Cả thế giới ngóng 'Kong Skull Island': Làm sao để tận dụng cơ hội 'vàng'?

“Chưa có nhiều bộ phim lớn được quay ở Việt Nam, do đó những gì chúng ta nghĩ về hiệu ứng của bộ phim cũng chỉ là kỳ vọng. Tôi cho rằng nếu chúng ta không có hành động gì thì khi xem xong phim và thời gian trôi đi, tất cả mọi thứ sẽ dần trôi vào quên lãng” – ông Nguyễn Châu Á – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Chua Me Đất (Oxalis)- bày tỏ.

“Kong: Skull Island” là siêu phẩm đầu tiên của Hollywood được Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng cấp phép quay tại Việt Nam. Ngày 10/3 tới đây, siêu phẩm này sẽ được công chiếu đồng thời ở Mỹ và Việt Nam với 3 định dạng: 2D, 3D và Imax 3D. Vậy chúng ta phải làm gì để có thể tận dụng được cơ hội vàng này.

Về vấn đề này, Báo điện tử Tổ Quốc đã ghi nhận những chia sẻ của ông Nguyễn Châu Á – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Chua Me Đất (Oxalis) về những kỷ niệm gắn với đoàn làm phim, về những ý tưởng quảng bá du lịch Việt Nam nhân dịp siêu phẩm này sắp ra mắt. Ông là người đã đóng góp nhiều thời gian, công sức trong nỗ lực chung để đàm phán đưa bộ phim về quay tại Việt Nam, hỗ trợ đoàn làm phim trong thời gian quay tại Quảng Bình, đồng thời là người bạn đồng hành của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts trong hành trình khám phá xuyên hang Sơn Đoòng vào cuối năm 2016. Oxalis cũng là đơn vị chủ động phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng video quảng bá du lịch Quảng Bình nhân dịp bộ phim “Kong: Skull Island” sắp công chiếu.

-Là người có nhiều thời gian tiếp xúc với với đoàn làm phim “Kong: Skull Island” từ quá trình đàm phán cho đến khi bộ phim kết thúc các cảnh quay tại Việt Nam (đặc biệt là anh đã đồng hành với đạo diễn của bộ phim- Jordan- trong hành trình khám phá Sơn Đoòng), xin anh chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ về đoàn phim và thành viên trong đoàn làm phim?

Chúng tôi bắt đầu cung cấp hình ảnh cho đoàn làm phim là đầu năm 2015, lúc đó chúng tôi cung cấp rất nhiều địa danh của Việt Nam, từ Đà Lạt, Nha Trang, Miền Tây, Quảng Bình, Ninh Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang...vì lần đầu tiên tiếp xúc và muốn cung cấp nhiều hình ảnh nhất có thể để cho họ chọn cho bối cảnh.

Ông Nguyễn Châu Á – Tổng Giám đốc Công ty Oxalis và đạo diễn Jordan Vogt-Roberts (Ảnh: Oxalis)

Sau nhiều lần trao đổi thì họ chốt 3 địa điểm là Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long. Các cuộc tiếp xúc với các đoàn khảo sát từ nhóm bối cảnh, sản xuất, hậu cần, hình ảnh, đạo diễn diễn ra thường xuyên trong suốt năm 2015. Trong quá trình quay phim thì toàn bộ thực hiện là do đoàn làm phim thực hiện, việc tiếp xúc với diễn viên hay đạo diễn là điều khó khăn đối với bất kỳ ai.

Chúng tôi tham gia với tư cách là đối tác địa phương, hỗ trợ bộ phận bối cảnh, sản xuất, làm việc với chính quyền địa phương, phụ giúp thương thảo trong các vấn đề đền bù cho người dân và cung cấp lao động vận chuyển và phục vụ trong quá trình quay phim. Thực ra trong quá trình làm phim khẩn trương, mọi người tập trung làm việc của mình, do đó cũng không ai nghĩ ngợi gì nhiều. Riêng với tôi, kỷ niệm khó quên là sau khi đàm phán gần xong thì phát sinh việc con đường vào địa điểm quay phim quá lầy lội và có thể xe chở thiết bị không tiếp cận được khu vực quay phim, nguy cơ đoàn làm phim có thể hủy quay tại Quảng Bình. Sau nhiều lần trao đổi và thuyết phục, thì đoàn làm phim quyết định rải đá đoạn đường 2.8km để xe tải có thể tiếp cận địa điểm quay phim và đó cũng là một việc làm tốt của đoàn làm phim khi đầu tư đoạn đường khô ráo để sau này người dân địa phương sử dụng. Ngày nay con đường được địa phương nâng cấp lên thành đường bê tông, bà con rất phấn khởi.

