Các chuyên gia đồng loạt ủng hộ tổ chức tiếp lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa đã đưa ra tại buổi tọa đàm 'Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng' diễn ra sáng ngày 7.9 do Bộ VHTTDL tổ chức.

Sau sự cố trâu số 18 đã húc chết chủ trâu tại vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa diễn ra đầu tháng 7 khiến dư luận bức xúc và Bộ VHTTDL đã phải vào cuộc thanh tra và tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Bộ đã tổ chức tọa đàm về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng.

Trong buổi tọa đàm rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa đều nhất trí cho rằng cần trả lại lễ hội chọi trâu cho nhân dân chứ không nên cấm lễ hội chọi trâu.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho biết, đây là hội chọi trâu nằm trong sâu tiềm thức con người vì thế không lý do gì để cấm đoán.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Hà

“Tôi ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu, không những thế cần tiếp tục từ đời này sang đời khác. Về giải pháp cho lễ hội chọi trâu, tôi thấy bàn tay quản lý của chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ, sát sao hơn nữa. Không để cho lễ hội chọi trâu bị biến tướng thành thương mại hóa lễ hội”- Giáo sư Tô Ngọc Thanh nói.

Giáo sư Nguyễn Chí Bền nói: “Không thể cấm các di dản văn hóa phi vật thể theo tư duy thời chiến tranh và bao cấp. Tôi ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu, tuy nhiên duy trì như cũ thì không được. Giải pháp là phải đổi mới tổ chức lễ hội, chúng ta đang nói đến con vật chứ không phải con người. Con vật nằm ngoài tầm tay của chúng ta, không thể tiên liệu. Tôi đã đọc dự thảo quy chế của lễ hội chọi trâu đồ sơn của Đồ Sơn nhưng chúng ta vẫn phải cần thận. Những giải pháp tường rào, xây dựng chắc chắn hơn cũng chỉ là giải pháp tình thế. Còn giải pháp chiến lược phải xây dựng mô hình đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.”

Giáo sư Trần Lâm Biền cũng đồng tình với việc không thể cấm lễ hội chọi trâu, bởi đây là lễ hội của dân. Tuy nhiên theo giáo sư Trần Lâm Biền, cần có giải pháp như thế nào về việc giết thịt trâu sau khi thi đấu, để không mất đi tính tâm linh. Trong lịch sử, lễ hội chọi trâu không giết trâu.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội văn học, văn nghệ dân gian Việt Nam nói: “Điều gì cũng bắt nguồn từ dân, từ cộng đồng, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn có tồn tại hay không do cộng đồng người dân Đồ Sơn quyết định chứ Bộ VHTTDL, hay các nhà khoa học có thể quyết định cấm hay không cấm. Chúng ta nên ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ tiếp tục lễ hội này” - Tiến sĩ Trần Hữu Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn cũng cho biết, Đồ Sơn cần tận dụng và biến lễ hội chọi trâu trở thành sản phẩm du lịch, tạo thương hiệu cho lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Tai nạn xảy ra ở vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017.

Phản biện ý kiến của Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho hay, trong thời điểm hiện tại không thể bỏ qua vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, và đó còn là vai trò cực kỳ quan trọng.

“Nói như anh Sơn là Bộ VHTTDL không có quyền cấm lễ hội chọi trâu là cũng không đúng, nếu như lễ hội tiếp tục xảy ra hiện tượng như thế thì cơ quan quản lý nhà nước phải cấm chứ. Tuy nhiên cơ quan quản lý đã làm gì và không làm gì khi sự việc xảy ra mới là câu chuyện đáng nói”, Tiến sĩ Lương Hồng Quang chia sẻ.

Kết luận tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết: "16 ý kiến đều thống nhất tiếp tục lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn, đây là tin vui, điều đáng mừng cho người dân Đồ Sơn nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Tuy nhiên các ý kiến đều đưa ra cơ quan quản lý địa phương cần xem xét giải pháp đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu. Quy mô, quy trình tổ chức lễ hội. Cần phải điều chỉnh quy mô lễ hội theo hướng thu gọn quy mô".

Trước mắt từ năm 2017 vòng đấu loại đã kết thúc, Bộ VHTTDL đề nghị gạt bớt trâu tham gia chọi. Nếu cứ tăng thêm các phường thì sẽ tăng thêm các cặp đấu, vì vậy giảm mỗi phường chỉ có một trâu giải nhất của năm trước tham gia năm sau. Thứ hai, những lễ hội chọi trâu năm sau bỏ vòng đấu loại, chỉ nên để một trận đấu duy nhất vào ngày mồng 9.8 âm lịch.

Về tình trạng thương mại hóa trong lễ hội chọi trâu, Bộ VHTTDL đề nghị UBND quận Đồ Sơn cần vận động không giết trâu, mổ trâu tại lễ hội tại các năm sau nếu tổ chức. Còn trước mắt tới đây nếu tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu thì cần có biện pháp kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát giá cả tại lễ hội. Bộ đề nghị niêm yết giá trâu bán công khai để tránh giá thịt trâu bán bị tăng quá cao.

Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn đã đưa ra những giải pháp khắc phục để tăng cường quản lý lễ hội.

Theo đó, ban tổ chức sẽ bổ sung các nội dung về tiêu chí các chủ trâu tham gia lễ hội. Việc lựa chọn, huấn luyện và chăm sóc trâu trong đó đặc biệt là việc sử dụng chất kích thích. Việc chủ trâu tham gia lễ hội sẽ phải được lựa chọn thông qua ý kiến bầu của đại biểu cộng đồng dân cư.

Về sân thi đấu, ban tổ chức lễ hội chọi trâu sẽ tăng cường lắp dựng thêm hàng rào bảo vệ trong sân, xây dựng trại trâu; thành lập hội đồng và tăng cường công tác kiểm tra chất lượng trâu tham gia lễ hội, gia cố đường thoát trâu zíc – zắc bằng cọc sắt, thu gọn diện tích sân thi đấu; tập huấn lực lượng bắt trâu, tổ trọng tài điều hành trong sân và hai cổng thoát trâu; Quy định số người dắt trâu vào sân thi đấu, vị trí của trọng tài, chủ trâu và trong quá trình thi đấu không có người đứng trong sân; Đưa ra các giải pháp xử lý đối với các trâu có biểu hiện bất thường.

Thanh Hà

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/cac-chuyen-gia-dong-loat-ung-ho-to-chuc-tiep-le-hoi-choi-trau-do-son-802829.html