Các tập đoàn Châu Âu: “Điệu nhảy” mệt mỏi

Chưa bao giờ nhiều tập đoàn kinh doanh lớn của Châu Âu đồng thời gặp phải những khó khăn lớn như hiện nay.

small_891.jpg Ngày 23/5/07, Christian Streiff, ông chủ của PSA Peugeot Citroen, Pháp đã phải tuyên bố công khai các kế hoạch khôi phục lại mức lợi nhuận bị suy giảm trầm trọng. Ông Streiff nhấn mạnh, có thể cắt giảm 30% tổng chi phí sản xuất và sẽ làm sống lại sản phẩm của hãng bằng cách tung ra 41 mẫu ôtô mới đến năm 2010. Tại Siemens, tập đoàn vốn dẫn đầu Châu Âu về khoa học công nghệ và vốn, ông chủ mới Peter Loscher đã có một lưỡi dao sắc để giải phẫu những bê bối về khoản tiền quà biếu. Vấn đề khó khăn chính yếu ông sẽ phải đương đầu là chỉ huy được tập đoàn khổng lồ Siemens và tiếp tục vận hành nó phát triển, sinh lời. Không chỉ có Peugeot và Siemens đang rơi vào tình trạng lộn xộn, Châu Âu còn đó những khó khăn không dễ giải quyết ở tập đoàn EADS (Cty mẹ của hãng máy bay Airbus nổi tiếng) rồi tập đoàn ôtô Daimler và Renault. Những công việc khó nhọc khác của các NH Châu Âu và những hãng năng lượng lớn thì bắt nguồn từ các thông tin đến chậm về một thị trường chung Châu Âu. Cùng lúc, các ngành công nghiệp khác như viễn thông và hàng không cũng đang dài cổ để hợp nhất. Tất cả những lo lắng và khó khăn của Siemens, EADS và nhiều Cty khác đều vì lý do sâu xa là sự không chuẩn bị trước trong cạnh tranh toàn cầu. Những người bi quan lo ngại sự lộn xộn của các tập đoàn hàng đầu Châu Âu có thể báo trước sự kết thúc của những thành công vang dội về kinh tế của châu lục này 10 năm qua. Người lạc quan lại hi vọng, điều đó tạo nên vòng tròn tái sinh mới. Số phận của những tập đoàn lớn này đặc biệt quan trọng vì nó là một phần trong kiến trúc kinh tế Châu Âu. Theo một nghiên cứu mới đây của Cty McKinsey, năng suất của Châu Âu chỉ gần bằng một phần ba của Mỹ. Điều này kiềm chế việc tạo ra các Cty mới và khiến cho Châu Âu phụ thuộc nặng nề vào các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các tập đoàn không thể cân bằng được những điều kiện làm việc tại Châu Âu, như 35 giờ ở Pháp hay hạn chế sa thải công nhân hoặc nhân viên kém khả năng, với năng suất lao động cần có. Điều đó tạo nên những vấn đề nội sinh của các DN. Vậy các tập đoàn lớn Châu Âu đang cần chính xác điều gì để lấy lại phong độ? Ông Loscher đã tới Siemens nhằm khắc phục sự ngổn ngang trên nhiều lĩnh vực của tập đoàn này. Hãng ôtô Daimler, Đức đã quyết định rũ bỏ một cách đau đớn hãng Chrysler, bán lại nó cho Mỹ. Giới chính trị Châu Âu cũng tham gia vào cuộc tích cực, tân Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bay tới Berlin để hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel về khủng hoảng của tập đoàn EADS, đến Toulouse trấn an công nhân Airbus rằng nước Pháp sẽ giúp đỡ khi Airbus cần tài chính. Nhưng vấn đề cuối cùng vẫn nằm chính trong từng tập đoàn Châu Âu, đó là tự họ phải đặt mình vào đúng hướng đi và xu hướng chung của toàn cầu hóa kinh tế.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/28906-cac-tap-doan-chau-au-dieu-nhay-met-moi