-Anh từng chia sẻ rằng “đừng ôm cây đợi thỏ. Việc xem phim và tìm đến Việt Nam du lịch chỉ là phỏng đoán”. Vậy theo quan điểm của anh, việc sau khi bộ phim bom tấn này được công chiếu và du khách tự tìm đến các điểm đến Việt Nam xuất hiện trong phim là điều khó xảy ra nếu chúng ta không hành động gì?

Chưa có nhiều bộ phim lớn được quay ở Việt Nam, do đó những gì chúng ta nghĩ về hiệu ứng của bộ phim cũng chỉ là kỳ vọng. Các cảnh quay thực hiện tại Việt Nam là để phục vụ cho bối cảnh trong phim, họ có thể dựng thêm, hoặc bớt đi một số thứ, do đó khi chúng ta xem phim sẽ khó mà nhận ra hoàn toàn cảnh đó thuộc ở địa điểm nào, đó là đối với những người đã tường tận các cảnh quan của Việt Nam. Còn đối với những người chưa biết gì về Việt Nam thì họ sẽ nghĩ chắc đó là cảnh đồ họa trên phim, rằng cảnh đó không phải thật và thông tin về việc quay phim ở Việt Nam chủ yếu là thông tin bên ngoài bộ phim, như báo chí đưa tin chứ còn bộ phim sẽ không nhắc đến tên Việt Nam.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta không có hành động gì thì khi xem xong phim và thời gian trôi đi, tất cả mọi thứ sẽ dần trôi vào quên lãng. Việc chúng ta cần làm để tận dụng cơ hội cả thế giới đón xem “Kong: Skull Island”, là tung ra các chiến dịch quảng bá ra thế giới, tận dụng tên của bộ phim để thu hút người tiếp cận chiến dịch quảng bá của mình. Các chiến dịch quảng bá không nhất thiết sử dụng các tư liệu của bộ phim mà là những hình ảnh đẹp nhất, những thông tin hấp dẫn nhất về vùng đất hay điểm đến mà chúng ta muốn giới thiệu. Ngoài ra, chúng ta cần liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu cao của du khách.

- Dư luận từng kỳ vọng bộ phim Kong: Skull Island sẽ là “mỏ vàng” để khai thác du lịch. Tuy nhiên, thực tế đoàn làm phim không để lại bất kỳ vật dụng gì liên quan đến bộ phim để có thể khai thác du lịch, vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thu hút khách?

Chúng ta cần hiểu rằng khi đoàn làm phim đến quay là họ quay theo từng bối cảnh nhỏ, riêng lẻ, sau đó khi về nước nước họ bắt đầu dựng phim và hệ thống các cảnh quay lại với nhau, những vật dụng trên hiện trường quay phim là tạm bợ, họ sẽ dọn đi hết khi thực hiện xong các cảnh quay. Việc chúng ta kỳ vọng sẽ giữ lại một số đạo cụ, hay dựng lại toàn bộ bối cảnh đã quay tại Việt Nam để phục vụ cho khách du lịch là không khả thi, vì tất cả những gì liên quan đến bộ phim đều có bản quyền.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts trong chuyến khám phá Sơn Đoòng (Ảnh: Oxalis)

Nếu có doanh nghiệp nào có nhu cầu tạo một phận đoạn của phim làm show cho khách du lịch xem thì sau khi xem phim, doanh nghiệp đó sẽ đánh giá tiềm năng của phân đoạn phim và tiến hành đàm phán mua bản quyền của hãng phim để dựng một phân đoạn như là show diễn cho khách tham quan, tương tự như Thái Lan đã thực hiện một phân đoạn của bộ phim Điệp viên 007 đã từng quay tại Thái Lan để trình diễn cho khách xem.

