Ca tử vong đầu tiên vì cúm A/H5N1 năm 2010: Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH chiều 28/2, ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, ngoài trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 ngày 23/2/2010, hiện chưa ghi nhận thêm ca nhiễm với loại virus cúm này.

> Bệnh nhân H5N1 đầu tiên tử vong trong năm 2010

Tình hình cúm A/H1N1 trong thời gian qua tuy ghi nhận lẻ tẻ nhưng WHO vẫn để mức báo động cấp 6 và chưa có dấu hiệu hạ thấp. Bộ Y tế vẫn chủ động lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho năm 2010.

Nguy cơ không nhỏ

Theo ông Nguyễn Huy Nga, trong dịch cúm A/H5N1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm giám sát, Bộ Y tế chịu trách nhiệm ở khâu phát hiện, chữa trị trên người. Trong thời gian gần đây đã ghi nhận 1 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 là bé gái 3 tuổi tại Khánh Hòa. Sau thời gian điều trị, hiện bé đã hồi phục, khỏe mạnh. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, mọi người trong gia đình bé và xung quanh không có ai bị bệnh tương tự. Không có hiện tượng gà vịt chết hàng loạt, gia đình bệnh nhi có nuôi gà nhưng không có hiện tượng gà ốm, chết. Khoảng gần 1 tháng trước, tại trại đà điểu (cách nhà bệnh nhi khoảng gần 1km) có hiện tượng đà điểu chết không rõ nguyên nhân.

Về trường hợp tử vong đầu tiên trong năm 2010 do cúm A/H5N1, ông Nguyễn Huy Nga cho biết, bệnh khởi phát ngày 13/2, bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị ở nhà và đến trạm y tế xã điều trị nhưng không đỡ. Ngày 21/2, bệnh nhân thấy mệt hơn, đau ngực, khó thở, được người nhà đưa đến điều trị tại Bệnh viện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng do virus - sốc nhiễm trùng nặng, bệnh nhân đã được hồi sức, điều trị tích cực. Bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân tử vong lúc 09h00 ngày 23/2. Điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân có tiền sử giết mổ và chế biến thủy cầm bị bệnh. Ngày 23/2, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1.

Về tình hình dịch cúm A/H1N1, ngày 15/2 ghi nhận một trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tại Hà Nội, hiện nay bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sức khỏe tốt. Đến ngày 19/2 cả nước đã ghi nhận 11.187 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có 58 trường hợp tử vong.

Tính từ năm 2003 đến nay, nước ta ghi nhận 113 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó có 57 trường hợp tử vong. Như vậy, số bệnh nhân mắc ít nhưng tỉ lệ tử vong cao. Trước tình hình đó, Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp: Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời; Không vận chuyển, mua bán, chế biến gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Tích cực triển khai công tác Y tế dự phòng

Theo Báo cáo số 147/BC-BYT, ngày 25/2/2010 của Bộ Y tế, công tác y tế tháng 2/2010 đã tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch: Thành lập các đội chống dịch cơ động; Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ, chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc, vật tư, hóa chất để hỗ trợ kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra dịch; Tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát, phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây qua đường cửa khẩu; Tăng cường kiểm tra y tế môi trường tại các nơi tập trung đông người như nhà ga, bến tàu, bến xe; Kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu vực chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, không vứt rác, đổ phế thải bừa bãi, giữ vệ sinh chung; Chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; Yêu cầu Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế tỉnh An Giang triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch và phối hợp với nước bạn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm; Tăng cường tuyên truyền về phòng chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung vào các dịch như cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp nguy hiểm; Hướng dẫn người dân không ăn thịt gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, thông báo cho cơ quan y tế và thú y địa phương khi phát hiện thấy có dịch trên gia cầm để triển khai các biện pháp xử lý kịp thời...

Trước đó, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh; Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm trên gia cầm tại các tỉnh đang có dịch cúm gia cầm.

Trúc Vy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20100301092459387p0c1000/ca-tu-vong-dau-tien-vi-cum-ah5n1-nam-2010-canh-bao-nguy-co-bung-phat-dich.htm