Các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ chủ động ứng phó với bão số 2

Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ đã lên phương án chủ động ứng phó với cơn bão để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Theo thông tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 7h ngày 16/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 10 - 11.

Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 19 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 10 - 11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, duy trì cấp bão với gió mạnh nhất cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11 khi đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Đến 7h ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10 - 11. Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11; sóng biển cao từ 3 - 5m; biển động rất mạnh.

Từ tối và đêm nay (16/7), trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 7 - 9, giật cấp 10 - 11; ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6 - 8, giật cấp 9 - 10; ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6 - 8.

Hướng di chuyển của bão số 2.

Tại TP.Hải Phòng, để chủ động ứng phó với bão số 2, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện và thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương triến khai các nhiệm vụ như sau:

Bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển để chủ động phòng trách không đi vào vùng nguy hiểm và khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; tỗ chức neo đậu tàu, thuyền trong các khu tránh trú; di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải đang neo đậu.

Chủ động triển khai thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ bị xuống cấp xung yếu, khu du lịch biển, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản.

Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình đang thi công (đặc biệt là các công trình tại Cát Hải, Bạch Long Vĩ), khu nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi, cầu tàu, bến cảng, bến phà biển, phà sông, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, hệ thống thông tin liên lạc.

Chủ động điều tiết nước trong hệ thống thủy lợi để bảo vệ hoa màu, mạ, lúa mới cấy; khơi thông cống, kênh tiêu thoát nước, hạ thấp nước trong các hồ điều hòa để chủ động phòng chống ngập úng đô thị; tổ chức cắt tỉa cành và bảo vệ cây xanh.

Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện nghiêm túc chấp hành các nội dung kể trên.

Tại Thái Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên đã ra công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại cơ quan để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão.

Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, lồng bè đánh bắt thủy hải sản; di dời số lao động nuôi ngao và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, những ngư dân làm ăn trên sông, trên biển về nơi an toàn phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/7.

Công ty TNHH Khai thác các ông trình thủy lợi Bắc và Nam Thái bình bố trí lực lượng thường trực 24/24, tranh thủ mở các cống tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Lý và cống Lân để hạ mực nước trên các trục tiêu của hệ thống, kịp thời tiêu nước, khai thông dòng chảy, tránh ngập úng lúa và hoa màu khi mưa lớn.

Tại Nam Định, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cấm các phương tiện tàu thuyền ra khơi từ 13h ngày 16/7, đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền. Chủ động di dời dân, sơ tán người canh coi tại các chòi canh về nơi an toàn.

Tích cực bơm tiêu, rút nước đệm chống úng. Tạm dừng việc cấy lúa mùa, bảo vệ mạ và lúa mới cấy. Lên các phương án để ứng phó với tình trạng ngập úng.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, bến cảng; phát hiện và xử lý ngay những sự cố hư hỏng trên đê; duy trì lực lượng, phương tiện cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Nguyễn Dịu - Minh Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chu-tich-ubnd-tphai-phong-yeu-cau-chu-dong-phong-tranh-bao-so-2-a332489.html