Các nhà đầu tư Nhật tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam ra sao?

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven vừa chính thức công bố thứ Năm tuần sau (15/6) sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, AEON, MiniStop, FamilyMart... cũng đã gia nhập thị trường bán lẻ đang có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Ảnh minh họa.

Cửa hàng này được đặt tại tầng trệt toà nhà Saigon Trade Center, quận 1, TP HCM. So với dự báo mà Nikkei đưa ra, "gã khổng lồ" 7-Eleven đã tấn công vào thị trường Việt Nam sớm hơn dự định.

Sự kiện thứ Năm tuần tới đánh dấu việc chuỗi cửa hàng tiện lợi thương hiệu Nhật Bản thứ 3 vào Việt Nam, sau FamilyMart và MiniStop. Việt Nam cũng là quốc gia thứ 19 trên thế giới có sự xuất hiện của chuỗi 7-Eleven.

Các chuyên gia về bán lẻ cho biết, Việt Nam lâu nay được đánh giá là “thỏi nam châm” thu hút các tên tuổi bán lẻ trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Quy mô 90 triệu dân, phần lớn dân số trẻ với mức thu nhập tăng cao, tốc độ đô thị hoá thuộc top khu vực, dư địa phát triển kênh bán lẻ hiện đại còn khá lớn… là một vài lý do khiến cho các nhà đầu tư ngoại không ngần ngại rót vốn vào Việt Nam.

Aeon Mall là một trong những “ông lớn” đang tích cực mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tháng 3 năm nay, Aeon Mall đã thông báo sẽ mở thêm trung tâm thương mại tại Hà Nội, đặt tại khu vực Hà Đông. Dự án có giá trị 200 triệu USD, tương đương 4.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019.

Đấy cũng là trung tâm thương mại thứ 5 của Aeon tại Việt Nam, sau khi thử nghiệm thành công mô hình trung tâm thương mại kết hợp mua sắm, vui chơi giải trí. Cho đến thời điểm hiện tại, tập đoàn Aeon đã rót khoảng 600 triệu USD cho 5 trung tâm này. So với mục tiêu đề ra, Aeon mới chỉ đi được 1/4 chặng đường.

Hồi tháng 6 năm ngoái, trong lần khai trương Aeon Bình Tân, ban lãnh đạo tập đoàn đã không giấu diếm, dù còn một số khó khăn trong việc phát triển điểm bán mới nhưng họ vẫn hướng tới mục tiêu mở 20 trung tâm thương mại Aeon Mall tại Việt Nam vào năm 2020.

Song song với đó, Aeon cũng đẩy mạnh hợp tác, mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn trong nước, với mục tiêu hướng đến là 100 điểm. Hiện Aeon đã sở hữu 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart và 30% cổ phần tại hệ thống siêu thị Fivimart.

Việc hợp tác này, trên thực tế đã giúp cho Aeon “phủ sóng” thương hiệu của mình tới các thành phố lớn của Việt Nam một cách nhanh nhất mà không cần phải đầu tư quá nhiều vào các trung tâm thương mại vốn phức tạp về thủ tục và chi phí cao hơn.

Nhìn lại từ thời điểm đầu tiên gia nhập năm 2008, Aeon đã không ngừng mở rộng. Năm 2011, tập đoàn này có thương vụ đầu tiên với Trung Nguyên mở chuỗi cửa hàng tiện lợi G7 – Ministop, tham vọng mở 500 cửa hàng trong 5 năm. Tuy nhiên “cuộc hôn nhân” này chỉ tồn tại đến tháng 2/2015 thì "đường ai nấy đi".

Sau khi chia tay Trung Nguyên, Aeon tìm đến đối tác đồng hương là Tập đoàn Sojitz để phát triển. Mục tiêu của dự án là mở 200 cửa hàng trong vòng 3 năm và tiếp tục mở rộng lên con số 800 trong vòng 10 năm. Sojitz và Ministop đã lên kế hoạch mở rộng nhượng quyền thương hiệu các cửa hàng, cung cấp hỗ trợ kinh doanh cho người lao động.

Một người khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ Nhật khác là Takashimaya cũng đã đầu tư khoảng 47 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2012 bao gồm Trung tâm thương mại Saigon Centre và nhiều bất động sản khác.

Và như đã nói ở trên, kể từ thứ Năm tuần sau, chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản 7-Eleven sẽ chính thức khai trương tại TP. HCM theo thỏa thuận nhượng quyền thương mại được ký kết giữa Công ty & I Holdings (Mỹ) và công ty Seven System Việt Nam (chủ chuỗi cửa hàng Pizza Hut tại Việt Nam). 7-Eleven cho biết sẽ có thêm khoảng 20 cửa hàng ra đời trong năm 2017, và sẽ tăng thành 100 cửa hàng trong 3 năm tiếp theo.

Trả lời Forbes Việt Nam, ông Vũ Thanh Tú, CEO CTCP Seven System Việt Nam cho biết 7-Eleven tại Việt Nam sẽ tập trung phát triển mạng lưới khu vực ở trung tâm TP HCM trước khi mở rộng sang các khu vực khác.

Nói về sự cạnh tranh sắp tới với các thương hiệu đã xâm nhập Việt Nam trước đó như Circle K hay FamilyMart, ông Tú nói: "Tôi nghĩ các thương hiệu đã có trên thị trường đều có chiến lược tìm kiếm và tiếp cận khách hàng riêng". Ông cũng khẳng định "Chúng tôi tập trung vào tìm hiểu khác hàng của mình, và các mặt hàng dành cho họ. Thị trường rất rộng lớn".

Bên cạnh những ông lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản cũng quan tâm đến thị trường 90 triệu dân này, tuy nhiên, họ thực hiện thông qua đối tác. Ví dụ như mới đây, Quỹ đầu tư ACA Investments thuộc Tập đoàn Sumitomo đã rót vốn để nắm 20% cổ phần tại CTCP Bibo Mart.

Ông Hiroyuki Ono, đại diện của Quỹ đầu tư ACA Investments cho biết thông qua khoản đầu tư này, ACA hy vọng sẽ kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu mở rộng đầu tư vào các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam để hợp tác với BiboMart. Hiện quỹ cũng đang tìm các công ty tốt trong lĩnh vực bán lẻ thời trang và dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam để rót vốn.

Theo Trí thức trẻ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/cac-nha-dau-tu-nhat-tan-cong-thi-truong-ban-le-viet-nam-ra-sao-2848542.html