Các địa phương tăng cường phòng chống dịch

Trước tình trạng xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên đàn bò tại thành phố Tam Kỳ, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương rà soát, khoanh vùng tiêu độc khử trùng để khống chế, không để bệnh lây lan.

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, vừa qua bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện trên đàn bò của các hộ dân thuộc phường An Phú và phường An Mỹ.

Theo đó, tại phường An Mỹ, hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Sĩ có 1 con bò bị mắc bệnh; tại phường An Phú có 5 hộ chăn nuôi với tổng đàn 17 con thì có tới 11 con mắc bệnh lở mồm long móng. Triệu chứng bệnh được phát hiện trên đàn bò như miệng lở, rụng răng, móng chân rớt ra…

Ngay sau khi phát hiện bệnh, UBND thành phố Tam Kỳ đã chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp cùng các địa phương rà soát toàn bộ gia súc, thông tin khu vực đã xảy ra bệnh cho người dân biết nhằm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Nghiêm cấm mọi hành vi nuôi thả rông gia súc, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện theo quy định, để dịch bệnh lây lan...

Sau khi được theo dõi, chữa trị, đến nay số gia súc bị bệnh lở mồm long móng trên địa bàn Tam Kỳ đã cơ bản ổn định và đang được chăm sóc theo đúng quy trình. Đặc biệt, không xuất hiện tình trạng bò mắc mới bệnh lở mồm long móng từ hơn 10 ngày nay.

Ông Đỗ Văn Minh, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố Tam Kỳ cho biết: "Nhằm sớm không chế bệnh lở mồm long móng, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị chức năng khoanh vùng, tiêu độc khử trùng theo quy định. Tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc. Đến nay, bệnh lở mồm long móng đã cơ bản được khống chế".

Giám sát chặt chẽ tại khu vực biên giới

Chiều 21/2, ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, ngành y tế đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 từ các cửa khẩu Việt - Trung đến cộng đồng dân cư để kịp thời phát hiện sớm ổ dịch và khoanh vùng không cho dịch lây lan.

Ông Hưng cho biết: Quan trọng nhất trong việc chống dịch cúm gia cầm là việc giám sát tại khu vực cửa khẩu bằng các thiết bị như máy đo thân nhiệt (đối với người) và tổ chức phun hóa chất khử trùng đối với hàng hóa, phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Hưng nhấn mạnh, khi phát hiện người nhập cảnh có biểu hiện sốt, nhiễm cúm sẽ tổ chức cách ly, hoặc thậm chí từ chối cho nhập cảnh (đối với người nước ngoài).

Hiện tại, ngành y tế Quảng Ninh đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, bố trí đủ nhân lực, vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, Quảng Ninh còn có lượng thuốc dự phòng ở Công ty cổ phần Dược Quảng Ninh.

Các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện đều bố trí khu vực điều trị, cách ly đối với bệnh nhân bị nhiễm cúm. Tại các bệnh viện này đều được trang bị máy móc thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho công tác điều trị bệnh.

Bên cạnh đó, ngành y tế Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác truyền thông trong cộng đồng dân cư, khuyến cáo những người có nguy cơ nhiễm vi rút cúm gia cầm cao như người chăn nuôi gia cầm, chế biến gia cầm và người di chuyển từ vùng dịch về cần phải đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt.

Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, đã có phác đồ điều trị cho người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm, tới đây ngành y tế sẽ tổ chức tập huấn lại cho cán bộ, y tế về cách thực hiện phác đồ điều trị này.

Quảng Ninh có khoảng 118 km đường biên giới giáp với Trung Quốc nên nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H7N9 xâm nhập khá cao. Hiện các ngành chức năng của tỉnh nâng cao cảnh giác, tổ chức giám sát chặt chẽ tại các khu vực biên giới và vùng chăn nuôi nhằm ngăn ngừa dịch xâm nhập và bùng phát.

Nguyễn Sơn - Văn Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/cac-dia-phuong-tang-cuong-phong-chong-dich-20170221181842458.htm