Các nguồn tư liệu lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa khi đặt cạnh nhau tạo ra sức mạnh truyền thông mạnh mẽ

QĐND Online - Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020" và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố, sử dụng các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam, từ tháng 7-2013, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và một số tỉnh, thành phố tổ chức "Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử". Ngày 26-10, triển lãm đã được khai mạc tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, thu hút sự quan tâm lớn của các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử, cùng đông đảo nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

"Một cái nhìn tổng thể, đầy đủ và xác thực về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"

"Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" lựa chọn những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để trưng bày giới thiệu với công chúng, đồng thời để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển đảo khác trên Biển Đông.

Những bằng chứng này gồm: Các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; 95 bản đồ và 4 cuốn atlas tuyển chọn từ hơn 260 bản đồ và các atlas liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; hình ảnh tư liệu về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa, hình ảnh về đời sống và sinh hoạt của quân và dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) hiện nay; những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế xuất bản ở trong và ngoài nước từ trước đến nay; sưu tập những vỏ ốc biển và cát từ vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa do các ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản ở các ngư trường này mang về.

Nhiều tư liệu lịch sử quý trưng bày tại triển lãm.

TS lịch sử Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng cho biết: "Qua mỗi một triển lãm, các tư liệu liên tục được bổ sung. Trong số các tư liệu lịch sử trưng bày tại triển lãm lần này có hai tư liệu mới: Một là An Nam Đại Quốc Họa Đồ, bản đồ này trong những lần trưng bày trước là bản copy, bản đồ gốc được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris, tháng 9-2013, trong chuyến công tác tại Pháp, chúng tôi mới xin sao chụp lại. Ngoài ra còn một bản đồ quan trọng khác cũng được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp mà chúng tôi đã mua được quyền sử dụng đó là bản đồ của anh em nhà Van Langren, người Hà Lan vẽ năm 1595. Các bản đồ này đều khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam".

Với một số lượng lớn các tư liệu lịch sử ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: "Tư liệu về chủ quyền lịch sử của chúng ta rất phong phú, đa dạng, đó là các thư tịch cổ, bản đồ cổ, tư liệu chính thức của Nhà nước, tư liệu trong dân gian, tư liệu của các kho lưu trữ lớn của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như các tư liệu ở các bộ sưu tập tư nhân của các cá nhân trong nước và quốc tế. Chúng ta đã có cả một quá trình sưu tầm, tập hợp tư liệu, đây đó đã giới thiệu từng bộ phận, từng mảng tư liệu. Tuy nhiên, các nguồn tư liệu này nếu đặt đơn lẻ thì không thấy hết được giá trị của nó. Hơn một năm trở lại đây, chúng ta đã liên tục tổ chức các cuộc triển lãm tư liệu về bằng chứng lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh và bây giờ là TP Thái Nguyên. Dù không thể giới thiệu hết tất cả các tư liệu mà chúng ta hiện có trong những triển lãm này nhưng việc tổ chức triển lãm với sự phong phú, đa dạng của nhiều nguồn tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa được đặt cạnh nhau giúp chúng ta có một cái nhìn tổng thể, đầy đủ và xác thực về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Đã là người Việt Nam, ai cũng có tình yêu biển đảo

Hai thế hệ tham quan "Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử".

Ngay trong ngày khai mạc triển lãm, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Thái Nguyên đã tới tham quan, trong đó, nhiều nhất là sự tham gia của các bạn sinh viên, học sinh. Bạn Nguyễn Thị Tú, sinh viên khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: "Là sinh viên khoa Địa lý, chúng em đã được tìm hiểu về địa hình của các vùng biển, đảo Việt Nam qua sách vở, nhưng đây là lần đầu tiên chúng em được tận mắt xem những tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một cơ hội quý giá đối với sinh viên chúng em. Bản thân em nhận thấy rằng, là một sinh viên cũng là một công dân Việt Nam chúng em cần biết đến những tư liệu lịch sử này để có cơ sở chống lại những luận điệu sai trái, có ý chí, trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam".

Là một sĩ quan trẻ, Thượng úy Hà Quang Việt, Đội trinh sát, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc trưng bày triển lãm có ý nghĩa rất lớn đối với những quân nhân đang công tác ở Thái Nguyên. Do điều kiện công việc, rất nhiều quân nhân chưa có cơ hội giao lưu với các chiến sĩ hải đảo. "Hình ảnh về cuộc sống của quân, dân hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trưng bày tại triển lãm đã giúp cho chúng tôi hiểu thêm về sự hy sinh của đồng đội mình nơi đảo xa và thêm yêu biển, đảo Việt Nam", Thượng úy Hà Quang Việt chia sẻ.

Đông đảo bộ đội đang công tác tại các đơn vị trên địa bàn Thái Nguyên tới tham quan triển lãm.

Những người đến xem triển lãm hôm nay có thể ở nhiều thế hệ với những công việc, ngành nghề khác nhau nhưng đều có chung một lòng yêu biển, đảo, mong muốn được tận mắt tìm hiểu những bằng chứng lịch sử xác thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để chống lại những luận điệu xuyên tạc.

Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định "Triển lãm lần này đã góp phần nhân lên lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, để phấn đấu không hổ thẹn với cha ông, những người đã làm nên lịch sử, khai mở, kiến tạo, gìn giữ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ qua nhiều thế hệ. Triển lãm cũng góp phần tăng thêm sức mạnh để chúng ta bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ".

"Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" sẽ kéo dài đến hết ngày 4-11 và được mở cửa cả ba buổi: Sáng, chiều và tối, phục vụ nhân dân tới tham quan. Sau khi kết thúc triển lãm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tặng lại toàn bộ những tư liệu lịch sử được trưng bày tại triển lãm cho tỉnh Thái Nguyên để phục vụ công tác tuyên truyền về biển, đảo. "Đây là những tài liệu, hiện vật quý giá để chúng tôi tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân các địa phương tỉnh Thái Nguyên, góp phần nâng cao nhận thức, nhân lên lòng yêu biển, đảo vốn tồn tại lâu bền trong lòng dân", ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định.

Bài, ảnh: THU THỦY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/66/66/269617/Default.aspx