Các tập đoàn ma túy Mexico đe dọa báo chí

Thêm một từ mới được viết trong từ điển ngôn ngữ của cuộc chiến tranh ma túy ở Mexico: narco-censorship - có thể hiểu là chế độ kiểm duyệt của bọn tội phạm ma túy áp đặt cho các phương tiện truyền thông đại chúng của nước này hiện nay.

Đó là khi mà các phóng viên và biên tập viên (do sợ hãi hoặc thận trọng) buộc phải viết ra những gì mà bọn tội phạm ma túy muốn họ phải viết, hay chỉ đơn giản là cố kiềm chế không công bố trên mặt báo toàn bộ sự thật trong một đất nước mà ở đó đội ngũ nhà báo thường xuyên bị đe dọa, bắt cóc và giết hại. Gần một khu trung tâm mua sắm của Reynosa đã xảy ra một cuộc đấu súng kinh hoàng trong một ngày của tháng 8/2010. Những chiếc xe chở đầy người vũ trang súng ống bắn xối xả trên những con phố như trong phim ảnh Hollywood trong nhiều giờ liền gây tê liệt mọi hoạt động thường nhật của thành phố. Nhưng không ai có thể đọc được thông tin này trên mặt báo trong thành phố biên giới này của Mexico. Còn đối với những cuộc chạm trán nảy lửa giữa quân đội và bọn tội phạm ma túy ở Ciudad Juarez? Những tờ báo sẽ nói với bạn đọc của mình như thế này: Binh lính giao chiến với "những thường dân vũ trang". Khi mà quy mô của cuộc chiến tranh ma túy lan rộng đến mức độ hết sức tàn bạo, một trong những mặt trận mới của các tập đoàn ma túy Mexico là "thu nạp" những nhà báo hưởng lương thấp và không được bảo vệ - những người đã thất bại trong sứ mạng cung cấp thông tin cho xã hội! Một biên tập viên ở Reynosa, bang Tamaulipas, muốn giấu tên như bao nhà báo khác khi được phỏng vấn vì sợ đụng chạm đến các tập đoàn ma túy, nói: "Anh yêu nghề báo, muốn nói sự thật, sẵn sàng hoàn thành sứ mạng phục vụ nhân dân và cung cấp thông tin cho cộng đồng. Nhưng dù sao thì anh vẫn yêu mạng sống của mình nhiều hơn". Khoảng 30 phóng viên báo chí bị giết chết hoặc mất tích một cách bí ẩn kể từ khi Tổng thống Felipe Calderon ra lệnh tấn công quân sự tiêu diệt những tập đoàn ma túy hùng mạnh vào tháng 12/2006 và biến Mexico trở thành một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với nhà báo. Nhưng sự gia tăng bạo lực kinh hoàng - trong đó bao gồm vụ 4 phóng viên bị bắt cóc ngày 26/7 vừa qua - đã đẩy nghề báo vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trước đó, thu hút sự chú ý của thế giới và thúc đẩy một hành động tích cực mới dành cho giới nhà báo ở Mexico. Vào giữa tháng 8/2010, Liên Hiệp Quốc đã thực hiện sứ mạng đầu tiên đến Mexico để khảo sát tình hình nguy hiểm về quyền tự do ngôn luận ở quốc gia này. Theo một báo cáo của Ủy ban Bảo vệ nhà báo đặt trụ sở ở New York, vài vụ giết người chưa từng được cảnh sát điều tra, và tình trạng tội ác không bị trừng phạt đã dẫn đến hiện trạng nhà báo ngày càng bị đe dọa tính mạng nhiều hơn. Đó là tình hình trong các bang rộng lớn của Mexico, những nơi mà quyền kiểm duyệt của bọn tội phạm ma túy quá mạnh. Từ các bang biên giới Tamaulipas và Chihuahua cho đến những bang miền Trung và miền Nam như Durango và Guerrero, các phóng viên nói họ luôn đối mặt với thực trạng là bọn tội phạm ma túy không muốn báo chí địa phương gây sự chú ý đến mạng lưới sản xuất, buôn lậu ma túy và những nỗ lực khuất phục người dân của chúng. Bởi vì sự chú ý như thế sẽ khiến cho chính quyền gửi quân đội đến tước đi những đặc quyền đặc lợi của chúng. Và thế là báo chí bị ép buộc phải câm miệng nếu muốn yên thân. Các phóng viên và biên tập viên ở hai bang Tamaulipas và Durango nói, họ hàng ngày đều nhận được những lời cảnh cáo qua điện thoại khi họ cho in trên mặt báo những thông tin gây bực bội cho bọn tội phạm ma túy. Một biên tập viên tờ báo ở miền Bắc Mexico nói: "Điều đó khiến tôi hết sức tức giận. Tại sao tôi phải nghe theo những yêu cầu của bọn người này? Nhưng tôi phải tính đến sự nguy hiểm". Tuy nhiên, các nhà báo cũng phải chú ý để mắt đến các trang web có bàn tay kiểm soát của các tập đoàn ma túy: nếu đọc thấy thông tin về một vụ đọ súng hay tấn công bằng lựu đạn được đưa lên trang web, các nhà báo biết như thế là OK, có thể cho in những thông tin đó. Đó là lý do tại sao vụ chạm súng kinh hoàng ở Reynosa trong tháng 8 mới đây không được đưa tin. Nhưng 2 ngày sau khi xảy ra vụ một chiếc xe chở bom tấn công trụ sở cảnh sát ở thủ phủ Ciudad Victoria của bang Tamaulipas thì thông tin xuất hiện trên trang nhất các tờ báo địa phương, bởi vì tập đoàn Vùng Vịnh muốn đối thủ Zetas của chúng (được cho là tác giả của vụ đánh bom) mang tai tiếng. Tuy nhiên, báo chí địa phương có thể công bố hình ảnh khủng khiếp về những cái đầu người bị chặt đứt và những cái xác bị tra tấn dã man treo lủng lẳng trên những chiếc cầu. Nhưng không được có thông tin nào quy trách nhiệm cho bọn tội phạm ma túy. Cảnh tượng một chiếc xe chở bom tấn công một chiếc xe tuần tiễu của cảnh sát ngày 15/7/2010 ở thành phố biên giới Ciudad Juarez, Mexico. Ở bang Durango, nơi số nhà báo bị sát hại trong năm 2009 nhiều hơn bất cứ bang nào khác của Mexico, phóng viên truyền hình Ruben Cardenas nói, báo giới không còn được làm công việc của mình nữa. "Đó là thông tin giả. Đó là sự lừa dối xã hội", Cardenas nói với tờ The Times của Anh vào cuối năm ngoái. Khi phóng viên của báo này mạo hiểm tìm đến thành phố Gomez Palacio của bang Durango để làm phóng sự về vụ bắt cóc và giết chết lãnh đạo dân sự Bobby Salcero của Los Angeles, lúc đầu báo giới địa phương Mexico cùng san sẻ sự phấn khởi. Nhưng chỉ đôi ba ngày sau khi các báo cáo được công bố, đội ngũ nhân viên của một tờ báo nói họ nhận được thông điệp - được cho là từ bọn đã sát hại Salcero - phải ngưng ngay câu chuyện. Bởi vì thông tin - gây chú ý ở Los Angeles và Washington - khiến bọn chúng bực bội. Bang Durango cũng là hiện trường của những vụ bắt cóc ngày 26/7/2010 - tất cả 4 nhà báo này đang theo dõi những vụ mất an ninh trong nhà tù thành phố Gomez Palacio, nơi được tiết lộ là giám thị cho phép tù nhân ra ngoài vào ban đêm để gây bạo lực giết người. Nhưng cuối cùng cả 4 phóng viên này được trả tự do sau khi chủ nhân của họ ngoan ngoãn đưa tin tức theo yêu cầu của bọn chúng. Đó là một hiện tượng mới nhất ở Mexico: thông tin trên báo đài được coi như là món tiền chuộc! Một nhà báo Mexico cho biết các tập đoàn ma túy thật sự đã lũng đoạn các phương tiện truyền thông ở một số bang của nước này. Những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể làm cho chúng nổi giận. Ví dụ, bọn chúng rất tức giận khi báo chí sử dụng cụm từ "tội phạm có tổ chức". Do đó báo chí không thể in sự thật. Nhà báo Gerardo Albarran nói: "Chúng tôi bị đe dọa. Điều đó thật đáng buồn. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là quan tâm đến gia đình và những người quen biết và nói họ nên cẩn thận". Các phóng viên ở một số vùng của Mexico nói các tập đoàn ma túy cảnh cáo cho họ biết rằng họ luôn bị quan sát, đọc và nghe lén. Gerardo Albarran cũng cho biết các tập đoàn ma túy đã hoàn toàn kiểm soát báo chí trong một số vùng của Mexico. Không có sự bảo vệ nào dành cho báo giới ở Mexico

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2010/8/73202.cand