Các doanh nghiệp tăng cường liên kết đổi mới công nghệ

Sự kiện hội thảo “Gia nhập TPP – Những cơ hội và thách thức đối với khoa học và công nghệ” do Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ vừa tổ chức tại Cần Thơ đã chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp này phải giải quyết để sẵn sàng hội nhập vào một sân chơi lớn như TPP; trong đó nhấn mạnh đến sự liên kết tạo thành chuỗi cung ứng để giải quyết các bài toán về nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu…

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Vụ Trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương chỉ rõ, Hiệp định TPP sẽ tác động đến các doanh nghiệp khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở các mặt: Hợp tác phát triển nông nghiệp; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế; X ây dựng và thực thi các chương trình xúc tiến thương mại có hiệu quả ; Các mặt hàng nông sản phải đáp ứng được các quy định khắt khe hơn về chất lượng và an toàn thực phẩm ; Chuẩn hóa chất lượng tay nghề lao động...

Cảng Tân Cảng Cái Cui, quận Cái Răng, TP Cần Thơ trong ngày khai trương. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN.

Ông Trương Hoàng Phương, Khối trưởng Khối Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, các doanh nghiệp nhất thiết phải đi theo hướng liên kết để tạo ra chuỗi cung ứng khép kín, giảm thiểu chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận. Đặc biệt, việc liên kết và chuyên môn hóa sẽ giúp doanh nghiệp tránh được việc giẫm chân nhau từ khâu ý tưởng đến khâu hình thành sản phẩm. Đây là thực trạng đang tồn tại khi mà hầu hết các doanh nghiệp trong vùng đều đang khai thác hàng nông sản, lại là sự khai khác ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, gia công, thiếu kết nối… Việc kết nối còn giúp các doanh nghiệp “lớn mạnh” khi mà nguồn vốn được huy động khá hơn và sự đầu tư cho máy móc công nghệ cao sẽ không còn quá khó khăn nữa. Ông Phương cho biết, đây là những nhận định từ thực tế tiếp xúc và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Hầu hết các doanh nghiệp đều than khó trong việc gia tăng vốn sản xuất, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như khó nâng cấp được dây chuyền sản xuất do không thể đầu tư ngay một lúc hệ thống máy móc hiện đại; khi mua được thiết bị này thì thiết bị kia đã lỗi thời nên không thể đồng bộ được dây chuyền…. Tất cả những khó khăn này sẽ được giải quyết khi các doanh nghiệp biết bắt tay nhau để tạo thành chuỗi liên kết – Ông Phương nhấn mạnh. Đối với bài toán nâng cao tay nghề cho người lao động, ông Trần Thế Như Hiệp, Chuyên viên Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ cho rằng, cần đẩy mạnh mô hình hợp tác đào tạo giữa các viện trường và các doanh nghiệp sử dụng lao động với hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp cung cấp máy móc, môi trường thực hành, đặt ra tiêu chí tuyển dụng lao động, phía nhà trường có nhiệm vụ soạn giáo án theo các tiêu chí ấy, đào tạo bám sát thực tế yêu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên sau đào tạo được đảm bảo nhận vào làm tại các doanh nghiệp đặt hàng. Mô hình này sẽ giúp giảm tình trạng sinh viên thất nghiệp, sinh viên làm trái ngành, cũng như giúp doanh nghiệp giảm chi phí tái đào tạo đội ngũ lao động.

Kỹ sư Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc công ty Hoàng Thắng, tác giả của nhiều sáng chế cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, trăn trở: Doanh nghiệp của ông là 1 trong 9 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của toàn vùng, được đánh giá đang hoạt động có hiệu quả. Tuy vậy, hiện doanh nghiệp Hoàng Thắng cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn trong khâu xin cấp bằng sáng chế, các cơ chế hỗ trợ trong bảo hộ thương hiệu và thương mại hóa sản phẩm. Thời gian chờ cấp quyền sáng chế quá lâu, làm doanh nghiệp mất nhiều cơ hội kinh doanh. Sự rò rỉ ý tưởng trong quá trình chờ đợi cũng khiến các doanh nghiệp “đau đầu”, vì khi cầm được bằng sáng chế thì ý tưởng ấy không còn mang tính mới nữa. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn có sự kết nối tốt hơn với các trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại để có thể quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả nhất, tìm kiếm cơ hội mở rộng ra thị trường quốc tế.

Về chính sách, ông Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, Chính phủ đang có nhiều cải tiến nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả, bằng độc quyền sáng chế…. Ngoài ra, còn có nhiều ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong khi đây lại là thế mạnh của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, hướng đi đúng đắn của vùng là quan tâm đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao như: Công nghệ sinh học (Vi sinh vật, Invistro, Gen…); Cơ giới hóa, thủy lợi hóa; Bảo quản và chế biến nông sản; Dự án ưu đãi (kết hợp lĩnh vực sản xuất với địa bàn sản xuất khó khăn); Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; Công nghệ cao; Phòng chống dịch bệnh; Áp dụng quy trình VietGAP; Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chính sách phát triển ngành...

Ánh Tuyết (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doanh-nghiep/cac-doanh-nghiep-tang-cuong-lien-ket-doi-moi-cong-nghe-20161214080629427.htm