Các địa phương khắc phục thiệt hại do bão

* Hoàn lưu bão số 10 gây mưa lớn; nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía bắcTrung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn cảnh báo: Hoàn lưu bão số 10 gây mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng, vùng trũng thấp tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Đặc biệt là các huyện: Sa Pa, Văn Bàn, Bát Xát (Lào Cai); Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình (Yên Bái); Mai Châu, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy (Hòa Bình); Sốp Cộp, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên (Sơn La); Mường Lát, Hồi Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành (Thanh Hóa); Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An); Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh).

* Ngày 16-9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai có Công điện số 66 gửi Công ty Thủy điện Hòa Bình, yêu cầu đóng tất cả các cửa xả đáy; một cửa vào hồi 9 giờ, một cửa vào hồi 15 giờ ngày 16-9. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai và các đơn vị liên quan để có quyết định điều hành phù hợp tình hình thực tế.

* Theo báo cáo nhanh của các địa phương, thiệt hại bước đầu từ bão số 10 tính đến sáng 16-9: đã có bốn người chết (ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế), 21 người bị thương; 33 nhà bị sập, 121.289 nhà bị tốc mái và hơn 6.200 nhà bị ngập; 4.284 ha cây công nghiệp và cây ăn quả, 2.240 ha hoa màu bị thiệt hại... Hàng nghìn cột điện hạ thế bị đổ gãy gây mất điện trên diện rộng tại chín tỉnh với 1,3 triệu khách hàng.

* Tại tỉnh Quảng Bình, đến chiều 16-9, bão số 10 đã làm hai người chết, bốn người mất tích và 51 người bị thương, gần 52 nghìn nhà bị tốc mái, trong đó hơn một nửa thiệt hại 50% trở lên; hơn 20 nghìn ha cao-su và cây lâu năm bị gãy đổ; hai tàu bị trôi, sáu tàu bị chìm; gần 2.000 cột điện các loại và hơn 120 km đường dây bị đứt, gãy đổ; hệ thống đê kè bị hỏng nặng. Ước tính thiệt hại 3.700 tỷ đồng. Công an tỉnh Quảng Bình đã huy động hơn 1.500 lượt cán bộ, chiến sĩ về tại các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, TP Đồng Hới giúp dân.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, đã 10 người bị thương, làm 2.268 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái. Hơn 3.270 ha cây cao-su, hồ tiêu và hàng nghìn cây lâm nghiệp bị gãy đổ; hàng trăm ha lúa, hoa màu bị hư hại và ngập úng... Thiệt hại ước tính hơn 800 tỷ đồng. Ngay trong sáng 16-9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Quảng Trị đã điều hơn 300 chiến sĩ về giúp dân khắc phục hậu bão số 10. Chính quyền cơ sở cũng điều động các đội xung kích về giúp dân lợp lại nhà ở.

* Trong hai ngày 15 và 16-9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đi kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp dân khắc phục hậu quả mưa, bão. Thị xã Hương Thủy đã huy động toàn bộ lực lượng phối hợp các hộ dân khắc phục, sửa chữa, lợp lại gần 500 nhà bị tốc mái, hư hỏng do trận lốc lớn gây ra trong đêm 14-9. Trước mắt, UBND thị xã Hương Thủy sẽ hỗ trợ một tỷ đồng giúp 200 hộ dân bị thiệt hại nặng về nhà ở bị tốc mái.

* Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trụ điện số 48 đường dây 220 kV Vũng Áng - Đồng Hới bị gãy gần đỉnh cột, trong đêm 15-9, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã huy động gần 200 người triển khai tập trung xử lý khắc phục sự cố, dự kiến hoàn thành việc xử lý và khôi phục vận hành trong ngày 18-9. Lưới điện 110kV đã được khôi phục vận hành bình thường. Đối với lưới điện trung, hạ áp, đến nay, các đơn vị đã khắc phục xong và cấp điện trở lại cho một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề gồm: Trung tâm của TP Đồng Hới (Quảng Bình), trung tâm của các thành phố, huyện của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hoàn lưu bão gây mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở TP Thanh Hóa ngập nặng trong ngày 16-9. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

* Tại tỉnh Thanh Hóa, chính quyền, nhân dân các địa phương đang nỗ lực khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện, Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu vận hành 30 trạm, hơn 100 máy bơm tiêu có công suất máy trung bình từ 1.400 m3 đến 4.500 m3/giờ để bơm tiêu nước chống úng cho cây trồng. Huyện Tĩnh Gia tập trung tiêu úng, huy động vật tư, phương tiện cùng hơn 1.000 người khắc phục các sự cố sạt lở, bảo vệ các tuyến đê, kè, cống có nguy cơ. Tại huyện Bá Thước, mưa lớn gây sạt lở quốc lộ 15C, một số đường liên xã, giao thông từ huyện lỵ đi các xã ách tắc; các lực lượng chức năng đã canh gác, cắm biển báo tại nơi nguy hiểm.

