Các Bộ không chịu chung khu hành chính, ĐBQH than khó

ĐBQH bàn về quản lý và trụ sở tập trung, khó khăn trong thu hồi tài sản công vì cơ quan nào cũng muốn có trụ sở riêng.

Sáng 31/10, ĐBQH, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM- Nguyễn Thị Quyết Tâm trong phiên thảo luận tổ về dự án luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) đã nêu ra một thực trạng là cơ quan Bộ nào cũng muốn có trụ sở riêng.

“Trước đây, Chính phủ có ý tưởng xây khu hành chính tập trung cho các cơ quan Trung ương có cơ quan đại diện ở phía Nam nhưng không thực hiện được vì các bộ không ai muốn, ai cũng có một trụ sở riêng”- bà Tâm nói.

Bà Quyết Tâm cho rằng, báo cáo thẩm tra đề nghị áp dụng mô hình trụ sở tập trung nhưng cần phân biệt quản lý tập trung hay trụ sở tập trung.

“Có ý kiến đề nghị giao một bộ làm đầu mối quản lý các trụ sở ở Trung ương, tôi chưa hình dung quản lý thế nào có “đẻ” thêm bộ máy hay không cũng cần làm rõ”, đại biểu Quyết Tâm nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: PLO

Còn theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), dự luật đang quy định “nước đôi” về khu hành chính tập trung và trụ sở độc lập.

Dẫn trường hợp khu hành chính tập trung trị giá 2.000 tỷ đồng của Đà Nẵng, bà Quốc Khánh cho rằng, Đà Nẵng xây tòa tháp rất hay, nhưng tới khi muốn bỏ lại nêu lý do “không đảm bảo kỹ thuật”.

“Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi 2.000 tỷ đồng ngân sách đã bỏ ra xây trụ sở hoành tráng như vậy?”, bà đặt câu hỏi.

Vị nữ đại biểu Hà Nội bày tỏ, Chính phủ và các bộ ngành liên quan phải ngồi lại để xây dựng mô hình hành chính tập trung áp dụng chung cả nước. Ngoài ra, dự luật cũng cần “gia công” thêm theo hướng tăng trách nhiệm quản lý Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất.

“Công sở Nhà nước thì phải hướng đến cái chung, đồng bộ. Ở Malaysia, 8 bộ người ta tập trung ở tháp đôi, mình mỗi bộ một nơi”, bà nói.

Thu hồi tài sản công: Câu chuyện muôn thuở khó

ĐBQH Trần Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ lo ngại về bất lực trong thu hồi tài sản công không sử dụng.

"TP HCM có nhiều trụ sở bỏ trống không phải 2 năm mà mấy chục năm không làm gì cả, nhưng không thu hồi được... HĐND đi giám sát thấy thực tế này và đề nghị thu hồi để làm bệnh viện, trường học nhưng không được. Kể cả thành phố đưa đất, ứng vốn để xây dựng nhưng sau đó đề nghị giao lại trụ sở cũng không được”, bà Tâm.

Đồng tình với ý kiến này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết trong tài sản công, đất đai chiếm phần lớn nhưng việc quản lý hạng mục này rất bất cập. Thay vì các cơ quan nên điều chuyển, sắp xếp lại trụ sở nhưng lại muốn xây mới.

“Tôi nhớ có trường mẫu giáo ở quận 5 xuống cấp trầm trọng, trong khi đó có những trụ sở của bộ, ngành đóng tại TP.HCM lại bỏ trống.... Có những trụ sở của Bộ ở TP.HCM chúng ta có thể sử dụng cho cơ sở giáo dục, văn hóa. Ngay tại địa bàn quận 8, hàng loạt nhà kho, bãi của các bộ ở ven sông đang để lãng phí gây ô nhiễm môi trường của người dân gây bức xúc... Nhiều lúc địa phương đề xuất điều chuyển, thu hồi đất để xây dựng hạ tầng phục vụ dân sinh nhưng các bộ, ngành gây khó khăn, rồi phải thông qua Bộ Tài chính…” - ông Ngân nêu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: TTO

Theo ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Lai Châu), tài sản Nhà nước rất lớn, nhưng việc sử dụng lại kém hiệu quả, lãng phí, chưa kể bị lợi dụng để kinh doanh mà không kiểm soát được.

“Nhiều tài sản của các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương sử dụng đất đai, nhà cửa, thậm chí kể cả vỉa hè ở các thành phố lớn, nhưng tiền thu được vào đâu, vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân”, ông nói.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, tài sản công nếu đem ra kinh doanh đều phải được kiểm soát ở các góc độ khác nhau. “Doanh nghiệp hạch toán kế toán, quản lý qua hệ thống thuế, các cơ quan sự nghiệp kinh doanh cũng thế. Nếu không, tài sản công lớn, khai thác rất mạnh, nhưng tiền không vào Nhà nước”, ông Hiển nhấn mạnh.

Đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An)- Tổng Kiểm toán nhà nước thì đề nghị bỏ quy định các cơ quan Nhà nước (đơn vị sự nghiệp) được sử dụng các văn phòng, trụ sở, hội trường, xe… để cho thuê.

“Nếu cho phép cơ quan Nhà nước cho thuê lại tài sản công thì sẽ có tình trạng chạy theo lợi ích. Khi lập dự toán, đáng ra công trình chỉ làm 2 tầng thì người ta sẽ lập ra 5 tầng, đáng ra 2.000 m2 nhưng lập dự toán 5000 m2 để cho thuê. Cho thuê thì sau này sử dụng tiền này như thế nào?”, ông Phớc nêu quan điểm.

Công khai minh bạch để kiểm soát tài sản công

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết- Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM- đề nghị phải công khai tài sản công, đặc biệt là trụ sở. Cụ thể phần đất, căn nhà... đó do cơ quan nào quản lý địa chỉ nằm ở đâu, ai sử dụng.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất các quy định giám sát tài sản công giao cho lãnh đạo địa phương để theo dõi quản lý và phát hiện những trụ sở của cơ quan bộ, ngành bỏ trống, đồng thời có quyền thu hồi để đảm bảo hiệu quả.

“Tôi đề nghị thêm quy định giám sát của người dân và cơ quan truyền thông trong vấn đề tài sản công. Lâu nay nhiều vụ việc làm thất thoát tài sản nhà nước, hay tham nhũng đều do báo chí phát hiện, trong khi nội bộ cơ quan đơn vị lại không phát hiện ra.

Liệu rằng vai trò dân chủ trong nội bộ ra sao? Chi bộ, cơ quan biết sao không nêu tên được. Giám sát nhưng trên cơ sở nào, chế tài ra sao khi có kết quả giám sát đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức. Chúng ta sửa luật cần tạo ra quyền uy của pháp luật chứ không phải nói cho có” - bà Tâm nói.

Cúc Phương (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cac-bo-khong-chiu-chung-khu-hanh-chinh-dbqh-than-kho-3322015/