Cá voi hoa tiêu chết la liệt trên bờ biển New Zealand

Theo thông tin từ Cục Bảo tồn New Zealand (DOC), sáng nay (10/2), hàng trăm con cá voi hoa tiêu được phát hiện đã mắc cạn, nằm chết la liệt trên bờ biển Farewell Spit, vịnh Golden thuộc vùng đảo Nam nước này.

Với 416 con cá voi mắc cạn, đây được xem là vụ cá voi mắc cạn có số lượng lớn nhất tại nước này trong vòng nhiều thập kỷ qua. Được biết, trong tổng số 416 con mắc cạn, khoảng 316 con đã chết (chiếm khoảng 70%); hiện các nhân viên của DOC đang nỗ lực để giải cứu 100 con còn lại.

Peter Wiles, một trong những tình nguyện viên đầu tiên đặt chân đến Farewell Spit, chia sẻ: “Đó là những điều đáng buồn nhất tôi từng trải qua” khi anh nhìn thấy hàng trăm cái bụng trắng của những con cá voi tội nghiệp nổi lềnh bềnh trên những vùng nước nông.

Andrew Lamason, một nhà lãnh đạo của DOC tại thị trấn Takaka, cho biết mắc cạn là nguyên nhân lớn nhất gây ra vụ việc này, mặc dù ông cũng không biết tại sao đàn cá voi lại mắc cạn trong thời gian này tại đây, bởi Golden là một vịnh có mực nước nông, đàn cá khi bơi vào hầu như sẽ không thể thoát ra được.

Hiện các nhân viên của DOC và gần 500 tình nguyện viên đang tập trung vào việc giữ cho 100 con cá voi còn sống sót khỏe mạnh càng lâu càng tốt, đợi khi thủy triều lên cao sẽ đưa chúng về lại với đại dương.

Như vậy, vụ việc 416 con cá heo hoa tiêu mắc cạn tại Farewell Spit lần này đã trở thành vụ cá voi mắc cạn có số lượng lớn thứ ba trong lịch sử của New Zealand.

Lớn nhất là vụ việc vào năm 1918 khi 1.000 con cá voi đã mắc cạn trên bờ biển của quần đảo Chatham; tiếp ngay sau đó là vụ 450 con mắc cạn trên đảo Great Barrier, ngoài khơi bờ biển Auckland vào năm 1985.

Nhóm cứu hộ cá voi thuộc Dự án Jonah cho biết, New Zealand là một trong những quốc gia có tỷ lệ cá voi mắc cạn cao nhất trên thế giới với trung bình khoảng 300 con cá voi và cá heo mắc cạn mỗi năm.

Nói về lý do của việc cá voi mắc cạn, hiện các nhà khoa học vẫn chưa có những giải thích thỏa đáng. Tuy nhiên, từ lâu nó được cho là có nguyên nhân từ sự kết hợp của nhiều yếu tố như: cá voi già, ốm và bị thương thường dễ bị các loài khác công kích dẫn đến việc bơi vào các vùng nước nông; hoặc việc bị nhầm lẫn đường đi của những con cá voi dẫn đường cũng là một nguyên nhân phổ biến, đặc biệt là khi đuổi theo thức ăn đến gần bờ để tránh những kẻ săn mồi khác, điển hình là cá kình.

Theo hồ sơ của DOC, kể từ năm 1840, hơn 5.000 con cá voi và cá heo được ghi nhận đã mắc cạn trên các bờ biển của đất nước Kiwi.

Hà Lý (Theo The Guardian)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/ca-voi-hoa-tieu-chet-la-liet-tren-bo-bien-new-zealand-d54202.html