'Các cô chú lãnh đạo có biết sinh viên ăn như thế nào không?'

Đây là câu hỏi của một sinh viên dành cho bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM khi bà Tâm đi tiếp xúc cử tri. Bà Tâm đã chia sẻ điều này trong kỳ họp HĐND TP.HCM sáng ngày 4/8.

Khung cảnh kỳ họp HĐND TP.HCM sáng nay.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay các đại biểu có buổi thảo luận tại hội trường về những vấn đề người dân thành phố đang quan tâm. Trong số này có rất nhiều ý kiến đề cập đến tình trạng “thực phẩm bẩn” tràn lan đang khiến người dân bức xúc.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế cho biết thời gian qua Sở Y tế đã phối hợp với các sở ngành liên quan như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nhằm xử lý vấn đề này.

Cụ thể, TP đã tăng cường phối hợp với các tỉnh kiểm soát sản phẩm nông sản, thực phẩm đưa về TP và ký kết với 22 tỉnh mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi.

“Trong 6 tháng đầu năm TP đã lập 712 đoàn kiểm tra 78.000 trường hợp phương tiện vận chuyển thực phẩm và phát hiện 8.000 vi phạm, tất cả trường hợp vi phạm đều được đăng trên website để người dân biết” – ông Bỉnh nói.

Cũng theo ông Bỉnh, thời gian qua Sở Y tế tập trung vào các trường hợp cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể và qua kiểm tra hơn 2.000 cơ sở ông cho biết kết quả rất đáng mừng vì đa số đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên vị Giám đốc Sở Y tế bày tỏ lo ngại về thức ăn đường phố. Ông cho biết hiện TP có 20.898 cơ sở kinh doanh loại hình này với hơn 25.000 người làm việc. Tuy nhiên qua kiểm tra chỉ có 52% số cơ sở đạt yêu cầu.

Trước những phản ánh về tình trạng sinh viên tại khu vực Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức) đang phải dùng đồ ăn không đạt yêu cầu, thậm chí ngay trong phần cơm căn tin của ký túc xá (KTX) cũng xuất hiện giòi, ông Bỉnh cho rằng Sở Y tế coi đây là điểm nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm và tới đây sẽ siết chặt quản lý hơn nữa.

“Không chỉ ở KTX mà bếp ăn tại những trường học khác cũng phải đầu tư lại cho đúng tiêu chuẩn. Sở Y tế đã yêu cầu các sở ngành phối hợp và thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra những bếp ăn này khi mua thực phẩm phải có nguồn gốc để khi xảy ra sự việc sẽ quy trách nhiệm” – ông Bỉnh cho hay.

Nói thêm về vấn đề này, bà Tâm cho biết trong buổi tiếp xúc với cử tri mới đây có một sinh viên đã hỏi bà rằng “Các cô chú lãnh đạo có biết sinh viên ăn như thế nào không?”. “Đòi hỏi bữa ăn sạch của các em sinh viên là chính đáng” – bà nói.

Cũng theo bà Tâm, các cơ quan chức năng cần quản lý để đảm bảo bữa ăn hàng ngày của người dân được an toàn. “Còn việc phối hợp tại vùng giáp ranh là trách nhiệm của chúng ta, không thể đổ việc đó cho dân” – bà Tâm cho hay khi có ý kiến cho rằng khu vực ĐHQG nằm giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM nên khó quản lý.

Bà Tâm nói: “Để xảy ra ngộ độc là đường cùng rồi, còn thức ăn bẩn ngấm từ từ mới là nghiêm trọng. Nếu mình chỉ nhắm đến khi có ngộ độc mới xử lý là chưa có trách nhiệm với người dân của mình. Chúng ta phải tính lộ trình dài như vậy”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công thương cũng cho biết tới cuối năm nay TP sẽ triển khai dự án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, với 5 chợ thí điểm là các chợ Bến Thành, Hòa Bình, Thái Bình, An Đông, Bàu Cát và hệ thống siêu thị của Sài Gòn Coop, Satra, Vissan.

Khi mua thịt tại đây người dân có thể kiểm tra nguồn gốc bằng chiếc điện thoại thông minh của mình thông qua một phần mềm (được tải miễn phí). Đây là một trong những giải pháp được TP kỳ vọng sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Nguyễn Cường

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cac-co-chu-lanh-dao-co-biet-sinh-vien-an-nhu-the-nao-khong-post205576.info