* Ngày 16-9, đề phòng dịch bệnh phát sinh sau bão, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các tỉnh Bắc Bộ khẩn trương chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau bão, lụt. Kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt.

* Do ảnh hưởng bão số 10, một số đoạn đê biển thuộc xã Hải Hòa, đê kè biển Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (Nam Định) bị sạt lở rất nặng, nhất là tuyến đê khu vực Cồn Tròn, xã Hải Thịnh bị sạt lở hơn 1 km phía nội đồng. Nhiều khu vực, cấu kiện bê-tông xếp ở đỉnh kè bị sóng đánh trải ra mặt đê khiến giao thông bị cản trở.

* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, tỉnh Hòa Bình có mưa to, đến rất to. Lượng mưa có nơi hơn 200 mm như tại xã Pù Bin, huyện Mai Châu; xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy 143 mm, huyện Tân Lạc 122 mm, huyện Lạc Sơn 106,6 mm và huyện Kim Bôi là 122,7 mm. Tại huyện Lạc Sơn, một người chết khi đi qua suối, ngầm bị lũ cuốn trôi.

* Đêm 15 và ngày 16-9, toàn tỉnh Yên Bái có mưa vừa đến mưa to đã làm đường tỉnh 174 (Văn Chấn - Trạm Tấu) bị tắc đường tại hai vị trí là Km 9 và Km 24 do sạt lở ta-luy dương và nước ngập sâu ngầm tràn. Đường tỉnh 175b (Mù Cang Chải - Mường La) tại Km 24 bị sạt lở ta-luy dương dài 100 m, các phương tiện không lưu thông được. Các ngành chức năng đã cắm biển cảnh báo tại các khu vực bị ngập úng, sạt lở, phân luồng giao thông và san gạt đất đá, bước đầu bảo đảm giao thông.

* Tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cơn bão số 10 đã làm hàng loạt cây cối đổ gãy đè lên đường điện hạ thế, khiến cả huyện mất điện hoàn toàn. Ngay sau khi cơn bão đi qua, điện lực Vĩnh Linh đã triển khai lực lượng kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, sửa chữa đường dây, cấp điện cho thị trấn Hồ Xá và một số xã.

* Sáng 16-9, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn hỏa tốc số 7121/UBND-NN về việc bỏ lệnh cấm biển, cho phép ngư dân ra khơi đánh bắt thủy sản và hoạt động trên biển kể từ 11 giờ ngày 16-9. Tại huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, trưa 16-9, ít nhất 50 tàu thuyền công suất lớn đã ra khơi đánh bắt hải sản.

* Đến chiều 16-9, mưa lớn làm một học sinh lớp 6 tại huyện Phù Ninh bị nước cuốn trôi khi đi học về. Nhiều tuyến phố của TP Việt Trì (Phú Thọ) cùng 97 ha lúa và 17 ao nuôi trồng thủy sản bị ngập úng; hơn 50 ha hoa màu tại huyện Thanh Thủy, Lâm Thao bị ngập úng.

* Thống kê sơ bộ, tỉnh Thái Bình có gần 1.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do úng ngập, dập nát; khoảng 2.000 ha đầm nuôi ngao và hơn 3.000 ha nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính bị thiệt hại nặng; gần 20 km bờ bao ngoài đê chính thuộc huyện Kiến Xương, Vũ Thư bị ngập nước và hư hại; một số đoạn kè ở Thái Thụy, Tiền Hải bị sạt lở. Riêng khu vực bãi biển cồn Vành, xã Nam Phú (huyện Tiền Hải) bị thiệt hại nặng nề khi triều cường ăn sâu vào đất liền hơn 20 m.

* Chiều 16-9, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đã có hơn 5.000 trụ tiêu ở huyện Đác Đoa bị tổn thất nặng nề do mưa kèm lốc xoáy. Tại xã Đắk Krong có 12 hộ bị thiệt hại nặng, tập trung ở thôn Đê Thung với hơn 3.000 trụ bị gãy đổ (trong đó, có 2.000 trụ tiêu kinh doanh). Tại xã Đắk Sơ Mei, có 12 hộ bị thiệt hại do lốc xoáy làm gãy đổ nhiều diện tích hồ tiêu và cây hoa màu.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34110802-cac-dia-phuong-khac-phuc-thiet-hai-do-bao.html