Các hiệp hội đề xuất gỡ khó vận tải đường bộ

Tổ chức lại tuyến vận tải, cải cách thủ tục hành chính, cân nhắc việc tăng các loại phí, xem xét lại hiệu quả lâu dài khi “mở cửa” cho Uber, Grab… là một số kiến nghị của các hiệp hội vận tải, taxi muốn gửi tới Thủ tướng trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào ngày mai (17/5).

Theo ông ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, đối với tuyến vận tải cố định liên tỉnh, cần hạn chế tối đa phương tiện vận tải khách từ xã, huyện hoạt động liên tỉnh. Các tuyến vận tải huyện nếu đi qua bến xe trung tâm tỉnh thì nên tổ chức cho người dân đi lại bằng xe buýt để giảm mật độ giao thông trên quốc lộ, giảm ô nhiễm khí thải, hạn chế tai nạn giao thông và tránh tranh giành khách dọc đường.

Đối với các tuyến đường dài nên lựa chọn và cho những đơn vị có năng lực phương tiện, năng lực tài chính, bộ máy điều hành chuyên nghiệp đấu thầu bảo đảm an toàn cho khách đi đường dài (có trạm thay lái xe dọc đường, có trạm bảo dưỡng thay thế phụ tùng, có phương tiện thay thế khi xe gặp sự cố)… Cần xem xét lại quy định về tốc độ, đặc biệt tại các điểm đen, những cung đường đèo cao, vực sâu; xem xét và hạn chế tốc độ xe chạy ban đêm trong đó quan tâm đến xe giường nằm và xe tải nặng.

Ông Liên cũng cho rằng hiện vẫn còn quá nhiều quy định, biểu mẫu, thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. Do vậy, đề nghị hằng năm, Bộ GTVT và các Sở GTVT nên lấy ý kiến của doanh nghiệp, của các hiệp hội về các vướng mắc trong thủ tục hành chính, như cái gì cần thiết, cần bãi bỏ cái gì hoặc tổ chức bình chọn cá nhân, tổ chức đã giảm được thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, thay thế nhân viên thi hành công vụ hạch sách doanh nghiệp.

Về đầu tư xây dựng bến xe, ngoài các bến xe đã có trong quy hoạch, nên sửa đổi tiêu chí bến xe, cho phép các thành phần kinh tế lựa chọn địa điểm xây dựng các bến xe. Khuyến khích các đơn vị vận tại làm bến xe, đầu tư các dịch vụ phục vụ hành khách: Nhà ăn, nhà nghỉ, siêu thị, có phương tiện kết nối như taxi, xe buýt… đáp ứng các tiêu chí an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Nghiên cứu giao cho bến xe in phát hành vé do các đơn vị vận tải ủy thác để nộp thuế cho Nhà nước và nắm được lưu lượng hành khách. Đối với xe chạy hợp đồng (không phát hành vé) đề nghị ngành thuế áp dụng thuế khoán cho từng đầu xe để tránh thất thu và bảo đảm công bằng trong kinh doanh, hạn chế xe dù, bến cóc.

Xem xét lại việc “mở cửa” lâu dài cho Uber- Grab

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội và ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. Đà Nẵng, kết quả của Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất và việc triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP đã tạo luồng gió mới, tạo cơ hội cho hàng nghìn doanh nghiệp mới ra đời và phát triển.

Dựa trên tình hình thực tiễn đối với lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách bằng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống tại Việt Nam trong thời gian qua, theo ông Tạ Long Hỷ, cần xem xét lại việc “mở cửa” cho Uber, Grab vào kinh doanh vận tải hành khách tại Việt Nam.

Grab được triển khai tại Việt Nam từ đầu năm 2016 dựa trên Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT. Quyết định có nội dung khá chặt chẽ như chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp - hợp tác xã có chức năng kinh doanh vận tải… các xe phải dán phù hiệu ở kính trước, dán logo của đơn vị ở hai bên cánh cửa… Nhưng trên thực tế, đa số hợp đồng được ký trực tiếp giữa Uber, Grab với chủ xe cá nhân. Đa phần các xe không thực hiện đúng yêu cầu của Bộ GTVT.

Tại TP. Đà Nẵng, Công ty TNHH Grab được triển khai thí điểm từ năm 2016 đến nay. Theo ý kiến của ông Võ Thành Nhân, hoạt động của loại hình này gần như phá vỡ toàn bộ quy hoạch vận tải taxi của Thành phố, gây áp lực cho hạ tầng giao thông, gây khó khăn cho việc quản lý, phát sinh sự cạnh tranh không công bằng, không lành mạnh giữa taxi truyền thống và Công ty Grab.

Ông Đỗ Quốc Bình thì cho rằng có sự phân biệt đối xử khi tham gia giao thông, bởi trong khi các hãng taxi là phương tiện vận tải hành khách công cộng bị cấm giờ; cấm đường thì các xe Uber, Grab là xe cá nhân lại không bị hạn chế tham gia giao thông…

Từ những bất cập của loại hình vận tải Uber và Grab, các hiệp hội taxi đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá toàn diện việc cho thí điểm ứng dụng công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (Uber và Grab), có sự tham gia ý kiến của các cơ quan ban ngành cũng như hiệp hội các đơn vị cùng ngành nghề.

Trước mắt, có thể chỉ đạo các địa phương tạm thời chưa cấp phép thêm cho loại hình kinh doanh này, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với Công ty TNHH Grab (Uber) nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh với taxi truyền thống.

Hải Hoa

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/cac-hiep-hoi-de-xuat-go-kho-van-tai-duong-bo/306166.vgp