi. Những người bị máu tụ ngoài màng cứng/dưới màng cứng thường có các triệu chứng tăng dần như: đau đầu, nôn hoặc buồn nôn, yếu nửa người, yếu hai chi dưới, rối loạn vận động, rối loạn thị giác, rối loạn thính giác, nói khó khăn,... hay nặng hơn là hôn mê.

Do đó, trong trường hợp bệnh nhân có những dấu hiệu như trên sau chấn thương đầu, người nhà nên lập tức đưa người bệnh đến những cơ sở y tế có chuyên khoa Ngoại Thần Kinh và có những phương tiện máy móc hiện đại như MRI, CT -Scan có khả năng tìm chính xác nguyên nhân từ đó chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/ca-phau-thuat-xuyen-dem-cuu-be-gai-bi-tai-nan-giao-thong-nguy-kich-453543/