Những việc chúng ta cần làm hiện nay là nhân dịp công chiếu của bộ phim và những bài phỏng vấn của diễn viên, đạo diễn bộ phim có nhắc rất nhiều lần về việc bộ phim được quay ở Việt Nam, tần suất tên Việt Nam xuất hiện rất nhiều trên báo chí những ngày gần đây, theo tôi, đây là cơ hội quý giá để chúng ta tung ra các chiến dịch quảng bá du lịch trên các kênh, để nhiều người thấy rằng cảnh trên phim đẹp nhưng cảnh quan trên thực tế còn đẹp nhiều hơn. Những hoạt động này sẽ thúc đẩy khách quyết định đến Việt Nam.

-Quảng Bình là địa phương tỏ ra rất nhanh nhạy và năng động trong việc tận dụng sức nóng của bộ phim. Được biết, Oxalis cũng đầu tư phối hợp với Quảng Bình để xây dựng clip quảng bá du lịch Quảng Bình. Vậy mục tiêu của ông hướng đến là gì?

Quảng Bình là địa phương có sự tiếp xúc rất sớm với đoàn làm phim, lãnh đạo tỉnh đã có sự tiếp xúc với các đoàn khảo sát từ năm 2015, do đó cũng nắm bắt được nhiều thông tin để có sự chuẩn bị, tuy nhiên việc khảo sát hay nội dung của bộ phim luôn nằm trong vòng bảo mật do đó khó để trao đổi rộng ra bên ngoài. Lãnh đạo ngành du lịch cũng nhạy bén khi phối hợp với các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đồng thời xây dựng trang web giới thiệu du lịch bằng tiếng Anh để thu hút khách du lịch quốc tế. Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã huy động toàn lực lượng trong tỉnh tham gia vào chiến dịch quảng bá nhân dịp công chiếu phim “Kong: Skull Island” và Oxalis là một trong nhiều đơn vị tham gia vào kế hoạch đó, mỗi đơn vị làm một việc, cùng nhau hợp sức để đưa ngành du lịch Quảng Bình phát triển. Mục tiêu của chúng tôi là cùng phối hợo với chính quyền để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, từ đó nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi, trong đó có cả Oxalis. Thời gian tới đây, Quảng Bình sẽ tiếp tục nổ lực để đón nhiều đoàn làm phim lớn khác để góp phần quảng bá du lịch của tỉnh, với mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành "kinh đô của du lịch mạo hiểm" của châu Á và top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á trong vài năm tới.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chia sẻ những cảm nghĩ về vùng đất Quảng Bình

-Đến thời điểm này, khi bộ phim đã sắp ra mắt tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ những điều gì mà chúng ta cần rút kinh nghiệm khi Việt Nam có cơ hội đón những đoàn làm phim bom tấn của Hollywood đến để có thể tận dụng được các cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế?

Sau “Kong: Skull: Island”, tôi nghĩ, với cấp bộ và Chính phủ, khi có cơ hội đón các đoàn làm phim lớn đến quay, chúng ta cần đánh giá tiềm năng của bộ phim và tiến hành đàm phán về việc miễn giảm các loại phí, thuế, thậm chí đầu tư hạ tầng giúp đoàn làm phim tiếp cận hiện trường quay dễ dàng hơn, từ đó, chúng ta tiến hành đàm phán với hãng phim về việc thực hiện cho Việt Nam những video clip về những cảnh đẹp của Việt Nam, trong đó các diễn viên chính của bộ phim giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, mời gọi khách du lịch đến Việt Nam.

Kết quả tùy thuộc vào khả năng đàm phán cũng như các mức hỗ trợ từ phía chúng ta để hãng phim có thể làm nhiều việc cho chúng ta trong quảng bá, đây cũng là cơ hội tốt vì bình thường để mời một diễn viên nổi tiếng thế giới quảng bá cho du lịch Việt Nam thì chi phí sẽ vô cùng lớn. Đối với ngành du lịch thì nên chuẩn bị các sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, làm sao để khách du lịch đến họ hài lòng, nếu họ không quay lại thì họ cũng giới thiệu cho gia đình và bạn bè đến Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hà (ghi)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich/ca-the-gioi-ngong-kong-skull-island-lam-sao-de-tan-dung-co-hoi-vang-230631.html