Các cơ sở y tế miền Trung gồng mình chống bão

Theo đại diện một số cơ sở y tế miền Trung, hiện các cơ quan này đang ra sức chống trọi với ảnh hưởng của cơn bão số 10 để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu người dân không may gặp nạn.

Gió mạnh tại Hà Tĩnh quật đổ biển quảng cáo. Ảnh internet

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, hiện nay thành phố đang mất điện. Một số bệnh viện phải phát máy nổ để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn có 38.000 bệnh nhân đang nằm viện điều trị, chưa có thống kê bệnh nhân tai nạn do bão lũ.

Cũng theo ông Tiến, để hạn chế đến mức nhất do bão số 10 gây ra đối với các cơ sở khám chữa bệnh, chiều 14/9 Sở Y tế đã thành lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại các cơ sở khám, chữa bệnh các huyện ven biển gồm: Lộc Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc và trên địa bàn TP. Hà Tĩnh.

Tại các đơn vị, đoàn tập trung kiểm tra hoạt động của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão; sự chuẩn bị sẵn sàng của các đội phẫu thuật lưu động, đội cấp cứu vận chuyển và đội phòng chống dịch; công tác 4 tại chỗ cho bệnh nhân; kiểm tra các dụng cụ phun hóa chất, ô tô, máy phát điện, áo phao... bộ trang thiết bị tiểu phẫu, các cơ số thuốc phục vụ cấp cứu cũng như thuốc Cloramin B…

Tại Quảng Bình, theo đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba, do ảnh hưởng của bão số 10, bệnh viện mất điện. Tại đây, ngoài những khu vực cần thiết được dùng máy phát điện, các bác sĩ phải dùng đèn pin của điện thoại để chiếu sáng, làm hồ sơ bệnh án.

Liên quan đến công tác y tế ở các tỉnh miền Trung ứng phó với mưa lũ, ngày 14/9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế có văn bản đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão số 10 cụ thể như sau:

Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị cần chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ số xe cấp cứu, trang thiết bị thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu 2 đội cấp cứu lưu động (lưu ý các cơ số phục vụ cấp cứu chấn thương) để kịp thời ứng cứu khi được lệnh điều động. Chủ động phối hợp với Sở Y tế địa phương và các tỉnh lân cận kiểm tra về việc chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu tại một số cơ sở khám, chữa bệnh.

Đối với Sở Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị khẩn trương chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát kiểm tra các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tập trung mọi nguồn lực, tổ chức triển khai di dời, bảo vệ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; bảo đảm an toàn cho người bệnh đang khám chữa bệnh tại bệnh viện, sẵn sàng thu dung, chăm sóc, điều trị kịp thời các trường hợp cấp cứu, chấn thương, giảm thiểu tử vong.

Đồng thời Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế rà soát kế hoạch khám, chữa bệnh cấp cứu, ứng phó tình huống khẩn cấp của địa phương và các đơn vị trực thuộc, dự trù đủ thuốc, vật tư trang thiết bị y tế, chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động và thiết lập bệnh viện dã chiến kịp thời trong tình huống khẩn cấp cần thiết, sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Bảo đảm liên thông đường dây liên lạc 24/24h với các đơn vị cấp cứu của các đơn vị trực thuộc để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi được điều động.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cac-co-so-y-te-mien-trung-gong-minh-chong-bao.aspx