Cách chọn phấn rôm an toàn cho bé

Nhiều bà mẹ có thói quen sử dụng phấn rôm trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu không chú ý trong quá trình lựa chọn và sử dụng, các bậc phụ huynh dễ "rước" bệnh về cho bé.

Phấn rôm có tác dụng chính là ngăn cho mồ hôi tiết ra trên da bé, giúp da thông thoáng vì thế, đa số các mẹ thường dùng phấn rôm thoa lên da bé sau khi tắm xong để giúp da bé khô, không bị ngứa trong mùa hè, hoặc cũng sử dụng khi con bị rôm sảy. Tuy nhiên phấn rôm chưa hẳn hoàn toàn không gây hại. Nếu không biết cách, mẹ bôi quá nhiều phấn rôm cho bé có thể làm bít lỗ chân lông khiến mồ hôi không thoát ra được, gây nhiễm trùng da, viêm da, hăm da. Bên cạnh đó, khi chăm sóc trẻ sơ sinh mà thấy bé bị rôm sảy thì mẹ nên để con vào phòng mát, sau đó tắm mát nhanh cho bé thì rôm sẽ hết ngay.

Phần rôm có nhiều công thức hóa học khác nhau nhưng thành phần chính là bột talc. Bột talc được sử dụng nhiều trong công nghiệp để làm ra các sản phẩm như: thức ăn cho vật nuôi, dây cáp, đèn cầy, gạch men, kẹo cao su, mỹ phẩm và dùng trong một số loại thuốc viên nhưng không gây phản ứng phụ hay ngộ độc.

Người ta thường cho rằng, trong phấn rôm có chứa rất nhiều những thành phần có khả năng hút ẩm. Tuy nhiên, khả năng thấm hút của phấn rôm rất thấp so với tã, lại có thể gây nên những kích ứng cho da của bé. Ưu điểm khác của phấn rôm là có mùi thơm dễ chịu nhưng mùi hương và tác dụng chống ma sát cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Những thành phần khác có trong phấn rôm là muối canxi và kẽm, chất béo và dầu thơm. Ngoài ra, người ta còn dùng bột bắp thay cho bột talc. Tất cả những chất này khi hít vào phổi đều gây viêm phổi. Thói quen dùng phấn không đúng có thể gây nguy hiểm khi trẻ hít phải hoặc do bôi phấn lên những vùng da nhạy cảm. Ngộ độc do hít phấn rôm xảy ra do sử dụng thường xuyên không đúng cách hoặc do trẻ lấy chơi nghịch và hít phải.

Để tránh những tác hại cho trẻ, phụ huynh cần chọn các sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây hại.(Ảnh minh họa).

Nguy hại khôn lường khi dùng phấn rôm cho trẻ

Thông tin trên báo Tri thức Trực tuyến, BS Lê Thị Kim Dung, Trưởng Phòng khám Sản phụ khoa - Nam khoa, Trung tâm Y khoa Thái Hà, cho hay sử dụng phấn rôm thoa vào vùng kín nguy hại hơn bạn tưởng rất nhiều. Nguyên nhân là do phấn rôm khi được thoa vào vùng nhạy cảm này sẽ phát tán rộng vào trong tử cung, buồng trứng, các hóa chất bám vào khu vực này gây dị ứng và lâu ngày, có thể dẫn tới ung thư.

Trước khi dẫn tới ung thư, phấn rôm có thể gây ra dị ứng, viêm nhiễm vùng kín mà biểu hiện đặc trưng nhất là ngứa âm đạo, âm đạo có mùi khó chịu... do phấn rôm làm cơ quan sinh dục bị bí, không thoáng, thoát mồ hôi.

Do đó, mặc dù chưa có khuyến cáo chính thức về việc phấn rôm gây ung thư buồng trứng, song bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không dùng phấn rôm bôi vào âm đạo cũng như vùng bụng dưới, nhất là với các bé gái bởi các hạt bụi phấn li ti có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể, gây viêm nhiễm cho bé.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo không nên sử dụng phấn rôm cho trẻ em bởi loại phấn này không có tác dụng trị rôm sảy như mọi người nghĩ, thậm chí còn làm bít lỗ chân lông của trẻ, làm các bệnh hăm da, viêm da nặng hơn khi không dùng.

Hơn nữa, những thành phần có trong phấn rôm như bột talc, muối calci, kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm có thể gây hại nếu hít vào.

Phấn rôm vào đường hô hấp làm phổi trẻ bị sưng, viêm, gây ho, hắt hơi, sổ mũi, nôn, khó thở, tím tái... Khi trẻ hít phải nhiều sẽ gây nghẽn đường thở.

Với kích thước rất nhỏ, các hạt bột phấn sẽ len lỏi vào phế nang của trẻ, cản trở hoạt động nhung mao hô hấp. Bụi phấn sẽ tích tụ trong phổi làm tắc nghẽn đường thở ở nhiều mức độ gây thiếu ôxy, viêm nhiễm đường thở và mô kẽ, dẫn tới viêm tiểu phế quản nặng rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ.

TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên ngành da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội nhận định: “Trước đây người ta hay dùng phấn rôm để làm dịu mát da cho trẻ và trị hăm da, nhưng hiện nay, các chuyên gia đều khuyến cáo không nên dùng phấn rôm, đặc biệt tối kỵ việc hít phải bụi phấn, gây hại đường hô hấp, nhất là với trẻ em”.

Trước khi dùng, phụ huynh cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của bé và theo dõi trong 24 giờ. (Ảnh minh họa).

Cách chọn phấn rôm cho trẻ

Nếu bắt buộc phải dùng phấn rôm, người tiêu dùng nên chú ý trong quá trình lựa chọn:

Thị trường hiện có rất nhiều nhãn hiệu phấn thơm để bạn lựa chọn và nhiều nhất là các sản phẩm nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, sản phẩm của mỗi nhãn hiệu đều có một nét riêng, dễ phân biệt nhất đó là ở hương thơm.

Để tránh những tác hại cho trẻ, phụ huynh cần chọn các sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây hại. Không mua các sản phẩm phấn rôm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc sản xuất hoặc nhập lậu vì rất có thể gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng. Trước khi dùng, phụ huynh cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của bé và theo dõi trong 24 giờ.

Tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm về những nhãn hàng đuợc đảm bảo chất lượng. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm đã được kiểm nghiệm bởi FDA.

Nếu da bé bị khô, mẹ nên sử dụng kem giúp cân bằng và làm mềm da thay vì tiếp tục cho con sử dụng phấn.

Có nhiều loại phấn trẻ em trên thị trường nhưng mẹ nên ưu tiên phấn được điều chế từ tinh bột bắp. Loại phấn này đã được kiểm nghiệm và chứng minh là an toàn hơn cho trẻ em.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/tu-van-tieu-dung/cach-chon-phan-rom-an-toan-cho-be-a134938.html