Các doanh nghiệp hải sản cùng chống khai thác IUU

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa mời các doanh nghiệp chế biến và XNK hải sản đăng ký tham gia "Chống khai thác IUU".

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: T.H

Theo VASEP, trước các khả năng rủi ro Việt Nam có thể sẽ bị EU “phạt” thẻ vàng (yellow card) nếu không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EU về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU fishing) liên quan đến 5 khuyến nghị do Đoàn Công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của EC (DG-MARE) đưa ra tại đợt đánh giá từ 15-19/5/2017 tại Việt Nam.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và sự chi phối của IUU đối với các doanh nghiệp hải sản (XK vào EU, và sắp tới 1/1/2018 XK vào Mỹ), Hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên xác định việc tham gia-tuân thủ chống lại IUU là cả một quá trình lâu dài và cần sự tham gia tích cực, thường xuyên của cộng đồng các doanh nghiệp hải sản.

Mới đây, các DN hải sản cùng lãnh đạo Hiệp hội đã có sáng kiến và ủng hộ cao việc cần thiết phải thành lập “Ban điều hành các DN hải sản chống khai thác IUU” thuộc Ủy ban Hải sản VASEP.

Theo VASEP, Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại nạn khai thác IUU. Để chống lại hoạt động khai thác này, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành quy định nhằm ngăn chặn, chống và loại bỏ các hoạt động khai thác IUU bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2010.

Quy định này nhằm đảm bảo: Chỉ các sản phẩm hải sản được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc nước XK chứng thực là hợp pháp mới được NK vào hay XK từ EU;

Danh sách các tàu khai thác IUU sẽ được cập nhật thường xuyên, các tàu IUU này được xác định bởi Các tổ chức Quản lý Nghề cá khu vực (RFMOs); Quy định IUU cũng đưa ra khả năng các các nước trong danh sách đen có thể làm ngơ trước các hoạt động khai thác bất hợp pháp.

Các công dân EU hoạt động khai thác hải sản trái phép tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, dưới bất kỳ lá cờ nào, đều phải đối mặt với các hình phạt đáng kể tương ứng với giá trị kinh tế của các sản phẩm đánh bắt của họ, làm mất đi lợi nhuận của họ.

Quy định IUU của EU áp dụng với tất cả các tàu khai thác cập cảng và chuyển tải của EU hay nước thứ 3 tại các cảng của EU và tất cả các sản phẩm hải sản được XNK vào hay từ các nước EU. Quy định này nhằm đảm bảo không có sản phẩm khai thác nào bị đánh bắt bất hợp pháp xâm nhập được vào thị trường EU.

Để đạt được điều này, quy định này yêu cầu các nước sở tại phải xác nhận nguồn gốc và tính hợp pháp của các hải sản, do đó đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm hải sản được giao thường từ hay vào EU. Các biện pháp này nhằm đảm bảo các nước phải tuân thủ các quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi của mình cũng như các quy định quốc tế đã cam kết.

Khi nước cấp quốc tịch cho tàu không thể xác minh tính hợp pháp của các sản phẩm phù hợp với các quy định quốc tế, EC sẽ bắt đầu một quá trình hợp tác và hỗ trợ các nước này cải tiến khuôn khổ pháp lý và các hoạt động quản lý của mình. Các mốc quan trọng của tiến trình này là cảnh báo (giơ thẻ vàng), thẻ xanh sẽ được đưa ra nếu các vấn đề cảnh báo được giải quyết và ngược lại thẻ đỏ sẽ được ban hàng và kèm theo lệnh cấm giao dịch thương mại.

Ngoài quy trình chứng nhận, quy định này còn đưa ra hệ thống cảnh báo của EU nhằm chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng của các nước thành viên EU về các trường hợp nghi ngờ về hoạt động khai thác bất hợp pháp.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cac-doanh-nghiep-hai-san-cung-chong-khai-thac-iuu.aspx