Các hành động quân sự làm dậy sóng Biển Hoa Đông

Trong tuần qua, Trung Quốc đã điều tàu khu trục vào gần quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông trong khi máy bay Trung Quốc cũng ngăn chặn “không an toàn” máy bay Mỹ tại khu vực này.

(Tổ Quốc)- Hàng loạt vụ việc đã khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại Biển Hoa Đông lại bùng lên.

Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. (Nguồn: Reuters/Kyodo)

Kyodo ngày 9/6 dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc, được xác định thuộc tàu lớp Jiankai 054 đã tiến vào phía đông bắc đảo Kuba – một phần của quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư vào khoảng 12:50 sáng. Con tàu này sau đó rời đi từ khu vực xung quanh đảo Taisho, một phần của quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, vào khoảng 3:10 sáng và đi về hướng bắc, báo cáo cho biết thêm rằng không có sự xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản.

Trước đó, các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã thường xuyên xuất hiện ở gần quần đảo tranh chấp trên thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một tàu quân sự tới đây.

Hiện chưa rõ liệu tàu khu trục này của Trung Quốc có bất kì hành vi khiêu khích nào hay không khi ở khu vực này. Theo Kyodo, Thứ trưởng Ngoại giao Akitaka Saiki của Nhật Bản ngay sau đó, vào lúc 2 giờ sáng ngày 9/6 đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo tới để phản đối về vụ việc.

"Hành động đơn phương của Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực, và chúng tôi thực sự rất quan ngại", Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, cho biết tại một cuộc họp báo. Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã yêu cầu lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Nhật Bản ở tình trạng báo động, ông Suga nói thêm.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết họ đã nhận được các báo cáo. "Quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc," Bộ này cho biết trong một tuyên bố trên trang web và khẳng định việc tàu Trung Quốc đi vào khu vực trên là hợp pháp.

Một loạt “sự cố” tại Hoa Đông

Đây không phải là lần đầu tiên căng thẳng bùng phát trên Biển Hoa Đông trong tuần này. Ngày 8/6, một máy bay do thám RC-135 của Mỹ phải đối mặt với điều mà các quan chức Mỹ mô tả là hoạt động ngăn chặn "không an toàn" của một máy bay chiến đấu Trung Quốc tại không phận quốc tế tại Hoa Đông.

Trong cùng ngày, 3 tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc cũng đã đi vào khu vực được Nhật Bản tuyên bố là lãnh thổ nước này. Trong tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã gửi bản kháng nghị tới Đại sứ quán Trung Quốc về hoạt động tiếp tục xây dựng các giàn khoan khí đốt trên Biển Hoa Đông bất chấp thỏa thuận song phương năm 2008 về phân ranh giới chủ quyền biển giữa hai nước chưa được hoàn tất.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã công bố những dữ liệu chi tiết về số lượng tàu của chính phủ Trung Quốc xuất hiện ở vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản hoặc lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư , đang cho thấy sự thường xuyên và liên tục.

Trong thời gian qua, hoạt động bồi đắp nhanh chóng các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại thì tình hình trên Biển Hoa Đông được cho là tương đối ổn định hơn. Đặc biệt là khi so sánh với những căng thăng gay gắt và các sự cố đối đầu song phương mà các nhà phân tích an ninh khu vực nhận thấy tại Hoa Đông năm 2013 và đầu năm 2014.

Yếu tố Nga

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng thông báo rằng có ba tàu quân sự của Nga được phát hiện trong vùng tiếp giáp với Senkaku/ Điếu Ngư trong cùng một khoảng thời gian với các tàu Trung Quốc.

Nhật Bản và Nga cũng có tranh chấp lãnh thổ về chủ quyền của quần đảo Kuril, nằm ở ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản, cách xa Biển Hoa Đông. Ông Suga cho biết Tokyo đang xem xét hai vụ việc trên riêng biệt.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Sochi vào đầu tháng 5 nhưng hai bên chưa đạt được bước tiến đáng kể nào về sự xích lại gần nhau.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga đã trở nên căng thẳng do một loạt các yếu tố, trong đó có sự hợp tác của Nhật Bản trong G7 để áp đặt trừng phạt và cô lập Nga sau khi Kremlin sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này năm 2014.

Đầu năm nay, trong một động thái “khiêu khích” mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh, 2 máy bay ném bom chiến lược TU-95MS của Nga (Gấu Nga) đã bay xung quanh không phận 4 đảo Honshu, Kyushu, Shikoku, và Hokkaido của Nhật Bản, trước khi trở về Nga.

Trung Quốc “không hài lòng”

The Diplomat nhận định, việc tàu khu trục Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông có thể là một động thái nhằm nhấn mạnh sự không hài lòng của Trung Quốc với các hành động gần đây của Nhật Bản.

Trước đó, là nước chủ nhà của thượng đỉnh G7 năm nay, Nhật Bản đã thúc đẩy sự đồng thuận của các nước thành viên trước hành động của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuyên bố của các Ngoại trưởng G7 cũng đã bày tỏ sự phản đối với bất kỳ các hành động "đe dọa, cưỡng chế hay khiêu khích" (ám chỉ Trung Quốc) ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và kêu gọi tất cả các bên có liên quan hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.

Điều này đã khiến Trung Quốc không hài lòng. "Chúng tôi hối thúc các thành viên G7 hoàn toàn tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực, ngừng những phát biểu vô trách nhiệm và tất cả hành động vô trách nhiệm và thực sự đóng vai trò mang tính xây dựng với hòa bình và ổn định khu vực", Xinhua dẫn lời Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sau khi tuyên bố của các Ngoại trưởng G7 được công bố.

Hiện tại, việc căng thẳng tại Biển Hoa Đông gia tăng có thể khiến Trung Quốc đối mặt với làn sóng quan ngại rộng lớn trong khu vực khi Tòa án trọng tài thường trực sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

An Bình (Theo Bloomberg/ The Diplomat)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/7/ho-so-quoc-te/147641/cac-hanh-dong-quan-su-lam-day-song-bien-hoa-dong.aspx