Cà phê Chồn và sự thật dã man

Nếu được tận mắt chứng kiến những chú chồn hương bị nuôi nhốt trong lồng, “gào khóc” phát điên vì bị giam trong cũi chật hẹp để hàng ngày “thải” ra thứ cà phê có giá hàng nghìn USD, thì hẳn nhiều người cũng chẳng còn hứng thú gì thưởng thức thứ cà phê “dã man” với động vật nữa.

Những hình ảnh đầy thương tâm đằng sau những ly cà phê Chồn

Cà phê Chồn (hay còn được gọi là Cà phê phân Chồn) là một trong những đồ uống đắt đỏ nhất trên thế giới. Giá thành của một ly cà phê Chồn trên thế giới dao động từ 30 – 100 USD, một mức giá chứng minh được rằng thứ đồ uống này đã được làm từ những nguyên liệu hiếm đến cỡ nào. Thế nhưng, đằng sau những ly cà phê ấy lại là những hình ảnh thương tâm của những chú Chồn hương bị “trước” quyền được sống trong môi trường tự nhiên.

Một nhóm nghiên cứu của tổ chức bảo vệ động vật PETA đã tới một vài trang trại được quảng cáo là nơi nuôi dưỡng những chú Chồn “hoang dã” tại Indonesia, Philipines và phát hiện ra những sự thật đáng buồn đằng sau những ly cà phê Chồn đắt đỏ. Họ trực tiếp nhìn thấy những con Chồn gầy guộc, mắc chứng viêm da và hội chứng “zoochosis” – xuất hiện ở những con vật bị nhốt khi chúng liên tục quay cuồng, chạy toán loạn, một biểu hiện “tăng động mạnh” khi chúng bị giam cầm trong buồn chán và tuyệt vọng bên trong những chiếc cũi chật chội.

Video được thuật lại bởi diễn viên Peter Egan, Anh Quốc

Những con Chồn bị nhốt trong những chiếc cũi dơ dáy, chật chội, bị “tước quyền” được hưởng tự do, bị cách ly khỏi thiên nhiên và môi trường hoang dã để phát triển. (Ảnh tại Surabaya, Indonesia)

Lý do những người làm cà phê nuôi Chồn trong những cũi sắt như vậy chứng tỏ một sự thật tàn khốc trong ngành công nghiệp này. Theo quy trình tự nhiên, để có thể tạo ra một kg cà phê phân Chồn, cần rất lâu và số lượng cà phê Chồn thu hoạch hoang dã chỉ đạt 500kg/năm (riêng tại Indonesia, một trong những quốc gia nổi tiếng với cà phê Chồn). Với mức giá 1000 USD/kg cà phê Chồn, cùng nhu cầu ngày càng cao vì sự quý hiếm này, thật dễ hiểu khi nhiều người sản xuất không đủ kiên nhẫn thu nhặt từngchút một trong tự nhiên mà họ bắt luôn Chồn hương nhốt trong những chiếc cũi để ép chúng ăn liên tục nhằm tạo ra sản lượng cà phê lớn hơn.

Hãy để những con Chồn tự ăn quả chín trên cây

Anh Toàn, một trong những người đã trực tiếp nghiên cứu và điều hành một chi nhánh cà phê Chồn của thương hiệu L.R cho biết: Những con Chồn có thính giác rất nhạy, chúng thường thích ăn những quả cà phê chín mọng trên cây, ít khi chọn những quả đã rụng. Quả phải đẹp, không có vết rệp, vết xước, nhựa bám hay có mùi lạ. Chúng có “bí quyết” riêng mà đến những người hiểu rất rõ về cà phê Chồn cũng khó có thể lý giải. Chỉ biết rằng, những con Chồn rất “tinh” và “kỹ tính”, chỉ những quả cà phê đạt tiêu chuẩn về chất lượng mới có thể được chúng chọn ăn. Cà phê Chồn trở nên đắt đỏ cũng là vì thế.

Anh cũng chia sẻ, người dân ở mảnh đất Bazan Tây Nguyên vẫn truyền tai nhau một câu chuyện: Khoảng đầu thế kỷ 20, khi miền Tây Nguyên còn thưa thớt dân cư, những đồn điền cà phê còn xen lẫn những đồi núi bạt ngàn, vốn là nơi cư trú của nhiều động vật hoang dã, trong đó có loài Chồn. Cứ từ tháng 8 đến tháng 12, các chú Chồn rừng lại lẻn vào các đồn điền cà phê, để thưởng thức những quả cà phê chín mọng trên cây. Bằng chiếc mũi siêu phàm của mình, chúng chọn những quả cà phê ngon nhất, rồi sau đó vài giờ, những hạt cà phê được tiêu hóa bán phần thải ra. Mỗi sớm mai thức dậy, người nông dân lại đi lượm những “cục phân” đó, phơi khô dưới ánh mặt trời, qua quá trình chế biến mà thành cà phê hảo hạng nhờ lũ Chồn. Tuy nhiên, cũng chính vì chính sách “đi vùng kinh tế mới” mà những cánh rừng ở Tây Nguyên dần thu hẹp lại do người dân đốt rừng làm rẫy, tệ nạn phá rừng và săn bắt thú rừng trái phép diễn ra công khai, ồ ạt. Đặc biệt là khi những món đặc sản thịt thú rừng đang “sốt” như “cầy hương” có mặt trên bàn nhậu thì loài Chồn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cà phê Chồn vì thế mà bị “thất truyền”. Huyền thoại về cà phê Chồn tưởng chỉ còn trong những câu chuyện truyền miệng.

Nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng, bỏ đói lũ Chồn trong những chiếc lồng chật hẹp thì chúng sẽ bắt buộc phải ăn để tồn tại. Thế nhưng, những con Chồn bị ngược đãi hoặc sẽ trở nên điên cuồng, gào thét, hoặc sẽ “phản đối” bằng cách ăn ít và tuyệt thực. Với những kiểu nuôi nhốt như vậy, những hạt cà phê Chồn loại này chắc cũng sẽ chứa không ít sự giận dữ, stress của lũ Chồn chứ chẳng còn phải là thứ cà phê hảo hạng, đậm chất thiên nhiên. Bởi vậy, chỉ khi tập tính ăn tự nhiên của lũ Chồn được tôn trọng mới có thể tạo ra được những ly cà phê Chồn thứ thiệt.

Anh Toàn kể một câu chuyện về một vị khách người Úc đến và mua cà phê Chồn của anh. Trước khi bà ra về, bà còn quay lại để hỏi rõ hơn quy trình làm cà phê Chồn của công ty ra sao, vì bà bị ám ảnh bởi hình ảnh những chú Chồn điên loạn trong cũi sắt. Tuy nhiên, khi nghe anh chia sẻ và xem những hình ảnh có thực tại trang trại cà phê Chồn tại Dak Lak, nơi tạo điều kiện cho những chú Chồn tự tìm cà phê chín trên cây và ăn thỏa thích, bà đã khóc và cảm ơn anh. Khách hàng không bao giờ quay lưng với một sản phẩm khi mà nó vẫn mang giá trị nhân văn. Hơn bao giờ hết, người ta vẫn muốn được thưởng thức vị thơm ngon, độc đáo của cà phê Chồn, nhưng, phải là cà phê được tạo ra từ những chú Chồn vui vẻ, ăn trái chín trên cây.

Hải Yến

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-am-thuc/ca-phe-chon-va-su-da-man