Ca sĩ Ngọc Châm sẽ mãi 'Vàng son'...

Số phận

Từng đi thi người đẹp, nhưng lại chẳng màng nghề người mẫu; từng đoạt giải trong cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội", nhưng không thi đậu vào Khoa Thanh nhạc của Trường Nghệ thuật HN. Thay vào đó, Ngọc Châm lại được chọn vào Khoa Múa của trường này. Vậy nhưng, trong thời gian học múa, chị lại chuyên “nhảy” sang Khoa Thanh nhạc để “học lỏm”… cuối cùng thì đến năm thứ hai, chị quyết định thi vào Khoa Thanh nhạc lần nữa và lập tức lọt vào danh sách những người đỗ đầu của khoa.

Sau 7 năm học, Ngọc Châm chọn cho mình một lối đi riêng - chuyên biểu diễn những ca khúc chủ yếu của các tác giả xưa, cũ (trước năm 1975). Chị bảo, với chị những ca khúc đó thật giàu cảm xúc, giàu chất thơ… có cảm giác như họ tâm sự thật gan ruột với nhân gian và đặc biệt, mỗi người có một phong cách thật đẹp, trữ tình và rõ ràng, mạch lạc. Những tác phẩm của họ mang những màu sắc khác nhau, không có ai trùng lặp phong cách của nhau.

Ngọc Châm cho rằng, người ca sĩ, không phải cứ có giọng hay, hát đúng kỹ thuật là thành công. Điều quan trọng là cô/anh ấy phải “bắt được” cái hồn của ca khúc, truyền cái hồn đó đến người nghe để họ cảm được. Chính vì lẽ đó, ngay từ khi bắt đầu nghiệp ca hát của mình, trước khi biểu diễn các ca khúc của một tác giả nào đó, bao giờ Ngọc Châm cũng tìm hiểu về tác giả một cách tỉ mỉ với lòng kính trọng vô bờ bến… Và dường như, cũng vì thế mà ở chị dần dần hình thành một sở thích, một thói quen tìm hiểu, học hỏi về những nhạc sĩ mà chị yêu quý.

Nhân duyên

Thói quen đó dần trở thành một niềm mơ ước. Mơ ước được “kể” lại cho nhiều người nghe về những tác giả âm thầm mang lại vinh quang cho biết bao nghệ sĩ, Ngọc Châm cho rằng, người ca sĩ đứng trên sân khấu, truyền tải những sản phẩm trí tuệ của người nhạc sĩ, mang lại sự nổi tiếng và tiền tài cho bản thân, nhưng nhiều khi những người nhạc sĩ ấy lại chưa được nhiều người biết đến. Cho dù tác giả có nổi tiếng đến đâu thì họ cũng chỉ biết đến cái tên, nhưng tính cách họ ra sao? Vì sao họ lại có thể sáng tạo được những tác phẩm “để đời” như thế? Sự ảnh hưởng của họ đối với âm nhạc VN như thế nào?... thì hầu như khán giả không quan tâm.

“Đó chính là lý do tôi quyết định tập trung đầu tư sản xuất loạt chương trình “Vàng son một thuở”. Mục tiêu của chương trình là không chỉ mang đến cho khán giả những ca khúc “đinh” của các tên tuổi lẫy lừng một thuở như Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9, Ngô Thụy Miên, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Vũ Thành An… mà còn có cơ hội để tìm hiểu về cuộc đời của nhạc sĩ cũng như hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm đó… Hay nói một cách ngắn gọn là chương trình nhằm tri ân các tác giả. Các tác giả ấy nếu người còn sống thì cũng đã có tuổi, quỹ thời gian không còn nhiều, họ vẫn luôn khắc khoải mong muốn được chứng kiến “những đứa con tinh thần” của mình được các thế hệ sau đón nhận như thế nào? Yêu thương, quý trọng họ ra làm sao và quan trọng nhất là họ biết mình không bị lãng quên.

Lúc đầu tôi cũng vô cùng lo lắng, vì để đầu tư cho một chương trình cần phải có hàng tỉ đồng. Lỡ không thành công thì số tỉ đồng ấy coi như bị “đốt sạch” trong một đêm. Nhưng vì ước mơ và ý tưởng đó đã được ấp ủ quá lâu rồi nên tôi vẫn quyết định thực hiện… Từ đó đến nay đã có 12 chương trình được ra mắt khán giả, trong đó, tôi vừa làm biên tập, vừa làm MC, thậm chí đôi khi làm cả ca sĩ… và thật may mắn, chương trình nào cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía khán giả. Tôi cho rằng, có được thành công ấy, chỉ có thể là nhờ nhân duyên. Nhân duyên đã “xúi bẩy” tôi chọn con đường này, nhân duyên đã khiến cho tôi được sự hỗ trợ về chuyên môn của nhiều người thân và của chính các tác giả, nhân duyên đã cho tôi may mắn được khán giả quan tâm và yêu thích chương trình… Tôi luôn biết ơn khán giả bởi chính họ đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh từ những bước đi đầu tiên, và tôi mong ước chặng đường đi rất dài đó của tôi sẽ luôn được họ đồng hành và dõi theo!” - Ngọc Châm giãi bày.

Tin bài đọc nhiều

LAN TRẦN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ca-si-ngoc-cham-se-mai-vang-son-657621.bld