Cà phê bao giờ hết ăn đong?

Sản lượng cà phê vụ 2013/2014 có thể giảm tới 15% so với niên vụ 2012/2013. Đây là vụ thứ 2 liên tiếp sản lượng cà phê Việt Nam sụt giảm. Xuất khẩu 10 tháng niên vụ 2012/2013 giảm trên 10% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Mất mùa được giá

Tính đến ngày 1/8/2013 giá cà phê nhân xô Tây Nguyên mặc dù đã giảm thêm 100.000 đồng/tấn nhưng vẫn đạt gần 40 triệu đồng/tấn. Giá cà phê robusta giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh giá FOB đạt 1.903 USD/tấn. Trên sàn Liffe tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 là 1.873 USD/tấn. Giá giao tháng 11 tương đương 1.869 USD/tấn.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, diễn biến giá cà phê trong và ngoài nước trong vài tháng trở lại đây có mức tăng giảm liên tục nhưng hầu hết từ giá thu mua trong nước đến giá cà phê xuất khẩu ra nước ngoài đa phần đều đạt mức kỳ vọng đặt ra.

Điển hình vào những tháng nhu cầu thế giới tăng cao, giá cà phê nhân xô tại khu vực Tây Nguyên có mức tăng mạnh 200-300 nghìn đồng, đẩy giá lên 44 triệu đồng/tấn. Theo đó, giá cà phê robusta giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh theo giá FOB cũng tăng lên 2.031 USD/tấn.

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê cacao Việt Nam (Vicofa) nhận định, với mức giá thu mua trong nước đạt từ 40 triệu đồng/tấn trở lên là bà con nông dân trồng cà phê đã bù đắp được chi phí và bảo đảm có lãi. Một phần do người nông dân đã biết cách bảo quản, dự trữ cà phê sau thu hoạch, đợi đến thời điểm giá cả phù hợp, thuận lợi mới bán.

Tuy nhiên, cà phê niên vụ năm nay được giá cũng còn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân khách quan như giá cà phê thế giới và việc… hạn hán, mất mùa trong nước khiến sản lượng cà phê sụt giảm đáng kể.

Theo thông tin từ các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại các tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn, thời tiết năm nay bất thường, mưa sớm vào đầu vụ làm hoa ra sớm bị rụng không đậu quả và ảnh hưởng tới đợt ra hoa chính kém tập trung do vậy cây bị yếu sức.

Thêm vào đó, tình trạng hạn hán kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5/2013 đã làm cho 5.000 ha mất trắng và 27.000 ha bị thiệt hại nặng. Hạn hán cũng làm cho bệnh gỉ sắt phát triển mạnh trên cây cà phê ở tỉnh Lâm Đồng.

Nhưng từ tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh lại có mưa quá nhiều gây rụng quả hàng loạt. Một vấn đề cơ bản và nguyên nhân sâu xa khác của tình trạng sản lượng sụt giảm là do số lượng cây cà phê già ngày một tăng kéo theo năng suất thấp.

Do tác động của các yếu tố trên, sản lượng cà phê vụ 2013/2014 có thể giảm tới 15% so với niên vụ 2012/2013. Đây là vụ thứ 2 liên tiếp sản lượng cà phê Việt Nam sụt giảm. Xuất khẩu 10 tháng niên vụ 2012/2013 giảm trên 10% so với cùng kỳ niên vụ trước. “Hiện tại, lượng hàng tồn kho cà phê trong nước còn rất ít. Vì vậy, xuất khẩu trong tháng 7 đã giảm và dự kiến trong tháng 8 và tháng 9 sẽ còn tiếp tục giảm” - ông Hải phân tích thêm. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá nội địa tăng trở lại bởi nguồn cung hạn chế.

Doanh nghiệp cà phê lao đao

Mặc dù niên vụ năm nay, người nông dân trồng cà phê vui mừng vì được giá nhưng vẫn không khỏi canh cánh trong lòng nỗi lo “được giá mất mùa” và “được mùa thì mất giá”. Còn đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê thì lại đang lâm vào tình cảnh khó khăn do nợ nần chồng chất và sản lượng xuất khẩu sụt giảm.

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cà phê tháng 7/2013 đã giảm 23,7% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so cùng kỳ năm trước.

Đồng thời số nợ xấu và có nguy cơ nợ xấu tín dụng của các doanh nghiệp ngành cà phê đã lên đến trên dưới 8.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê như CTCP Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, CTCP tập đoàn Thái Hòa là 2 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất nước và một số doanh nghiệp xuất khẩu khác. Không ít doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, nếu có thì cũng hoạt động cầm chừng.

Về vấn đề này, theo đánh giá của Vicofa, sở dĩ các doanh nghiệp trên lâm vào tình trạng khó khăn là do phương thức kinh doanh đã được các chủ doanh nghiệp tính toán dòng tiền sai lầm: đi vay ngắn hạn để đầu tư trung dài hạn trong bối cảnh thị trường cà phê phụ thuộc trực tiếp vào thị trường thế giới (giá cả, biến động tại 2 sàn New York và London).

Bên cạnh đó, không phủ nhận doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam luôn sử dụng phương thức bán trừ lùi xa mang tính chất rủi ro rất cao, trong khi phần lớn các doanh nghiệp tham gia lại không có hàng thực mà chủ yếu kinh doanh trên giấy nên rất dễ yếu thế.

Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa đồng ý cho thu mua tạm trữ cà phê nên đây cũng là một khó khăn khiến doanh nghiệp xuất khẩu không chủ động về giá. Vì vậy, kế hoạch về sản lượng và giá trị xuất khẩu của ngành cà phê niên vụ 2012 – 2013 năm nay sẽ khó đạt được chỉ tiêu – đại diện Vicofa khẳng định.

Theo đề nghị của Vicofa, Bộ NN&PTNT có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung mặt hàng cà phê thuộc đối tượng gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu (theo quy định tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ).

Đối tượng áp dụng đối với doanh nghiệp thực sự có hàng xuất khẩu có khó khăn về tài chính. Do thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thiếu vốn nên phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, vay ngắn hạn để trang trải các khoản đầu tư kho tàng, nhà xưởng, dây chuyền chế biến… nên đã gặp rất nhiều khó khăn, không cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s17/-/journal_content/ca-phe-bao-gio-het-an-dong