Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5

Mặc dù các địa phương đã hết sức chủ động đối phó, nhưng bão số 5 cũng đã gây ra một số thiệt hại đáng tiếc về người và làm hư hại nhiều tài sản, mùa màng của người dân. Thống kê đến 18h chiều ngày 4/8, cả nước đã có 6 người thiệt mạng do bão tại Hòa Bình, Quảng Ninh và Bắc Kạn. Hiện, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố cùng chính quyền địa phương các huyện, xã, thị trấn huy động các lực lượng, phương tiện để khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, bão số 5 đã làm 3 người dân thiệt mạng.

Nạn nhân là anh Nguyễn Đăng Huấn (SN 1978) cán bộ Kiểm lâm huyện Đà Bắc, bị lũ cuốn trôi vào khoảng 19h ngày 3/8, khi đi làm nhiệm vụ về qua đoạn suối Trầm, xã Tân Minh. Thi thể đã được tìm thấy vào lúc 9h ngày 4/8. Hai nạn nhân khác là 2 vợ chồng anh Bùi Văn Nhân (SN 1983) và chị Ngô Thị Mai (SN 1981) bị lũ cuốn trôi khi đang đi về nhà bố mẹ vợ chơi ở khu vực xã Tây Phong, huyện Cao Phong vào khoảng 15h ngày 3/8. Các thi thể cũng đã được tìm thấy lúc 7h ngày 4/8.

Ngoài các mất mát về người đáng tiếc trên, một số nơi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng bị thiệt hại như: xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình sạt lở khoảng 100m3 đất ở khu vực Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, 2 nhà dân bị đất đồi sạt vào nhà; 150ha lúa ở xã Phú Cường, huyện Kỳ Sơn bị ngập; vỡ một ao cá ở phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình và ngập úng khoảng 500 nhà dân.

Tại Bắc Kạn, mưa lũ cũng làm 1 người chết, ngành Giao thông bị thiệt hại nặng nề. Mưa lũ làm chết 1 nạn nhân là ông Hoàng Nguyên Tài, SN 1949, trú tại thôn Làng Giao, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới; trên 70 nhà bị sập, tốc mái; trên 180ha lúa mới cấy của bà con cũng bị ảnh hưởng nặng.

Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị ách tắc do sạt lở đất, đá. Tuyến quốc lộ 3, đoạn từ Thác Giềng đi Chợ Mới có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng ở Km 118, 129, 130 với khối lượng sạt lở trên 20.000m3 gây tắc đường theo hướng từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, sau thời gian nỗ lực khắc phục đến nay cơ bản đã thông xe. Nhiều tuyến như quốc lộ 3B, tỉnh lộ 257B cũng có nhiều đoạn sạt lở.

Tại Quảng Ninh, vào khoảng 14h20 ngày 3/8, tại đoạn đường từ phường Vàng Danh sang xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) chiếc ôtô tải BKS: 14P – 4600 do gặp lúc trời mưa to, xe chết máy và bị lũ cuốn. Vụ tai nạn khiến hai người tử vong là lái xe Phạm Văn Bang (SN 1964) và phụ xe là Hồ Ngọc Tới (SN 1965). Tới 21h20 cùng ngày, thi thể anh Bang đã được tìm thấy cách hiện trường hơn 2km, còn thi thể anh Tới đã được tìm thấy cách điểm xảy ra tai nạn hơn 5km.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo khắc phục sự cố sau bão tại Nam Hòa, Quảng Yên. Ảnh: CTV.

Tại TP Hạ Long, gió bão đi qua để lại hậu quả nghiêm trọng. Toàn bộ hệ thống bờ kè ven biển dài khoảng 500m tại khu vực Bến Đoan đã bị sóng biển đánh hỏng. Thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Ninh, bão số 5 đi qua đã gây thiệt hại cho địa phương này khoảng 10 tỷ đồng.

Tại Điện Biên, mưa bão cũng làm 3 người bị thương và làm tê liệt tuyến quốc lộ 279 trong 15 giờ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5, tại một số địa phương của tỉnh Điện Biên đã xảy ra mưa rất to kèm theo gió giật, làm 3 người bị thương, một số gia đình bị ngập úng, nhà bị tốc mái.

Để chủ động đối phó với mưa, lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; chủ động đôn đốc các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc về diễn biến mưa, lũ để phòng, chống kịp thời.

Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo biên phòng các tỉnh triển khai công tác khắc phục hậu quả tại địa phương, đồng thời đề phòng triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập lụt, phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát tình hình địa bàn triển khai các phương án chống mưa, lũ.

Quốc lộ 279 đoạn từ thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang đã tê liệt từ 20h ngày 3/8 đến 11h ngày 4/8. Trận mưa xảy ra vào hồi 17h ngày 3/8 đã làm cháu Quàng Văn Cương ở xã Mường Khoong, huyện Tuần Giáo đi chăn bò về qua suối, bị nước cuốn trôi cả người và gia súc. Rất may cháu Cương đã được nhân dân địa phương cứu thoát, song 3 con bò đã bị chết đuối. Tại xã Noong Luống (huyện Điện Biên), mưa bão đã làm đổ 2 gian nhà gỗ, làm 2 người bị thương, 25 nhà bị tốc mái, trong đó có 15 nhà bị hư hỏng nặng.

Thành phố Hải Phòng có 1 nhà bị cháy do chập điện, sập 1 nhà mái tôn, sập 100m² mái tôn trụ sở văn phòng, tốc mái 3 nhà, xưởng; ảnh hưởng tới năng suất của 50ha rau màu, vỡ 1 bè nuôi thủy sản; đứt 3 phao dẫn luồng khu vực bến Bèo (Cát Bà), sạt 35m đường 356 (Cát Bà), đổ gãy 35 cây xanh; đứt đường dây 35KV tại xã Phù Long và đường hạ thế tại xã Hiền Hào, Cát Hải.

Tỉnh Bắc Giang có 1 người bị thương, hơn 1.500ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Ngày 2/8, đã xảy ra sự cố sạt lở bến Gốm đê bối Dương Đức, xã Dương Đức, chiều dài cung sạt từ 8-10m, ăn sâu vào chân đê từ 2-2,5m. UBND huyện Lạng Giang đã chỉ đạo bạt mái, giảm tải, đóng cọc và dùng bao tải đắp xử lý, hoàn thành hồi 11h ngày 3/8.

Tỉnh Bắc Ninh có diện tích hoa màu các loại bị hư hại 745ha.

Tỉnh Lạng Sơn có 1 nhà bị sập, 105 nhà tốc mái và 1 trụ sở UBND xã, đổ 1 cột truyền hình, 1 cột điện và một số cây trên tuyến đường của huyện Đình Lập, Lộc Bình.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, từ trưa 3/8 đến rạng sáng 4/8 trên địa bàn Lào Cai có mưa, mưa rào trên diện rộng và có nơi có dông. Lượng mưa phổ biến từ 50-70mm. Tại sông Chảy, vào lúc 8h sáng 4/8, mực nước đã dâng vượt cấp báo động I là 66cm (đến 71,66m), biên độ lũ đạt mức 3,04m và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo Ban PCLB tỉnh Lào Cai, hiện mưa vẫn đang tiếp diễn, lũ trên sông Hồng và sông Chảy vẫn đang tiếp tục lên. Vì vậy, người dân sinh sống dọc hai bên vùng thấp ven sông Hồng, sông Chảy và các vùng núi cao cần theo dõi sát sao tình hình mưa lũ để có biện pháp phòng tránh trượt lở đất và lũ ống, lũ quét

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2013/8/205627.cand