Các Chi cục kiểm tra sau thông quan khu vực hoạt động thế nào?

(HQ Online)- Quyết định 1384/QĐ-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), có nhiều điểm mới đòi hỏi hoạt động nghiệp vụ quan trọng này cần có sự chuyển biến phù hợp.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Quảng Bình. Ảnh: T.Bình .

Đáp ứng xu hướng quản lý hải quan hiện đại

Theo Quyết định 1384, điểm mới liên quan đến nhiệm vụ của Cục KTSTQ là quản lý DN ưu tiên (Nhiệm vụ này, Cục KTSTQ vẫn đang thực hiện nhưng nay mới được đưa vào Quyết định 1384). Cụ thể, Cục là đơn vị tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong ngành Hải quan thực hiện công tác KTSTQ và quản lý nhà nước về hải quan đối với DN ưu tiên; thực hiện KTSTQ và thẩm định, quản lý DN ưu tiên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo quy định của pháp luật.

Quyết định cũng quy định lại cơ cấu, tổ chức của Cục KTSTQ. Theo đó, Cục KTSTQ sẽ có 5 phòng tham mưu (hiện nay, theo Quyết định 1015/QĐ-BTC năm 2010, Cục KTSTQ có 7 phòng, trong đó có phòng làm công tác tham mưu, có phòng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp-PV) và thành lập mới 3 Chi cục KTSTQ trực thuộc Cục KTSTQ, gồm: Chi cục KTSTQ Khu vực miền Bắc (gọi tắt là Chi cục 1), Khu vực miền Trung (gọi tắt là Chi cục 2), Khu vực miền Nam (gọi tắt là Chi cục 3).

Việc quy định lại cơ cấu tổ chức và bổ sung nhiệm vụ của Cục KTSTQ phù hợp với xu thế quản lý hải quan hiện đại là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Đồng thời phù hợp với quy định của Luật Hải quan 2014, các văn bản hướng dẫn Luật và việc thực hiện Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS. Bởi Luật Hải quan 2014 quy định các Chi cục nơi làm thủ tục hải quan cũng có nhiệm vụ KTSTQ (trước đây nhiệm vụ KTSTQ chỉ do Cục KTSTQ và các Chi cục KTSTQ thực hiện).

Thực tế từ khi thực hiện quy định mới về KTSTQ của Luật Hải quan 2014 (ngày 1-1-2015) tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục đã phát huy những kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào kết quả chung của lực lượng KTSTQ cả nước. Đơn cử như 6 tháng đầu năm 2016, các chi cục nơi làm thủ tục thực hiện 2.190 cuộc kiểm tra, chiếm gần 72% tổng số cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan, thu nộp ngân sách hơn 212 tỷ đồng, chiếm hơn 66% tổng số thu từ công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan.

Hình thành các Chi cục: Không chồng lấn về nhiệm vụ

Với việc Bộ Tài chính đồng ý thành lập 3 Chi cục KTSTQ khu vực trực thuộc Cục KTSTQ, đã nhận được sự quan tâm, đó là khi triển khai thực tế các Chi cục này sẽ hoạt động thế nào để không “dẫm chân” lên lĩnh vực quản lý của các Cục Hải quan địa phương?

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Dương Phú Đông- Cục trưởng Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan) cho biết, việc thành lập 3 Chi cục kể trên đã được đưa ra trong Đề án tăng cường năng lực KTSTQ đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (theo Quyết định 1202/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 24-5-2013). Vì vậy, bài toán về lĩnh vực, địa bàn quản lý của cả 3 Chi cục đã được tính đến trong Đề án và đang tiếp tục được nghiên cứu để phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Theo đó, phương án đang được Cục nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan là xây dựng danh sách khoảng 600 DN XNK có quy mô lớn trên địa bàn cả nước (về tờ khai, kim ngạch, số thuế, thuộc các loại hình gia công, sản xuất XK, đầu tư, kinh doanh…) do Cục KTSTQ trực tiếp quản lý. Phương án này giống mô hình quản lý các DN lớn của Tổng cục Thuế do Vụ Quản lý thuế DN lớn thực hiện. Ước tính số lượng DN này chiếm khoảng 75% tổng giá trị kim ngạch XNK hàng năm của cả nước.

Ngoài danh sách khoảng 600 DN như dự kiến, với những vụ việc phát sinh có tính chất phức tạp Cục KTSTQ sẽ nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan để thực hiện.

Các Cục Hải quan địa phương sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra với các DN còn lại trên địa bàn (nằm ngoài danh sách do Cục KTSTQ quản lý). Như vậy sẽ không bị chồng lấn về nhiệm vụ và không gây khó khăn cho DN.

Về việc bố trí nhân sự, cơ sở vật chất cho các Chi cục, hiện chưa có phương án cuối cùng. Bà Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, nhân sự các Chi cục có thể từ nhiều nguồn như: Cục KTSTQ, các vụ, cục khối cơ quan Tổng cục, từ các Cục Hải quan địa phương hoặc tuyển dụng mới…

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cac-chi-cuc-ktstq-khu-vuc-hoat-dong-the-nao.aspx