Các địa phương cần trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng nay 28/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: H.T

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện tổng nguồn vốn của ngân sách trung ương đã phân bổ, giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2023 là 83.616,619 tỉ đồng, bao gồm vốn đầu tư công 48.216,812 tỉ đồng (bằng 47,24% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025), kinh phí sự nghiệp 35.379,807 tỉ đồng.

Về giải ngân vốn đầu tư của các chương trình, ước đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) khoảng 16.365,331 tỉ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.

Tuy nhiên, hiện nay còn 6 địa phương chưa hoàn thành ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động nguồn vốn theo quy định tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội; 7 địa phương chưa ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; 4 địa phương chưa ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 theo quy định.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, đồng tình với một số kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các CTMTQG đã đạt được trong thời gian qua bao gồm: mục tiêu về tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (bình quân đạt 3,4%); ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%); tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%); cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 11,3% so với cuối năm 2020; có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều đại biểu cũng đã tập trung phân tích, chỉ ra những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các CTMTQG hằng năm của giai đoạn 2021-2023, đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương hỗ trợ tháo gỡ.

Trong đó, nhấn mạnh việc cần nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành thuộc thẩm quyền của Quốc hội và gỡ vướng về thể chế thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương như cơ chế lồng ghép, xác định chi phí quản lý dự án, chi phí bảo trì công trình đặc thù, việc phân cấp trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất… Đồng thời đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG trong thời gian tới.

Quảng Trị đạt được một số kết quả bước đầu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng báo cáo khái quát tình hình triển khai các CTMTQG tại tỉnh Quảng Trị. Trong đó nêu rõ, việc thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Tỉ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 toàn tỉnh đến cuối năm 2022 là 14,93% (giảm 1,27% so với đầu năm 2022); tỉ lệ nghèo đa chiều huyện nghèo Đakrông 53,45% (giảm 3,72%); tỉ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số 67,55% (giảm 2,93%); tỉ lệ nghèo đa chiều xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển là 13,7% (giảm 2,92%).

Bố trí nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để thi công Công trình đường nội thôn Xuân Lâm, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông - Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, hiện nay toàn tỉnh đã có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 69/101 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 68,3%), trong đó có 2 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; năm 2022 có 10 xã đang được xem xét hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm tỉ lệ 9,9%).

Kế hoạch vốn năm 2022 đã giải ngân đạt 41,6%; phần vốn kế hoạch 2022 chưa giải ngân kéo dài thực hiện trong năm 2023 đã giải ngân đạt 51,9%; kế hoạch vốn năm 2023 đã giải ngân đạt 32,4%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kiến nghị các bộ, ngành trung ương cần tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị phổ biến, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương nhằm thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021- 2023.

Đồng thời thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn các CTMTQG, nhất là một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa hoàn thành nhiệm vụ theo phân cấp được giao; các dự án cơ bản vẫn theo mô hình cũ manh mún, nhỏ lẻ, quy trình thủ tục rườm rà.

Định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần trách nhiệm và quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện các CTMTQG. Kịp thời đôn đốc, chỉ đạo và nắm bắt, xử lý vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG, trong đó cần tập trung nghiên cứu các văn bản hướng dẫn mới để kịp thời triển khai tại địa phương.

Tinh thần là các địa phương phải chủ động triển khai, lồng ghép các nguồn vốn của địa phương nhằm phát huy hiệu quả các công trình, dự án.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Đảm bảo cân đối nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động vốn tín dụng chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực khác từ doanh nghiệp, các tổ chức, người dân, các đối tác nước ngoài.

Đồng thời các bộ, cơ quan trung ương cần tập trung nghiên cứu, chủ động đề xuất chủ trương đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2026-2030… Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng Chính phủ và bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt nhất báo cáo trình đoàn giám sát của Quốc hội.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/cac-dia-phuong-can-trach-nhiem-va-quyet-liet-hon-nua-trong-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/179374.htm