Ca-ta có thêm 48 tiếng để thực hiện 'tối hậu thư'

Trong bối cảnh thời hạn cuối mà Ca-ta phải thực hiện “tối hậu thư” gồm 13 điểm của các nước A-rập đã chính thức kết thúc đêm 2-7, các nước này đã nhất trí gia hạn cho Đô-ha thêm 48 tiếng.

Ngày 3-7, theo AFP, Quốc vương Cô-oét An Xa-ba (Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah) đã yêu cầu A-rập Xê-út, Ai Cập, các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ba-ranh, gia hạn thời hạn cuối với Ca-ta. Cô-oét hiện đang thúc đẩy các nỗ lực hòa giải nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao được coi là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở vùng Vịnh. Hãng tin KUNA của Cô-oét cho biết, nước này đã nhận được phản hồi của Ca-ta về “tối hậu thư” gồm 13 điểm của các nước A-rập, song không cho biết liệu Ca-ta có bác bỏ "tối hậu thư" trên hay không.

Quốc vương Cô-oét An Xa-ba đã yêu cầu các nước A-rập gia hạn thời hạn cuối với Ca-ta. Ảnh: PressTV

Theo Reuters, trong khi các nước A-rập tuyên bố “tối hậu thư” của họ là "miễn bàn" về chuyện thay đổi và không có chuyện "cò kè bớt một thêm hai" thì giới quan sát khu vực và quốc tế nhận định trong bản yêu sách gồm 13 điểm, việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera có trụ sở tại Đô-ha; ngừng hỗ trợ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB); đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Ca-ta và hạ cấp quan hệ với I-ran, đều là những yêu cầu khó khăn đối với Ca-ta.

Trước đó, phát biểu trước báo giới tại thủ đô Rô-ma của I-ta-li-a sau chuyến thăm Mỹ, Ngoại trưởng Ca-ta, An Tha-ni (Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani), nhấn mạnh "tối hậu thư" của các nước A-rập không nhằm mục đích giải quyết chủ nghĩa khủng bố, mà là xâm phạm chủ quyền của Ca-ta. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ca-ta cho biết Đô-ha sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận những yêu cầu và quan ngại của các nước láng giềng. "Danh sách các đòi hỏi đó sẽ không được chấp thuận. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nhưng phải theo các điều kiện hợp lý", Ngoại trưởng Ca-ta An Tha-ni nêu rõ.

Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập A-bu Dết (Ahmed Abu Zeid) xác nhận Ngoại trưởng A-rập Xê-út, Ai Cập, các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ba-ranh sẽ gặp nhau tại Cai-rô để bàn về cuộc khủng hoảng ngoại giao với Ca-ta ngày 5-7 tới.

AP cho biết, A-rập Xê-út, Ai Cập, các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ba-ranh đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về tính hợp pháp của việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ca-ta, khẳng định rằng hành động này dựa trên việc thực hiện các quyền chủ quyền được bảo đảm bởi luật pháp quốc tế cũng như bảo vệ an ninh quốc gia của những nước này. Trong một tuyên bố chung được trình bày tại cuộc họp Hội đồng Thương mại Hàng hóa của WTO, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, 4 quốc gia này khẳng định rằng tất cả các biện pháp của họ phù hợp với các hệ thống quy định của WTO, theo đó cho phép các nước thành viên hành động nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào gây tổn hại đến an ninh, ổn định, quyền chủ quyền của những nước đó theo Điều 21 của Hiệp định Chung về Thương mại Hàng hóa. Điều 21 của Hiệp định Chung về Thương mại Hàng hóa của WTO quy định trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến quan hệ quốc tế, hiệp định cho phép các nước thành viên tiến hành các biện pháp mà họ coi là cần thiết để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia. Còn Điều 14 của Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ và Điều 73 của Hiệp định về lĩnh vực Sở hữu Trí tuệ, đã được các nước thành viên WTO ký kết, cũng bảo đảm tất cả quyền chủ quyền của thành viên, cho phép các nước thành viên tiến hành bất cứ thủ tục nào để bảo vệ sự ổn định và an ninh quốc gia trước bất kỳ sự xâm phạm nào.

Trong khi căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh chưa có dấu hiệu lắng xuống, ngày 3-7, Ngoại trưởng Đức Dích-ma Ga-bri-en (Sigmar Gabriel) đã kêu gọi các bên liên quan tiến hành một "cuộc đối thoại nghiêm túc" vì điều này không chỉ cần thiết để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà còn vì sự ổn định của một khu vực “vốn đang xảy ra nhiều khủng hoảng, căng thẳng và chiến tranh". Ông Dích-ma Ga-bri-en khẳng định Đức không đứng về bên nào, song cho biết căng thẳng ngoại giao này ảnh hưởng tới lợi ích của Đức trong khu vực. Ngoại trưởng Đức bày tỏ lo ngại rằng “sự không tin tưởng lẫn nhau và chia rẽ có thể làm suy yếu tất cả các bên liên quan cũng như toàn bán đảo A-rập".

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ca-ta-co-them-48-tieng-de-thuc-hien-toi-hau-thu-511451