Các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục chịu thiệt hại do ảnh hưởng bão số 6

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương: Hồi 13 giờ ngày 25-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 123,0 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 170km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 26-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 890km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 13 giờ ngày 27-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 27km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13. (THÁI HƯNG)

Mưa lớn gây úng ngập chia cắt một số địa phương

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện xóm 14 thuộc xã Tân Linh, huyện Đại Từ và một số xã trên địa bàn huyện Định Hóa đã bị chia cắt, cô lập do ngập úng. Tại huyện Đại Từ, ngập úng sâu đã xảy ra tại khu vực xóm 6, xóm 7 của xã Hà Thượng; ngay trong đêm 24-8, các hộ dân ở xóm 7 và xóm 6 đã được sơ tán khẩn cấp. Xã Tân Thái (huyện Đại Từ) có 3 nhà dân bị sạt lở đất. Xã Phấn Mễ (huyện Phú Lương) có 20 nhà dân bị ngập nước trên 1m; xã Hợp Thành (huyện Phú Lương) có 1 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Đến trưa 25-8 vẫn còn 11 hộ dân ở xã Phủ Lý và thị trấn Giang Tiên thuộc huyện Phú Lương bị cô lập. Nhiều điểm trường cũng bị ngập úng, một số thiết bị dạy học bị cuốn trôi.

Người dân huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên di chuyển tài sản, vật nuôi tránh lũ. Ảnh TTXVN

Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ ở nhiều xã, thị trấn ở huyện Định Hóa. Có ít nhất 10 hộ dân tại xóm Thâm Tắng, xã Định Biên (huyện Định Hóa) phải di dời vào trong rừng vì nhà bị ngập sâu trong nước. Ngoài ra, hơn 600ha lúa và rau màu của xã Định Biên cũng bị ngập úng, 200m đường Quốc lộ 3C thuộc khu vực xã Yên Đổ, huyện Phú Lương và 20m đường liên xã thuộc xã Yên Trạch (huyện Phú Lương) bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông.

Ngay sau khi xảy ra mưa lớn, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Quân khu 1, UBND các huyện, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện trực tiếp xuống các xã chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa, dông lốc gây ra.

Tại huyện Sơn Dương, mưa lớn liên tục trong đêm 24-8, rạng sáng 25-8 khiến nhiều xã: Minh Thanh, Kháng Nhật, Tú Thịnh, Tân Trào và thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị ngập cục bộ, lượng mưa đo được tại huyện Sơn Dương là 229mm. Hiện tuyến Quốc lộ 2C, Quốc lộ 37 bị ngập cục bộ, một số thôn bị cô lập hoàn toàn...

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) ngày 25-8, đã có 2 người bị thương do sét đánh, 8 ngôi nhà bị sập; 274 nhà bị tốc mái, 30,12ha lúa bị đổ; 7 điểm trường bị hư hỏng... Về giao thông, tại Hà Giang, tuyến đường 4D từ huyện Xín Mần (Hà Giang) đi huyện Bắc Hà (Lào Cai) bị tắc hoàn toàn do sạt lở; Đường 178 tại Km0+800 bị tắc cục bộ; tuyến đường đi vào xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên bị sạt lở một số điểm. (ĐIỆP HÀ và TTXVN)

Hồ Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy

Hồi 5 giờ ngày 25-8, mực nước hồ Tuyên Quang ở cao trình +117,89m, lưu lượng đến hồ 2.489m 3 /s, lưu lượng xả 137m 3 /s. Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có Công điện số 46 lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy vào hồi 9 giờ và mở tiếp một cửa xả đáy vào hồi 15 giờ ngày 25-8. Tùy theo tình hình diễn biến của mưa lũ thượng nguồn có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các cơ quan có liên quan. Cũng trong ngày 25-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cũng có Văn bản số 102 gửi Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc yêu cầu triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy; thông tin đến người dân, chính quyền các cấp về việc hồ thủy điện Tuyên Quang xả lũ nhằm chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do xả lũ gây ra. (HOÀNG XUÂN)

Tích cực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 25-8, theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết: Trước tình hình thiên tai, mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc đang tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, trong ngày 25-8, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và dân quân tự vệ các địa phương đã tích cực tham gia giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Theo chỉ đạo của Quân khu 2, Bộ CHQS các địa phương huy động 305 người (45 cán bộ, chiến sĩ, 90 dân quân và 170 người các của lực lượng khác) có mặt kịp thời giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả. Tại tỉnh Thái Nguyên, địa phương huy động 700 người, trong đó có 104 cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh và 346 dân quân kịp thời giúp dân khắc phục hậu quả. Cũng trong ngày 25-8, hơn 150 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng phối hợp với dân quân đã có mặt kịp thời giúp nhân dân xã Nam Quan, Thạch Lâm, thị trấn Pác Miền, huyện Bảo Lâm và xã Bình Long, huyện Hòa An (Cao Bằng) khắc phục hậu quả do mưa lũ, dông lốc gây ra trong những ngày qua. Tỉnh Bắc Kạn đã huy động 175 người giúp đỡ, di dời 15 hộ dân đến nơi an toàn... (XUÂN DÂN)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cac-tinh-mien-nui-phia-bac-tiep-tuc-chiu-thiet-hai-do-anh-huong-bao-so-6-516086